“Bẫy” chỉ định thầu nhìn từ PVN

(BĐT) - Mới đây, Ủy ban kiểm tra Trung ương (UBKTTW) ra thông báo về nội dung kỳ họp thứ 14...
“Bẫy” chỉ định thầu nhìn từ PVN

Trong đó có đề nghị xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Đinh La Thăng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) và nhiều cá nhân từng công tác tại PVN vì một số lỗi vi phạm mà nổi bật là vi phạm trong công tác đấu thầu. 

Trong Thông báo của UBKTTW, đáng chú ý, chỉ định thầu trái quy định là một trong những nguyên nhân mà UBKTTW đề nghị xem xét kỷ luật đối với ông Đinh La Thăng.

Lâu nay, một số cá nhân, đơn vị khi triển khai các dự án đầu tư thường vin vào một số lý do để tránh phải đấu thầu. Khi được sự đồng ý của cấp trên thì thường coi đây là một thắng lợi. Tuy nhiên, nhiều người không hiểu rằng chỉ định thầu hay giao thầu, lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt (theo Điều 26 Luật Đấu thầu) luôn tiềm ẩn những rủi ro đối với người ra quyết định. Lý do là, Luật Đấu thầu 2005 (Khoản 7 Điều 60) quy định người có thẩm quyền phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về các quyết định của mình; còn chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm về việc đưa ra yêu cầu đối với gói thầu chỉ định thầu (Khoản 6 Điều 61) và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quá trình lựa chọn nhà thầu theo quy định của Luật (Khoản 8 Điều 61). Luật Đấu thầu 2013 còn quy định chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và người có thẩm quyền về quá trình lựa chọn nhà thầu (Khoản 11 Điều 74).

Rõ ràng là khi quyết định của chủ đầu tư, người có thẩm quyền không bị chi phối bởi đồng tiền, quyền lực mà vì hiệu quả của dự án thì rủi ro sẽ bớt đi. Tuy nhiên, nếu không thoát khỏi sự cám dỗ của đồng tiền, của lợi ích nhóm thì quyết định của chủ đầu tư, người có thẩm quyền sẽ khó khách quan, khó đem lại hiệu quả cho dự án.

Trong thời gian qua, hình thức chỉ định thầu được nhiều chủ đầu tư, bên mời thầu ưa thích. Thậm chí, nhiều địa phương, đơn vị trình xin Thủ tướng áp dụng cơ chế đặc biệt để được giao thầu thực hiện dự án với lý do cấp bách hoặc đề xuất xin áp dụng Điều 26 Luật Đấu thầu, để tránh phải đấu thầu. Nhưng trên thực tế có trường hợp khi xin “cơ chế riêng” thì cố chứng minh rằng dự án hết sức cấp bách nhưng sau đó dự án vẫn “ngâm mãi” và thật khó để cho rằng dự án thực sự cấp bách như ý kiến ban đầu.

Bình luận về những sai phạm và hệ lụy từ vụ việc của PVN, một chuyên gia về đấu thầu cho biết: Đây là bài học trong công tác đấu thầu không chỉ dành cho riêng ai. Chỉ định thầu, trong một số trường hợp, chẳng hạn để đáp ứng yêu cầu cấp bách, sẽ phát huy tác dụng, có thể rút ngắn thời gian và một số thủ tục để đẩy nhanh tiến độ dự án, nhưng lại là “con dao hai lưỡi” có thể “bẫy” chính người trong cuộc, đặc biệt là người ra quyết định. Bởi người có thẩm quyền và chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình, phải chọn cho được nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện dự án có hiệu quả.

Từ vụ việc của PVN, có thể thấy, được chỉ định thầu, đôi khi là “cái thòng lọng” để “bẫy” chính người ra quyết định, đặc biệt là trong trường hợp có “lợi ích nhóm” và không khách quan. Một vế luôn đi kèm sau cụm từ “được phép chỉ định thầu” là “phải tuân thủ quy định của pháp luật” lâu nay vẫn bị nhiều người xem nhẹ. Và trong vụ việc tại PVN, ông Đinh La Thăng có thể phải trả giá bằng sinh mệnh chính trị của mình âu cũng chỉ vì xem nhẹ điều này. Và không có chuyện được chỉ định thầu rồi thì cứ “kê cao gối ngủ”.

Tin cùng chuyên mục