Thuế suất NK thép hiện hành tuân thủ các nguyên tắc ban hành biểu thuế, thuế suất quy định tại Luật Thuế xuất khẩu. Ảnh: Internet |
Để ứng phó với tình trạng giá thép tăng cao, vừa qua, Bộ Công Thương đã đề nghị Thủ tướng chỉ đạo một số bộ có cơ chế hỗ trợ, trong đó có đề nghị Bộ Tài chính có chính sách điều tiết thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng thép có biến động lớn về giá.
Về vấn đề này, theo Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), việc giá thép thành phẩm trên thị trường trong nước thời gian qua tăng cao theo lý giải của Bộ Công Thương nguyên nhân phần lớn là do ngành thép Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên liệu sản xuất đầu vào từ bên ngoài như quặng sắt, thép phế liệu, than mỡ luyện cốc...
Bên cạnh đó, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã làm cho việc tăng công suất sản xuất thép trên thế giới bị gián đoạn, bao gồm cả phôi thép và thép thành phẩm. Giá nguyên liệu đầu vào của ngành thép liên tục tăng cao đột biến thời gian qua đã làm cho giá thành sản xuất thép thành phẩm tăng mạnh. Những yếu tố này cùng với nhu cầu sử dụng thép tăng đã làm cho giá thép các loại bán ra trên thị trường trong nước tăng cao trong những tháng gần đây, đặc biệt là thép xây dựng.
Theo Vụ Chính sách thuế, hiện nay, để hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước hạ giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh với thép nhập khẩu, thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) đối với nguyên liệu để sản xuất thép đang được quy định ở mức thấp là 0% (nhóm 72.03), 3% (nhóm 72.04) và 1% đối với phôi thép (nhóm 72.06). Việc quy định mức thuế suất thuế nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thép thấp trong thời gian qua đã góp phần thúc đẩy ngành thép trong nước giảm giá thành đầu vào và mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Đối với thuế nhập khẩu thép thành phẩm hiện hành, mặt hàng thép xây dựng thuộc nhóm 72.13 đến 72.16 có mức thuế suất thuế MFN là 15% đối với thép hình, thép góc và 20% đối với thép dạng thanh que. Những mặt hàng này nhập khẩu chủ yếu từ thị trường Trung Quốc và từ Ấn Độ.
Bên cạnh đó, Việt Nam hiện đang là thành viên của 14 hiệp định thương mại tự do, mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt tại một số hiệp định này đối với các mặt hàng thép xây dựng tương đối thấp như Hiệp định ASEAN (ATIGA), Việt Nam - Nhật Bản (VJFTA), Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA)…
Như vậy, có thể thấy mức thuế suất thuế nhập khẩu mặt hàng thép đã được quy định trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc ban hành Biểu thuế, thuế suất quy định tại Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 2016, phù hợp với thực trạng phát triển của ngành thép trong nước cũng như cam kết về cắt giảm thuế quan khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới và khi tham gia các Hiệp định FTA.
Đại diện Vụ Chính sách thuế cũng thông tin, để ngăn chặn hoặc khắc phục thiệt hại nghiêm trọng của ngành sản xuất trong nước, trên cơ sở rà soát và đánh giá tác động của hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành sản xuất trong nước và những điều chỉnh của ngành sản xuất trong nước kể từ khi biện pháp tự vệ được áp dụng, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 918/QĐ-BCT ngày 20/3/2020 về việc tiếp tục áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam thêm 3 năm.
Theo đó, các chủng loại phôi thép (thuộc mã HS 7207.11.00; 7207.19.00; 7207.20.29; 7207.20.99) nhập khẩu được áp dụng mức thuế suất thuế tự vệ ở mức 15,3% từ ngày 22/3/2020 đến ngày 21/3/2021; 13,3% từ ngày 22/3/2021 đến ngày 21/3/2022 và 11,3% từ ngày 22/3/2022 đến ngày 21/3/2023. Đối với các sản phẩm thép dài (có mã HS: 7213.10.10; 7213.10.90; 7213.91.20; 7214.20.31; 7214.20.41; 7227.90.00; 7228.30.10; 9811.00.00) nhập khẩu vào Việt Nam, mức thuế tự vệ được áp dụng tương ứng cho từng giai đoạn là 9,4%, 7,9% và 6,4%.
Vụ Chính sách thuế nhận định, việc tăng giá thép xây dựng có nguyên nhân phần lớn là do giá nguyên liệu đầu vào để sản xuất thép trên thị trường thế giới tăng mạnh, trong khi đó sản xuất thép trong nước phụ thuộc đáng kể vào nguồn nguyên liệu từ bên ngoài và tác động của dịch Covid-19 ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng, đồng thời, do nhu cầu sử dụng thép trong nước tăng cao.
Do đó, để bình ổn thị trường thép cần phải sử dụng các giải pháp đồng bộ trước mắt cũng như lâu dài, trong đó cần phải có các giải pháp để cân đối cung cầu, nâng cao năng lực sản xuất thép trong nước. Đồng thời, có thể xem xét đến việc điều chỉnh chính sách thuế tự vệ đối với phôi thép và các sản phẩm thép xây dựng trong giai đoạn hiện nay để giảm giá thành nguyên liệu đầu vào cho các doanh nghiệp sản xuất thép và giá thép xây dựng bán ra trên thị trường trong nước.
Trong bối cảnh hiện nay, việc đặt vấn đề giảm mức thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng thép thành phẩm cần được cân nhắc, tính toán cẩn trọng để vừa góp phần thúc đẩy ngành thép trong nước phát triển bền vững, bình ổn thị trường thép trong nước, đảm bảo tuân thủ đúng các nguyên tắc được quy định trong Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 2016.
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)