Bộ Tài chính lưu ý 2 điểm khi triển khai chính sách miễn, giảm thuế hỗ trợ phục hồi từ ngày 1/2

0:00 / 0:00
0:00
Bộ Tài chính lưu ý, khi triển khai Nghị định số 15 về chính sách miễn, giảm thuế tại chương trình phục hồi, cần giữ bình ổn giá cả thị trường trong suốt năm 2022 để người dân hưởng lợi và giám sát chặt để tránh doanh nghiệp "khai khống" khoản chi tài trợ Covid...
Hàng loạt nhóm hàng hóa, dịch vụ sẽ giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng còn 8% từ mùng 1 Tết Nguyên đán.
Hàng loạt nhóm hàng hóa, dịch vụ sẽ giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng còn 8% từ mùng 1 Tết Nguyên đán.

Ngày 28/1, Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2022/NĐ-CP quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Nghị định số 15 gồm 03 điều, quy định rõ về chính sách giảm thuế giá trị gia tăng và chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/2/2022 (Mùng 1 Tết Nguyên đán 2022) đến hết ngày 31/12/2022.

BÌNH ỔN GIÁ CẢ ĐỂ NGƯỜI DÂN HƯỞNG LỢI

Thông tin về một số điểm nổi bật, Bộ Tài chính cho biết, thứ nhất, về giảm thuế giá trị gia tăng, Nghị định số 15 giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng trong năm 2022, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ.

“Cần hướng dẫn, kiểm tra, giám sát để người tiêu dùng hiểu và được thụ hưởng lợi ích từ việc giảm thuế giá trị gia tăng quy định. Tập trung các giải pháp ổn định cung cầu hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng giảm thuế giá trị gia tăng, giữ bình ổn mặt bằng giá cả thị trường từ ngày 01/02/2022 đến hết ngày 31/12/2022 cơ bản ổn định so với thời điểm trước ngày 01/02/2022”, Bộ Tài chính lưu ý.

Để thuận tiện cho tổ chức, cá nhân và cơ quan quản lý thuế áp dụng, đồng thời đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật chuyên ngành hiện hành, Bộ Tài chính chỉ rõ, việc xác định hàng hóa, dịch vụ không được áp dụng giảm thuế giá trị gia tăng được thực hiện theo các phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 15.

Bao gồm 3 phụ lục về: danh mục hàng hóa, dịch vụ không được giảm thuế giá trị gia tăng; danh mục hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt không được giảm thuế giá trị gia tăng; danh mục hàng hóa, dịch vụ công nghệ thông tin không được giảm thuế giá trị gia tăng.

Về đối tượng áp dụng, Nghị định số 15 quy định áp dụng giảm thuế giá trị gia tăng đối với tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng 10%, không phân biệt phương pháp tính thuế của cơ sở kinh doanh là phương pháp khấu trừ hay phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu.

Để đảm bảo việc giảm thuế đúng quy định, đưa chính sách giảm thuế đến đúng đối tượng thụ hưởng là người mua hàng hóa, dịch vụ, đảm bảo minh bạch, tránh lợi dụng, Nghị định số 15 cũng quy định rõ việc xuất hóa đơn.

“Cơ sở kinh doanh phải lập hóa đơn riêng cho hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế giá trị gia tăng. Trường hợp cơ sở kinh doanh không lập hóa đơn riêng cho hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế giá trị gia tăng thì không được giảm thuế giá trị gia tăng”, Bộ Tài chính lưu ý.

Đối với trường hợp cơ sở kinh doanh đã lập hóa đơn và đã kê khai theo mức thuế suất hoặc mức tỷ lệ % để tính thuế giá trị gia tăng chưa được giảm theo quy định tại Nghị định, người bán và người mua phải lập biên bản hoặc có thỏa thuận bằng văn bản ghi rõ sai sót.

Đồng thời, người bán lập hóa đơn điều chỉnh sai sót và giao hóa đơn điều chỉnh cho người mua. Căn cứ vào hóa đơn điều chỉnh, người bán kê khai điều chỉnh thuế đầu ra, người mua kê khai điều chỉnh thuế đầu vào nếu có.

Đối với trường hợp cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng được giảm thuế giá trị gia tăng đã phát hành hóa đơn đặt in dưới hình thức vé có in sẵn mệnh giá chưa sử dụng hết và có nhu cầu tiếp tục sử dụng thì cơ sở kinh doanh thực hiện đóng dấu theo giá đã giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng hoặc giá đã giảm 20% mức tỷ lệ % bên cạnh tiêu thức giá in sẵn để tiếp tục sử dụng.

GIÁM SÁT CHẶT, TRÁNH "KHAI KHỐNG" CHI PHÍ

Thứ hai, Nghị định số 15 cũng hướng dẫn thực hiện chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam.

Trường hợp công ty mẹ nhận khoản ủng hộ, tài trợ của các đơn vị thành viên để tập trung đầu mối thực hiện hoạt động ủng hộ, tài trợ thì công ty mẹ và các đơn vị thành viên được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp tương ứng với khoản ủng hộ, tài trợ của công ty mẹ và từng đơn vị thành viên.

"UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan liên quan tại địa phương tăng cường phối hợp, trao đổi, cung cấp thông tin cho cơ quan thuế, cơ quan hải quan để quản lý chặt chẽ, xử lý nghiêm hành vi nâng giá trị, khai giá trị bất hợp lý trong hoạt động ủng hộ, tài trợ", Bộ Tài chính chỉ rõ.

Tuy nhiên, công ty mẹ phải có biên bản hoặc văn bản, tài liệu xác nhận khoản chi ủng hộ, tài trợ.

Đơn vị thành viên phải có hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật và có văn bản xác nhận của công ty mẹ về khoản ủng hộ, tài trợ của từng đơn vị thành viên.

Đồng thời, phối hợp quản lý chặt chẽ giá mua bán hàng hóa, dịch vụ, hóa đơn cung cấp hàng hóa, dịch vụ và xử lý các trường hợp giá mua bán trên hợp đồng, giá trên hóa đơn cung cấp hàng hóa, dịch vụ không đúng với thực tế theo quy định của pháp luật.

Đánh giá tác động tới thu ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính cho biết, dự kiến khi thực hiện Nghị định số 15 sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước năm 2022 khoảng 51.400 tỷ đồng. Trong đó, 49.400 tỷ đồng từ chính sách giảm thuế giá trị gia tăng và 2.000 tỷ đồng từ chính sách khấu trừ chi phí tài trợ, ủng hộ phòng, chống Covid-19 khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

Số tiền thuế được hỗ trợ này sẽ góp phần giúp doanh nghiệp, tổ chức và người dân vượt qua khó khăn do tác động của dịch Covid-19. Qua đó, có thể tiếp tục hoạt động, đóng góp vào kết quả khôi phục lại nền kinh tế của đất nước sau dịch bệnh và góp phần thực hiện an sinh xã hội.

Để khắc phục và bù đắp các tác động ngân sách trong ngắn hạn cũng như chủ động trong dự toán ngân sách, Bộ Tài chính sẽ phối hợp các bộ ngành và địa phương chú trọng triển khai hiệu quả các luật thuế, tiếp tục cải cách hiện đại hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quyết liệt công tác quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá trốn thuế...

Tin cùng chuyên mục