Bổ sung khoản chi không được trừ khi tính thuế: Nỗi lo doanh nghiệp giảm nhiệt huyết đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thảo luận tại Hội trường Quốc hội ngày 28/11 về Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), hai điểm đáng chú ý được nhiều đại biểu Quốc hội cho ý kiến là ưu đãi thuế cho doanh nghiệp (DN) nhỏ và siêu nhỏ và khoản chi không được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN). Hai nội dung này được đề nghị cần quy định hợp lý hơn để DN có thể tận dụng ưu đãi, mong muốn phát triển và mạnh dạn mở rộng đầu tư.
Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) quy định thuế suất 17% áp dụng với doanh nghiệp có tổng doanh thu năm từ trên 3 tỷ đồng đến không quá 50 tỷ đồng. Ảnh: Nhã Chi
Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) quy định thuế suất 17% áp dụng với doanh nghiệp có tổng doanh thu năm từ trên 3 tỷ đồng đến không quá 50 tỷ đồng. Ảnh: Nhã Chi

Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) dự kiến được thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025).

Về thuế suất với DN nhỏ và siêu nhỏ, Dự thảo quy định thuế suất 15% áp dụng đối với DN có tổng doanh thu năm không quá 3 tỷ đồng; thuế suất 17% áp dụng đối với DN có tổng doanh thu năm từ trên 3 tỷ đồng đến không quá 50 tỷ đồng. Trong khi mức thuế suất thuế TNDN phổ thông hiện nay là 20%.

Đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) cho rằng, thuế suất 15% với DN có doanh thu không quá 3 tỷ đồng/năm, tương ứng 10 triệu đồng/ngày, tương đồng với các hộ kinh doanh cá thể mà lại phải quyết toán, làm tăng chi phí hoạt động của DN. Do đó, ông Thân đề xuất, với mức doanh thu này thì ấn định mức thuế cụ thể phải đóng hàng tháng để đơn giản hóa trong thực thi, đồng thời khiến nhiều hộ kinh doanh mong muốn trở thành DN.

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa - Vũng Tàu) thì cho rằng, mức thuế suất 15% này nên áp dụng cho doanh thu không quá 5 tỷ đồng/năm để phù hợp với thực tế chi phí sản xuất, kinh doanh ngày càng tăng cao.

Cùng quan điểm, đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) đề nghị tăng ngưỡng doanh thu áp dụng thuế suất 15% từ 3 tỷ đồng lên 5 tỷ đồng để phù hợp hơn với thực tế hoạt động của DN siêu nhỏ, tăng ngưỡng doanh thu áp dụng thuế suất 17% từ 50 tỷ đồng lên 70 tỷ đồng để bao quát thêm các DN nhỏ có tiềm năng phát triển.

Ở khía cạnh khác, đại biểu Thạch Phước Bình cho rằng, có thể phát sinh tình trạng DN chia nhỏ doanh thu để hưởng thuế suất thấp hơn, hay các DN trong ngưỡng doanh thu gần 3 tỷ đồng hoặc gần 50 tỷ đồng “ngại lớn” để không phải chịu thuế suất cao hơn, kìm hãm sự phát triển dài hạn.

Do đó, ông Bình đề nghị cần áp dụng các biện pháp kỹ thuật để tránh tình trạng DN chia tách hoặc chuyển giá nhằm lách luật, có thể kết hợp thanh tra, giám sát từ cơ quan thuế. Đồng thời, áp dụng lộ trình tăng dần mức thuế suất khi DN vượt ngưỡng doanh thu, ví dụ từ 15% lên 16% hoặc từ 17% lên 18% thay vì tăng đột ngột lên 20%, tránh tạo áp lực lớn khi DN mở rộng quy mô.

Về nội dung chi phí được trừ khi tính thuế TNDN, Dự thảo bổ sung quy định về “khoản chi không tương ứng với doanh thu tính thuế” không thuộc chi phí được trừ. Nhiều ý kiến cho rằng quy định như vậy là không hợp lý.

Theo đại biểu Mai Văn Hải (Thanh Hóa), trên thực tế phát sinh tình huống DN bỏ chi phí chuẩn bị đầu tư hoặc đã bỏ tiền đầu tư dự án kinh doanh nhưng do dự án gặp rủi ro khách quan và DN không có doanh thu từ dự án đó, nhưng vẫn có doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh khác. Trong những trường hợp như vậy, nếu cơ quan thuế căn cứ vào quy định khoản chi không tương ứng với doanh thu tính thuế để loại bỏ chi phí chuẩn bị đầu tư, chi phí đã đầu tư của dự án gặp rủi ro sẽ tạo bất hợp lý và ảnh hưởng đến động lực đầu tư của DN. Thực tế, rủi ro không có doanh thu là điều không mong muốn nhưng rất dễ xảy ra trong đầu tư kinh doanh. Do đó, ông Hải đề nghị nghiên cứu, bổ sung thêm các loại chi phí liên quan đến việc chuẩn bị đầu tư và đầu tư dự án mới (sau đó gặp rủi ro dẫn đến không có doanh thu) vào diện chi phí được trừ khi xác định nghĩa vụ thuế TNDN.

Trả lời ý kiến của các đại biểu về thuế suất 15% - 17% áp dụng với DN nhỏ và siêu nhỏ, ông Hồ Đức Phớc - Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, đó là doanh thu dựa trên cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế, Ban soạn thảo cũng mong muốn Quốc hội giao cho Chính phủ điều chỉnh khi có sự biến động.

Về nội dung “khoản chi không tương ứng với doanh thu tính thuế không thuộc chi phí được trừ khi tính thuế TNDN”, ông Phớc cho rằng, hành vi đầu tư của DN do cân nhắc không kỹ lưỡng dẫn đến rủi ro và thua lỗ mà bắt Nhà nước bỏ tiền bù đắp thì không hợp lý, hay nói cách khác, mỗi DN phải chịu trách nhiệm về hành vi kinh doanh của mình với kết quả cuối cùng.

Ông Phớc chia sẻ thêm: “Hiện nay, thuế là nguồn thu chủ yếu của ngân sách nhà nước. Thực trạng ngân sách hiện nay đang bội chi khoảng 400.000 tỷ đồng, nợ công hiện ở mức 37% GDP từ mức 44% GDP đầu nhiệm kỳ. Tuy nhiên, nhiều công trình hạ tầng trọng yếu đang được xây dựng có thể đẩy bội chi ngân sách và nợ công tăng lên. Mặt khác, xu thế của nhiều nước hiện nay là thắt chặt tài khóa để đảm bảo sự vững mạnh của tài chính công, trong khi chúng ta vẫn đang thực hiện chính sách tài khóa mở rộng. Ở khía cạnh khác, thuế TNDN của Việt Nam ở mức thấp so với Philippines, Malaysia. Do đó, chính sách thuế cần đảm bảo hỗ trợ DN, song cũng cần đảm bảo sự công bằng, hợp lý”.

Tin cùng chuyên mục