Bất cập về giá từ chuyện 40 nhà thầu xây dựng kêu cứu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Các nhà thầu xây dựng triển khai hợp đồng theo hình thức trọn gói, đơn giá cố định trong khi đó chủ đầu tư lập dự toán mà chưa có thông báo giá sát với thực tế. Điều này khiến nhà thầu lâm vào tình cảnh “sống dở chết dở”. Không tham gia đấu thầu thì nhà thầu không có việc làm nhưng trúng thầu thì “bấm bụng” bù chênh lệch chi phí quá lớn. Câu chuyện của hơn 40 nhà thầu xây dựng tỉnh Cà Mau nhưng cũng là tình cảnh của nhiều nhà thầu trên cả nước.
Giá thị trường gấp đôi báo giá của Nhà nước. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Giá thị trường gấp đôi báo giá của Nhà nước. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Giá thị trường gấp đôi báo giá của Nhà nước

Trong văn bản của 40 nhà thầu xây dựng có trụ sở tại tỉnh Cà Mau gửi UBND tỉnh Cà Mau, Sở Xây dựng Cà Mau, câu chuyện nhức nhối là sự khác biệt giữa giá thị trường và giá công bố của cơ quan quản lý nhà nước. Theo các nhà thầu, hai con số này đang vênh nhau đến ngỡ ngàng: Ngoài thị trường, giá cát tăng gần gấp đôi, cấp phối đá dăm tăng gần gấp rưỡi, thép và xăng dầu tăng gấp đôi so với thông báo giá của liên Sở Tài chính - Xây dựng.

Một bất cập khác, theo các nhà thầu thì “giá nhân công mà Sở Xây dựng Cà Mau ban hành để áp dụng lập dự toán thấp hơn so với giá nhân công mà nhà thầu phải thuê mướn ngoài thực tế rất nhiều. Nhà thầu phải bù tiền nhân công trong quá trình thi công rất lớn.”

Trao đổi với Báo Đấu thầu, nhiều nhà thầu xây dựng tại tỉnh Cà Mau cho biết, từ giữa năm 2020, bão giá vật liệu xây dựng đã từng bước đẩy nhiều nhà thầu vào ngõ cụt. Hiện tại, giá thép lên gần 20.000 đồng/kg, các loại vật liệu khác như cát, đá, gạch, xi măng, tôn... cũng đồng loạt tăng theo từ 20 - 25%. Nếu như trong năm 2020, giá dầu, xăng chỉ từ 10.000 - 16.000 đồng/lít thì hiện nay, giá dầu đã cán mốc gần 15.000 đồng/lít, trong khi giá xăng (tuỳ loại) vào khoảng 19.000 đồng/lít.

Công bố của liên Sở Xây dựng - Tài chính tỉnh Cà Mau cho thấy, giá cát vàng xây dựng từ 170.000 - 200.000 đồng/m3 nhưng giá thực tế đầu tháng 5/2021 nhà thầu phải mua với mức từ 370.000 - 400.000 đồng/m3 đối với cát xây -tô; 600.000 - 800.000 đồng/m3 đối với cát đổ bê tông; đá loại 1x2cm và 4x6cm lần lượt là 400.000 và 405.000 đồng/khối nhưng thực tế hiện giao động từ 510.000 - 520.000 đồng/khối; sắt và thép từ 12.500 - 13.000 đồng/kg trong báo giá công bố nhưng thực tế thị trường giá đã hơn 20.000 đồng/kg…

Riêng chi phí nhân công, nhiều năm nay, thợ từ bậc 3 đến bậc 5/7 được ấn định từ hơn 170.000 - hơn 237.000 đồng/ngày. Trong khi giá thực tế nhà thầu phải trả từ 310.000 - 490.000 đồng/ngày.

Một bất cập nữa là báo giá của cơ quan quản lý nhà nước vừa không theo kịp giá thị trường vừa chậm cập nhật cả quý, gây khó khăn cho chủ đầu tư và nhà thầu trong quá trình đấu thầu.

Một nhà thầu tại Cà Mau cho biết, trong các vật liệu xây dựng, giá tăng cao nhất là sắt và thép, hiện tăng từ 40 - 45%. “Khi xây dựng công trình dân dụng, hai vật liệu cơ bản này tăng đồng nghĩa với vừa thi công vừa bù lỗ triền miên”, nhà thầu này cho biết.

“Vật liệu đầu vào chiếm khoảng 60% giá thành công trình, 20% là chi phí nhân công. Cả hai chi phí chính yếu này đang được quản lý theo kiểu không giống ai. Tức là, giá thị trường gấp đôi giá công bố của Nhà nước. Chỉ có những người trong cuộc mới hiểu hết cái khó và nỗi khổ của nhà thầu”, anh K, đại diện nhà thầu NT khẳng định.

Đối thoại, xin gỡ vướng... là chưa đủ

Trước lá đơn kêu cứu của 40 nhà thầu xây dựng, ông Dư Minh Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Cà Mau cho biết, đã nắm được nội dung kiến nghị và “sẽ sớm tổ chức đối thoại giữa các nhà thầu xây dựng, cơ quan quản lý để tìm hướng tháo gỡ”.

Năm 2018, cơn bão giá cát tăng phi mã khiến nhiều địa phương đồng loạt có văn bản xin gỡ vướng các hợp đồng trọn gói, hợp đồng theo đơn giá cố định. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn đối với từng trường hợp cụ thể, đặc biệt trong bối cảnh giá cát bị đẩy lên bất thường.

Tuy nhiên, xét trên nhiều góc độ cũng như cảnh báo của Bộ KH&ĐT, việc điều chỉnh hợp đồng là phải cẩn trọng, đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả kinh tế, tránh thất thoát vốn nhà nước. Người quyết định đầu tư tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình. Bởi, điều chỉnh hợp đồng không phải là giải pháp ưu tiên của vấn đề, không giải quyết tận gốc.

“Cơ quan quản lý nhà nước về vật liệu xây dựng, cơ quan quản lý chính sách giá phải có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn, ngay từ gốc mới là giải pháp căn cơ nhất”, đại diện Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam khẳng định.

Trong khi đó, nếu tình trạng này không có giải pháp căn cơ, lâu dài, hệ lụy sẽ ảnh hưởng lớn tới toàn bộ hoạt động xây dựng như: vỡ tiến độ, chậm tiến độ thi công, tỷ lệ giải ngân chậm, thấp, chất lượng công trình không đảm bảo do thiếu, hụt nguồn vật liệu. Bên cạnh đó, do bối cảnh bão giá vật liệu, đã trực tiếp đẩy các chủ đầu tư và các nhà thầu vào nhiều rủi ro, thậm chí, nhà thầu có thể đối diện với các hình thức xử lý như phạt hợp đồng, chấm dứt hợp đồng hoặc cấm thầu.

Câu chuyện đơn giá xây dựng bất cập, dẫn tới lập dự toán không sát thực tế gây ra hệ lụy xấu cho chính chủ đầu tư và nhà thầu không chỉ xảy tại Cà Mau. Ngay tại TP.HCM và các tỉnh thành khác, đơn giá các loại vật liệu đầu vào thiết yếu của ngành xây dựng luôn thấp hơn thị trường, chậm trễ công bố nhiều tháng.

Để giải quyết triệt để bất cập trên, Bộ KH&ĐT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu, rà soát lại nguồn thông tin hình thành cơ sở dữ liệu giá tính thuế tài nguyên đối với đá, cát, sỏi; sớm triển khai nghiên cứu và áp dụng rộng rãi vật liệu thay thế cát xây dựng tự nhiên…

Tin cùng chuyên mục