BOT cần tránh 4 đại vấn đề

(BĐT) - BOT là chủ trương đúng đắn, cần đẩy mạnh thực hiện trong thời gian tới, không vì những vấn đề nhức nhối hiện nay mà phủ nhận hình thức đầu tư này. Lúc này cần sự nhìn lại, dự án nào sai thì phải sửa, không chấp nhận duy trì cái sai vì sự đã rồi. Và vẫn cần thiết đi tiếp, nhưng thay đổi cách làm, để bức tranh BOT giai đoạn tới sẽ có một màu sắc khác.
Trạm thu phí BOT Cai Lậy được đặt trên QL1 để hoàn vốn cho tuyến tránh được làm mới và cả hạng mục cải tạo tăng cường 26,4km QL1 - đoạn qua thị xã Cai Lậy. Ảnh: Lê Phong
Trạm thu phí BOT Cai Lậy được đặt trên QL1 để hoàn vốn cho tuyến tránh được làm mới và cả hạng mục cải tạo tăng cường 26,4km QL1 - đoạn qua thị xã Cai Lậy. Ảnh: Lê Phong

Sai phải sửa

Nói về dự án BOT Cai Lậy đến nay vẫn chưa ngã ngũ về phương án giải quyết hợp lý hợp tình, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho rằng, dự án này cần sự giải quyết triệt để, sai thì phải sửa.

Phương án hiện nay, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải (GTVT) khẳng định không dịch chuyển Trạm, mà chỉ giảm phí với một số đối tượng, vì Trạm không đặt sai vị trí. Theo Bộ GTVT, Trạm BOT Cai Lậy vẫn nằm trong phạm vi dự án BOT. Bởi vì dự án này gồm 2 hợp phần: Hợp phần 1 - Cải tạo, tăng cường mặt đường QL1 dài 26,4km, sửa chữa 14 cầu và lắp đặt hệ thống thoát nước trên tuyến; Hợp phần 2 – Xây dựng tuyến tránh thị xã Cai Lậy. Trạm thu phí BOT Cai Lậy được đặt trên QL1 để hoàn vốn cho tuyến tránh được làm mới và cả hạng mục cải tạo tăng cường 26,4km QL1 - đoạn qua thị xã Cai Lậy. Như vậy, trạm thu phí này nằm trong phạm vi Dự án, có sự thỏa thuận với địa phương và có như vậy thì mới thu hút được nhà đầu tư.

Tuy nhiên, người dân vẫn chưa đồng tình với lập luận và phương án giải quyết của Bộ GTVT. Bởi vì, nguyên tắc công bằng chưa được đảm bảo, phương tiện không đi đường tránh vẫn phải trả phí để hoàn vốn cho cả dự án đường tránh.

Theo ông Nguyễn Văn Thanh, cách giải quyết của Bộ GTVT chưa thỏa đáng. Nếu không dịch chuyển Trạm thì cần thiết phải lập 2 trạm. Trạm hiện nay chỉ thu phí hoàn vốn cho Hợp phần Cải tạo, nâng cấp QL1, nghĩa là phải giảm phí, thu tương ứng với mức chi phí nâng cấp, cải tạo QL1. Còn trạm thu phí cho Hợp phần xây dựng đường tránh phải đặt trên đường tránh, ai đi đường tránh thì tính phí. 

Cần tránh 4 đại vấn đề

Ông Nguyễn Văn Thanh cho rằng, từ thực tiễn các dự án BOT thời gian qua, có thể thấy 4 vấn đề gây bức xúc nhất là làm dự án ở đường độc đạo khiến người dân không có quyền lựa chọn; đặt trạm thu phí sai vị trí dẫn đến mất công bằng; giá phí cao không tương xứng với chất lượng, chi phí đầu tư, nhất là với những dự án chỉ cải tạo, nâng cấp đường cũ; và thứ tư là chất lượng đường kém, nhanh xuống cấp, khiến dịch vụ không tương xứng với chi phí người dân phải trả.

Thực hiện dự án BOT thời gian tới cần phải giải quyết 4 vấn đề này. Theo đó, cần lựa chọn dự án phù hợp, không làm trên những tuyến độc đạo, nếu bắt buộc phải làm thì tính phí thấp. Thứ hai, đặt trạm thu phí đúng vị trí dự án, sử dụng dịch vụ đến đâu tính phí tương ứng đến đó để đảm bảo công bằng. Thứ ba, mức thu phí phải hợp lý. Và cuối cùng là phải nâng cao chất lượng xây dựng.

Báo cáo kết quả giám sát tình hình thực hiện chính sách pháp luật về BOT của Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng, mức thu phí được tính dựa trên nguyên tắc hạch toán giữa chi phí đầu tư và giá thành, tuy nhiên vẫn gây bức xúc cho người sử dụng dịch vụ do chênh lệch về mức thu phí không công bằng giữa mức phí và chất lượng dịch vụ được sử dụng. Đoàn Giám sát đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo khẩn trương hoàn thiện việc rà soát các vị trí đặt trạm hiện nay để có những giải pháp đồng bộ, kịp thời, thống nhất bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người tham gia giao thông, ban hành tiêu chí thành lập trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ, xây dựng mức thu giá phù hợp. Trước khi thành lập trạm cần tham vấn ý kiến của cộng đồng, các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn, bảo đảm tính công bằng; đến năm 2019, triển khai đồng bộ thu phí không dừng với tất cả các tuyến quốc lộ trên toàn quốc.

Đoàn Giám sát cũng nhấn mạnh, nghiên cứu bổ sung quy định về tiêu chí lựa chọn dự án để đầu tư theo hình thức PPP, căn cứ các tiêu chí rõ ràng để xác định tuyến đường nào có thể đầu tư theo hình thức PPP, tuyến đường nào phải đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước hoặc kết hợp nhiều hình thức đầu tư. Việc đầu tư các dự án giao thông theo hình thức PPP nên áp dụng đối với những dự án mang tính chiến lược, dài hạn, và chỉ nên áp dụng trên các tuyến đường mới để bảo đảm quyền lựa chọn cho người dân; không đầu tư các dự án nâng cấp, cải tạo các đường độc đạo hiện hữu theo hình thức hợp đồng BOT có thu phí người sử dụng, trường hợp cấp thiết phải tiến hành quy trình tham vấn các đối tượng liên quan, đặc biệt là ý kiến của người dân địa phương có tuyến đường đi qua.