Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh (BDI), thị trường bất động sản không chỉ của Việt Nam mà của cả thế giới vẫn luôn luôn phụ thuộc vào ngân hàng. Hiện thị trường bất động sản đang phục hồi, ổn định và không có dấu hiệu bong bóng ít nhất trong vòng 5 năm tới. Vì vậy, siết tín dụng nói chung và tín dụng bất động sản vào thời điểm này là chưa cần thiết, thậm chí là lỗ mãng.
“Tín dụng ngân hàng vẫn là kênh số 1 với thị trường bất động sản. Bất động sản là bà đỡ cho ngân hàng, có thể làm các ngân hàng sụp đổ nên cần có chiến lược lâu dài với thị trường này. Nếu không nghiên cứu kỹ và nghe ý kiến một vài chuyên gia mà đưa ra quyết định siết tín dụng là một hành động lỗ mãng trên thị trường”, ông Nghĩa khẳng định.
Theo chuyên gia này, thay vì siết tín dụng, Ngân hàng Nhà nước cần kiểm soát tín dụng hiệu quả hơn, ví dụ tín dụng cho người liên quan tới ngân hàng, tín dụng chảy vào các dự án không hiệu quả, tín dụng cấp cho các dự án mà nhà đầu tư không có tiềm lực tài chính, tín dụng đen và đặc biệt là xử lý nợ xấu.
Trước ý kiến của chuyên gia, ông Nguyễn Trọng Du, Vụ trưởng Vụ Chính sách an toàn hoạt động ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước ) cho rằng, việc sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-NHNN không phải để nhằm siết tín dụng bất động sản, mà nhằm để các quản lý rủi ro thanh khoản tốt hơn, đảm bảo nguồn vốn trung, dài hạn cho thị trường tốt hơn thời gian tới.
“Việc điều chỉnh tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 60% xuống 40% và nâng hệ số rủi ro bất động sản từ 150% lên 250% không phải là hạn chế cho vay bất động sản, mà là công cụ để bắt buộc tổ chức tín dụng phải nâng cao tỷ lệ vốn tự có. Ngân hàng Nhà nước luôn minh bạch trong ban hành các chính sách, luôn lắng nghe, cầu thị, lấy ý kiến rộng rãi và áp dụng có lộ trình, nên nói Ngân hàng Nhà nước có hành động lỗ mãng, thô bạo, tôi cho rằng không thỏa đáng”, ông Du nói.
Trước ý kiến của Ngân hàng Nhà nước, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản cho rằng, không thể nói sửa đổi Thông tư 36 không ảnh hưởng đến tín dụng bất động sản. Việc ngân hàng nâng cao hệ số rủi ro khi cho vay bất động sản tất yếu sẽ khiến nguồn vốn đổ vào lĩnh vực này giảm.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp bất động sản cho rằng, Ngân hàng Nhà nước đã nhắm nhầm doanh nghiệp khi sửa đổi Thông tư 36. Theo đó, thời gian qua, thủ phạm chính gây ra tình trạng đổ vỡ tín dụng bất động sản là sở hữu chéo ngân hàng - chủ đầu tư. Do đó, để hạn chế rủi ro trong lĩnh vực này, Ngân hàng Nhà nước nên siết sở hữu chéo thay vì đánh đồng hệ số rủi ro, áp dụng với mọi dự án, mọi chủ đầu tư.