Kinh nghiệm quốc tế
Nguyên tắc 13 trong Bộ nguyên tắc cơ bản phát triển các hệ thống BHTG hiệu quả của Hiệp hội BHTG quốc tế (IADI) khuyến nghị: “Tổ chức BHTG cần phải là một bộ phận của hệ thống an toàn tài chính để phát hiện sớm, can thiệp kịp thời các ngân hàng có vấn đề. Khuôn khổ này cần cho phép can thiệp trước thời điểm một ngân hàng phá sản. Việc đảm bảo nguyên tắc này nhằm bảo vệ người gửi tiền và đóng góp vào sự ổn định tài chính”.
Theo đó, bên cạnh việc nâng cao tính chủ động trong hoạt động giám sát, tổ chức BHTG có thể chủ động chuẩn bị các kịch bản đối phó, bao gồm cả về khả năng tài chính và nguồn nhân lực khi phát hiện sớm các rủi ro; đồng thời, các cơ quan giám sát an toàn tài chính sẽ triển khai hiệu quả các biện pháp giảm thiểu tối đa chi phí xử lý đổ vỡ như: hỗ trợ thanh khoản, hỗ trợ sáp nhập, mua lại hay tái cấp vốn cho một ngân hàng từ nguồn vốn của tổ chức BHTG, hoặc các cơ quan chính phủ có thẩm quyền khác.
Khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn 2008 - 2009 đã khiến chính phủ nhiều nươcs trao thêm quyền hạn cho tổ chức BHTG, trong đó có trách nhiệm về phát hiện sớm và can thiệp kịp thời. Theo nghiên cứu của IADI, các tổ chức BHTG đã bắt đầu tiến hành thu thập dữ liệu, phân tích rủi ro và tham gia đánh giá tính ổn định của các ngân hàng.
Nhiều ý kiến ủng hộ vai trò của BHTG trong phát hiện sớm ngân hàng có vấn đề, vì BHTG có thể cung cấp đánh giá bổ sung về các ngân hàng, củng cố các kết luận của cơ quan giám sát, qua đó tăng cường chất lượng các đánh giá giám sát. Tuy nhiên, tùy thuộc vào mức độ ảnh hưởng của khủng hoảng lên hệ thống ngân hàng của các nước, mà vai trò của tổ chức BHTG sẽ được đánh giá và định vị khác nhau.
Liên quan đến giám sát rủi ro hệ thống, hiện các tổ chức BHTG đang tiến dần đến việc tham gia vào Hội đồng ổn định tài chính do tổ chức BHTG có khả năng phân tích và các công cụ để đánh giá rủi ro mang tính hệ thống, thông qua các nghiệp vụ BHTG.
Tùy theo định hướng và thẩm quyền của tổ chức BHTG được luật hóa, vai trò của mỗi tổ chức trong vấn đề này là khác nhau. Các tổ chức BHTG tuân thủ nguyên tắc 13 sẽ có đầy đủ quyền hạn và trách nhiệm trong việc phát hiện sớm ngân hàng có vấn đề, cùng với các thành viên khác của mạng an toàn tài chính.
Khuyến nghị đối với Việt Nam
Trước khi có Luật BHTG, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) có nhiệm vụ theo dõi, giám sát kiểm tra việc chấp hành các quy định về BHTG và an toàn trong hoạt động của các tổ chức tham gia BHTG theo Nghị định 89 và 109 về BHTG. Khi xác định tổ chức tham gia BHTG có nguy cơ dẫn đến mất khả năng chi trả, thất thoát lớn về tài sản, hoặc có tác động nghiêm trọng tới các tổ chức tín dụng khác, BHTGVN có quyền yêu cầu tổ chức tham gia BHTG có biện pháp chấn chỉnh kịp thời, đồng thời báo cáo Ngân hàng Nhà nước để có biện pháp xử lý khẩn cấp.
Sau khi Luật BHTG có hiệu lực, nhiệm vụ của BHTGVN là theo dõi và kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về BHTG, không được thực hiện kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về an toàn trong hoạt động ngân hàng. Trong khi đó, đối với nghiệp vụ giám sát từ xa, BHTGVN được thực hiện giám sát hai nội dung này.
Kiểm tra tại chỗ là hoạt động hỗ trợ và bổ sung cho hoạt động giám sát từ xa trong việc theo dõi và giám sát các tổ chức vi phạm an toàn trong hoạt động và vi phạm pháp luật về BHTG. Hoạt động kiểm tra được thực hiện theo định hướng giám sát. Tuy nhiên, với quy định của Luật BHTG thì kết quả giám sát từ xa không còn là nguồn thông tin đầu vào cho hoạt động kiểm tra tại chỗ.
Như vậy, để tăng cường vai trò của BHTGVN trong phát hiện sớm các tổ chức tín dụng có vấn đề, cần có cơ chế để BHTGVN được tiếp cận với thông tin về tổ chức tham gia BHTG chính xác và kịp thời. Nói cách khác, các văn bản dưới Luật cần quy định cụ thể về cách thức, biện pháp tiếp cận thông tin của BHTGVN để đảm bảo hỗ trợ hiệu quả cho việc phát hiện sớm các tổ chức tài chính có vấn đề.
Bên cạnh đó, BHTGVN cần tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng các kinh nghiệm quốc tế trong giám sát, phát hiện sớm các tổ chức tham gia BHTG gặp vấn đề. Đồng thời, đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền xem xét việc ban hành các văn bản cho phép thu thập thông tin trực tiếp từ tổ chức tham gia BHTG để nâng cao chất lượng công tác giám sát hệ thống ngân hàng nói chung, giúp BHTGVN chủ động trong triển khai các hoạt động nghiệp vụ và bảo vệ tốt hơn quyền lợi người gửi tiền.
Có thể nói, việc trao cho BHTGVN nhiệm vụ phát hiện sớm các tổ chức tín dụng gặp vấn đề là quy định tiến bộ, phù hợp với thông lệ quốc tế và khuyến nghị của IADI. Hoạt động giám sát rủi ro của BHTGVN nếu được thực hiện tốt có thể tạo ra một kênh giám sát bổ sung, độc lập, khách quan nhằm kiểm soát tốt rủi ro đối với các tổ chức tham gia BHTG, góp phần đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng.