Mục tiêu phát triển đến năm 2021, 2025, 2030, việc mở rộng diện bao phủ BHXH đạt tỷ lệ tương ứng là 35%, 45%, 60% lực lượng lao động tham gia BHXH. Ảnh Internet |
Các mục tiêu, nhiệm vụ được giao đều có thể đạt được
Ngay sau khi Nghị quyết 28-NQ/TW được ban hành, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 125/CP ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW và Nghị quyết 102/CP về giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH cho các địa phương. Theo đó, giai đoạn 2019-2020, Chính phủ giao UBND các tỉnh, thành phố căn cứ vào thực tế địa phương mình để tự xác định chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH, đồng thời triển khai thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu được giao. Từ năm 2021 trở đi, Chính phủ sẽ quyết định giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH cho các địa phương.
Theo Phó tổng giám đốc Trần Đình Liệu, việc quán triệt, triển khai Nghị quyết 28-NQ/TW và các Nghị quyết của Chính phủ đã được các địa phương thực hiện sôi nổi, tích cực, với sự chung sức, đồng lòng của toàn hệ thống chính trị, trong đó có ngành BHXH. Đây cũng được coi là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt hơn một năm qua của các cấp, các ngành.
Về phần mình, BHXH Việt Nam đã ban hành Chương trình hành động số 107-Ctr/BCSĐ ngày 16/08/2018 của Ban cán sự Đảng BHXH Việt Nam về thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW và Kế hoạch số 5386/KH-BHXH ngày 24/12/2018 của BHXH Việt Nam về việc thực hiện Nghị quyết số 125/NQ-CP ngày 08/10/2018 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW. Đồng thời, ban hành các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ cho các địa phương như: Quyết định số 2445/QĐ-BHXH về thành lập Ban Chỉ đạo phát triển đối tượng tham gia BHXH giai đoạn 2019-2020.
Trong quá trình chỉ đạo, điều hành, theo ông Trần Đình Liệu, toàn Ngành còn chủ động theo dõi, giám sát tình hình hằng ngày để kịp thời nắm bắt tình hình thực tế; từ đó có sự chỉ đạo và biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Song song với đó, ngành BHXH đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chính sách BHXH tự nguyện để nhiều người dân hiểu và tích cực đăng ký tham gia. Trong đó, chỉ tính riêng việc phối hợp với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam cũng đã tổ chức hơn 11.000 hội nghị tư vấn trực tiếp cho nhóm đối tượng tại cơ sở, qua đó góp phần phát triển số người tham gia BHXH tự nguyện tăng nhanh.
Ngành BHXH cũng thực hiện mở rộng hệ thống mạng lưới đại lý thu BHXH tự nguyện, phấn đấu mỗi thôn, bản, tổ dân phố đều có điểm thu BHXH tự nguyện, có nhân viên đại lý thu trực tiếp tham gia tuyên truyền, tư vấn đến từng người dân. Giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện cho BHXH cấp huyện và từng đại lý thu. Đa dạng các hình thức, phương thức nhận hồ sơ, trả kết quả, thu tiền đóng, chuyển tiền đóng vào quỹ BHXH để tạo thuận lợi nhất cho người tham gia BHXH tự nguyện.
Bên cạnh sự chỉ đạo của Chính phủ và sự vào cuộc của chính quyền các cấp, ngay từ đầu năm 2019, BHXH Việt Nam đã chủ động phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Nhờ đó, đến hết năm 2019, toàn Ngành đã vận động được gần 600.000 người tham gia. Riêng năm 2019, số lượng phát triển mới được gần 300.000 người, bằng 10 năm thực hiện chính sách BHXH tự nguyện (từ năm 2008-2018). Đây là nền tảng quan trọng để BHXH phấn đấu hoàn thành mục tiêu đầu tiên trong Nghị quyết 28-NQ/TW về tỷ lệ bao phủ BHXH tự nguyện đạt 1% ngay trong năm 2020 chứ không phải đợi đến năm 2021 theo tinh thần Nghị quyết. Điều đó cho thấy, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của ngành BHXH cùng những giải pháp phù hợp, thì các mục tiêu, nhiệm vụ được giao đều có thể đạt được.
Còn nhiều thách thức cần vượt qua
Tuy nhiên, theo Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu, thách thức đặt ra trong thời gian tới là vô cùng lớn. Mục tiêu phát triển đến năm 2021, 2025, 2030, việc mở rộng diện bao phủ BHXH đạt tỷ lệ tương ứng là 35%, 45%, 60% lực lượng lao động tham gia BHXH. Trong đó, yêu cầu phát triển BHXH tự nguyện với mục tiêu phải đạt từ 1%, 2,5%, 5% lực lượng lao động trong độ tuổi; với BH thất nghiệp phải đạt 28%, 35%; 45% lực lượng lao động.
Bên cạnh đó, việc khai thác, mở rộng diện bao phủ tham gia BHXH tại Việt Nam còn gặp rất nhiều khó khăn. Hằng năm, số người tham gia BHXH tuy có tăng nhưng số người hưởng trợ cấp BHXH một lần cũng không hề nhỏ; tình trạng trốn đóng BHXH tại khu vực tham gia BHXH bắt buộc vẫn còn và chưa được giải quyết triệt để; chính sách BHXH tự nguyện với mức hỗ trợ đóng rất thấp, thời gian tham gia dài chưa thực sự hấp dẫn…
Có thể thấy, năm 2020 là năm bản lề quan trọng trong việc hoàn thành những mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết số 28-NQ-TW. Ông Trần Đình Liệu cho biết, BHXH Việt Nam xác định đây là năm tập trung cao độ để triển khai các nhiệm vụ đã được đặt ra tại Nghị quyết 28-NQ/TW, trong đó đặc biệt quan tâm việc hoàn thành các chỉ tiêu bao phủ BHXH.
Nhằm thực hiện chủ trương của Thủ tướng là xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động phục vụ người dân, BHXH Việt Nam đề nghị các cấp, các ngành xây dựng kế hoạch cụ thể làm cơ sở bứt phá cho từng năm và theo từng giai đoạn đã được Chính phủ ban hành tại Nghị quyết số 125/NQ-CP.
Toàn Ngành BHXH phải chủ động, nỗ lực, quyết tâm thực hiện thành công Nghị quyết 28-NQ/TW, tìm ra các giải pháp mở rộng bền vững diện bao phủ BHXH. Từ đó, tạo được niềm tin của xã hội, nhất là của người dân, người lao động, khẳng định được hình ảnh, vị thế của Ngành trong sự nghiệp an sinh xã hội.