Dự án Tuyến đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông đã cơ bản hoàn thành. Ảnh: Nhã Chi |
Bộ trưởng có thể cho biết có bao nhiêu gói thầu đường sắt đô thị (Hà Nội và TP.HCM) phải đấu thầu lại vì vượt giá gói thầu? Đó là những gói thầu nào, sử dụng nguồn vốn nào? Tỷ lệ số lượng gói thầu phải đấu thầu lại trong toàn thể dự án là bao nhiêu?
Hiện nay, Bộ GTVT đang triển khai thực hiện 2 dự án đường sắt đô thị, trong đó tuyến Cát Linh - Hà Đông sử dụng vốn vay ODA của Trung Quốc, đang triển khai thi công xây dựng và đã cơ bản hoàn thành; tuyến Ngọc Hồi - Yên Viên sử dụng vốn vay ODA của Nhật Bản, đang triển khai thực hiện lựa chọn nhà thầu một số gói thầu tư vấn.
Tại Dự án Tuyến đường sắt đô thị Ngọc Hồi - Yên Viên, trên cơ sở ý kiến của nhà tài trợ Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã hủy thầu Gói thầu Dịch vụ tư vấn kỹ thuật giai đoạn IIA (HURC1-008) do chỉ có 1/5 nhà thầu qua sơ tuyển nộp hồ sơ dự thầu và có giá đề xuất tài chính cao hơn 3,38 lần so với giá gói thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu được duyệt. Gói thầu HURC1-008 là gói thầu thứ hai của Dự án được tổ chức lựa chọn nhà thầu. Các gói thầu khác chưa triển khai do Dự án đang tạm dừng thực hiện.
Theo Bộ trưởng, vì sao các gói thầu này khi đấu thầu lần đầu lại vượt giá gói thầu? Mức độ vượt giá là bao nhiêu phần trăm so với giá gói thầu? Nguyên nhân?
Như đã nêu ở trên, giá đề xuất tài chính của nhà thầu tại Gói thầu HURC1-008 thuộc Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Ngọc Hồi - Yên Viên cao hơn 3,38 lần so với giá gói thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu được duyệt. Có nhiều nguyên nhân trong việc nhà thầu bỏ giá cao hơn giá gói thầu; trong đó có việc nhà thầu tư vấn nước ngoài thường bỏ giá thầu với tỷ lệ chi phí quản lý chung, chi phí tiền lương chuyên gia rất cao, nhà thầu bỏ giá cho một số hạng mục tạm tính với chi phí lớn…
Bộ trưởng có thể cho biết lộ trình đấu thầu lại gói thầu này sẽ như thế nào? Dự kiến quá trình đấu thầu lại có gặp khó khăn gì không?
Hiện nay, Dự án Tuyến đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Ngọc Hồi - Yên Viên đang phải tạm dừng để thực hiện việc phân kỳ đầu tư theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và giải quyết các vấn đề liên quan đến nguồn vốn ODA tài trợ cho Dự án. Sau khi hoàn thành các nội dung trên, Bộ GTVT sẽ tiếp tục tái khởi động lại Dự án và tổ chức lựa chọn nhà thầu thực hiện các gói thầu, trong đó bao gồm phạm vi công việc thuộc Gói thầu HURC1-008 nêu trên.
Trong trường hợp, nếu đấu thầu lại mà có một số gói thầu vẫn vượt giá gói thầu, biện pháp xử lý của Bộ GTVT là gì, thưa Bộ trưởng?
Tại các dự án ODA, việc tổ chức lựa chọn nhà thầu được thực hiện theo các quy định, hướng dẫn của các nhà tài trợ. Theo đó, các nhà tài trợ không quy định về điều kiện trúng thầu là giá đề nghị trúng thầu phải không vượt giá gói thầu được duyệt như pháp luật Việt Nam, chủ đầu tư chỉ có thể loại bỏ hồ sơ dự thầu khi có giá dự thầu sau sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch, trừ giá trị giảm giá (nếu có) mà cao hơn giá gói thầu một khoản đáng kể.
Trường hợp giá dự thầu sau sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch, trừ đi giá trị giảm giá của tất cả các nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật và nằm trong danh sách xếp hạng đều vượt giá gói thầu đã duyệt thì sẽ được Bộ GTVT xem xét, xử lý tình huống trong đấu thầu, đảm bảo hài hòa quy định trong nước tại Khoản 8 Điều 117 của Nghị định số 63/2014/NĐ-CP để đảm bảo công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.
Có thể nói, việc đội tổng mức đầu tư ở nhiều dự án giao thông đã trở nên khá phổ biến, vậy Bộ GTVT có giải pháp gì để hạn chế việc đội tổng mức đầu tư của dự án đường sắt đô thị nói riêng và các dự án hạ tầng giao thông nói chung, nhất là các dự án sử dụng vốn ODA?
Việc làm tăng tổng mức đầu tư một số dự án do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan; trong đó bao gồm việc thay đổi tỷ giá hối đoái của Hiệp định vay vốn ODA; việc chậm trễ, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng của địa phương làm kéo dài thời gian thực hiện dự án, làm tăng chi phí do trượt giá; việc điều chỉnh quy định pháp luật, điều chỉnh quy hoạch của địa phương làm ảnh hưởng đến hướng tuyến và việc bố trí các công trình hạ tầng kỹ thuật của dự án, gây chậm trễ trong công tác thiết kế, thi công xây dựng công trình…
Trong những năm gần đây, Bộ GTVT đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan, với chính quyền địa phương các cấp trong suốt quá trình triển khai thực hiện dự án để kịp thời giải quyết những vướng mắc nêu trên, tạo điều kiện tốt nhất để tổ chức thi công xây dựng. Mặt khác, Lãnh đạo Bộ và các cơ quan tham mưu đã trực tiếp và thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo sát sao, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý dự án.
Ngoài ra, Bộ GTVT đã thành lập các Tổ công tác rà soát thiết kế, dự toán xây dựng công trình để đưa ra những giải pháp tối ưu nhằm đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, đồng thời tiết kiệm chi phí đầu tư. Những điều đó đã mang lại hiệu quả tích cực, cải thiện đáng kể tiến độ, chất lượng xây dựng công trình, tổng mức đầu tư các dự án đã được kiểm soát chặt chẽ hơn và đến nay, hầu hết các dự án đều hoàn thành đúng tiến độ yêu cầu, không vượt tổng mức đầu tư.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!