Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trả lời chất vấn Quốc hội sáng 8/11 |
Tại phiên chất vấn chiều ngày 7/11, đại biểu Hà Hồng Hạnh (đoàn ĐBQH Khánh Hoà) đặt câu hỏi: “Nếu vẫn tiếp diễn tình trạng thiếu thuốc, thiết bị y tế mà người dân đi KCB BHYT phải tự mua thuốc để điều trị, thì có cơ chế gì để hoàn trả lại các khoản này nhằm bảo đảm quyền lợi của người có thẻ BHYT?”.
Tương tự, tranh luận với Bộ trưởng Bộ Y tế tại nghị trường, đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn ĐBQH Đắk Nông) chia sẻ thực trạng bệnh nhân đi viện phải mua thuốc ở bên ngoài. "Nhiều cử tri đã nhắn tin cho tôi trong suốt một thời gian qua phàn nàn về việc bệnh nhân đi viện phải mua thuốc ở bên ngoài gây rất nhiều khó khăn. Bệnh nhân tham gia BHYT thì phải được đảm bảo quyền lợi, đây là một yêu cầu hết sức chính đáng và cần thiết. Tôi nghĩ đây là chuyện hết sức cấp thiết vì việc này đã xảy ra từ lâu. Thuốc kê đơn bên ngoài mua rất đắt, không phải ai cũng mua được. Những người có điều kiện kinh tế thì còn đỡ, những người không có điều kiện thì rất khó khăn. Cho nên, tôi mong Bộ trưởng phối hợp với bên BHYT để chúng ta có một giải pháp kịp thời nhằm đảm bảo quyền lợi cho bệnh nhân khi tham gia BHYT. Nhất là những bệnh nhân nghèo, bệnh nhân khó khăn trong điều kiện hiện nay một cách sớm nhất", đại biểu Dương Khắc Mai cho biết.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng (đoàn ĐBQH Quảng Trị) cũng chỉ ra nhiều nhiều bất cập như quỹ BHYT thì kết dư nhưng người bệnh, nhất là bệnh nhân tim mạch phải tự mua thuốc. "Vì vậy, tôi đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo quyết liệt khẩn trương hơn nữa để tìm cách tháo gỡ khó khăn này", đại biểu Hoàng Đức Thắng nhận xét.
Liên quan đến vấn đề này, ngay tại kỳ họp trước (Kỳ họp thứ 5), nhiều đại biểu đã nêu thực trạng và đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan cần sớm có quy định về việc thanh toán chi phí cho người tham gia BHYT khi không có thuốc, vật tư BHYT mà phải mua bên ngoài.
Trả lời chất vấn của các ĐBQH vào sáng ngày 8/11 tại nghị trường, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết: "Về việc này, Bộ Y tế đã có chỉ đạo rất cụ thể và đang tích cực chỉ đạo triển khai. Khi có được những bản dự thảo chính thức, chúng tôi sẽ xin gửi các bộ, ngành, địa phương để cho ý kiến".
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn sáng 8/11. Ảnh: quochoi.vn |
Phát biểu bế mạc phiên chất vấn sáng ngày 8/11, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu giải pháp đột phá để giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại các bệnh viện công lập. Đồng thời, cần nghiên cứu cơ chế hoàn trả tiền cho người dân khám, chữa bệnh BHYT phải tự mua thuốc điều trị.
Chia sẻ kinh nghiệm tại Malaysia về cơ chế thanh toán BHYT, TS. Datuk Kuljit Singh - Chủ tịch Hiệp hội Các bệnh viện tư nhân Malaysia cho biết, hiện nay, người dân Malaysia KCB tại bệnh viện công đang được nhà nước tài trợ toàn bộ chi phí. Cơ chế thanh toán khi KCB tại các bệnh viện tuỳ thuộc vào quy mô từng gói bảo hiểm mà người tham gia tự đóng hoặc do chủ doanh nghiệp đóng... Cụ thể, cơ chế thanh toán cho bệnh nhân có thẻ BHYT được chia làm 2 nhóm, gồm: bệnh nhân có thẻ BHYT tự chi trả, sau đó đề nghị công ty bảo hiểm thanh toán theo hóa đơn KCB; bệnh nhân có thẻ BHYT không phải chi trả cho bệnh viện, mà bệnh viện cung cấp dịch vụ sẽ đề nghị công ty bảo hiểm thanh toán chi phí. Điều kiện để thực hiện cơ chế chi trả BHYT này là phải vận hành một thị trường BHYT thương mại để có nhiều gói bảo hiểm cạnh tranh, giúp người dân được hưởng lợi.
Các mô hình thanh toán như Malaysia, theo chia sẻ của BS. Đào Khánh Tùng - chuyên gia chính sách y tế quốc tế với phóng viên Báo Đấu thầu, hiện nay nhiều nước trên thế giới như Mỹ, các nước thành viên Liên minh châu Âu… đã triển khai từ hàng chục năm qua và mang lại nhiều lợi ích cho người dân, góp phần tăng tỷ lệ tham gia BHYT.
Do vậy, Việt Nam nên đa dạng hoá nguồn cung BHYT, bên cạnh BHYT của Nhà nước thì cần có cơ chế mở cho các đơn vị bảo hiểm tư nhân tham gia vào thị trường BHYT, giúp doanh nghiệp và người lao động có thu nhập cao có nhiều cơ hội lựa chọn đơn vị KCB tương ứng với mức đóng BHYT của mình, không phân biệt công hay tư.
Quỹ BHYT do Nhà nước quản lý cũng cần đa dạng hoá hình thức thanh toán theo nguyên tắc là hoàn ứng (bệnh nhân tự chi trả chi phí KCB, sau đó cung cấp hoá đơn cho cơ quan quản lý Quỹ để được thanh toán) và chi trả trực tiếp; song vẫn giữ nguyên tỷ lệ đồng chi trả như hiện nay để có thể hạn chế lạm dụng BHYT.
Hình thức chi trả cho bệnh nhân không nên phân biệt thuốc tốt hay không tốt, đắt hay rẻ mà cần chi trả đầy đủ theo quyết định kê đơn dựa trên sự cân nhắc lâm sàng của bác sỹ. Việc khống chế trần chi trả, chỉ thanh toán một phần nhỏ thuốc biệt dược theo danh mục thuốc BHYT là không phù hợp với nguyên tắc chia sẻ rủi ro của thị trường bảo hiểm. Thực tế, Luật Đấu thầu đã cho phép bệnh viện được mua những thuốc và thiết bị có chất lượng tốt nhất nhằm nâng cao chất lượng điều trị, thì đương nhiên giá dịch vụ sẽ phải tăng lên nên Quỹ BHYT cũng phải thay đổi cơ chế thanh toán để phù hợp với những đột phá này.
"Vì vậy, muốn giải quyết căn cơ được các vấn đề như: tỷ lệ chi trả tiền túi cao và đảm bảo sự tiếp cận dịch vụ KCB có chất lượng với những kỹ thuật tiên tiến, hiện đại, Luật Bảo hiểm xã hội phải có sự thay đổi cơ chế chi trả tương ứng với giá dịch vụ mới theo hướng đa dạng hình thức chi trả, đa dạng nguồn cung BHYT và không phân biệt thuốc đắt hay rẻ", ông Tùng khuyến nghị.