Buộc doanh nghiệp đẩy nhanh cổ phần hoá và thoái vốn

(BĐT) - Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tháo gỡ các vướng mắc của cổ phần hoá và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đồng thời, sẽ “bêu tên” cụ thể các doanh nghiệp trì hoãn niêm yết trên thị trường chứng khoán và chậm quyết toán sau cổ phần hoá. Đây được coi là những giải pháp buộc doanh nghiệp phải đẩy mạnh việc bán vốn nhà nước trong thời gian tới.
Bộ Tài chính sẽ công khai các doanh nghiệp chậm quyết toán sau cổ phần hóa. Ảnh: Lê Tiên
Bộ Tài chính sẽ công khai các doanh nghiệp chậm quyết toán sau cổ phần hóa. Ảnh: Lê Tiên

Phân cấp xử lý đất đai, có thể bỏ xác định giá trị lịch sử

Trao đổi về việc tháo gỡ các vướng mắc trong việc thoái vốn và cổ phần hoá, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính thuộc Bộ Tài chính khẳng định, đến nay, nhiều khó khăn chung đã được giải quyết, những vướng mắc đặc thù của một số doanh nghiệp cũng đã được hướng dẫn cụ thể qua các cuộc làm việc giữa cơ quan chức năng và doanh nghiệp.

Để đẩy mạnh tiến độ cổ phần hoá và thoái vốn trong thời gian tới, Bộ Tài chính cho biết sẽ tập trung rà soát những vấn đề vướng mắc nhất. Về đất đai, cơ quan này đã nghiên cứu và sắp trình sửa Nghị định 167/2017/NĐ-CP quy định việc sắp xếp lại tài sản công để tạo cơ chế xử lý thông thoáng hơn cho doanh nghiệp, phân cấp mạnh mẽ hơn trong việc xử lý đất đai khi thực hiện cổ phần hoá.

“Vừa qua, nhiều đơn vị tiếp cận văn bản pháp luật về xử lý đất đai khi cổ phần hoá và phàn nàn là nhiều bước. Thực tế, đất đai là tài sản công, do đó, khi thực hiện cổ phần hoá, doanh nghiệp phải có trách nhiệm rà soát để xem các nội dung như: đơn vị đứng tên là công ty mẹ hay công ty con, hiện trạng mảnh đất đó là như thế nào? Chẳng hạn, 1 doanh nghiệp nhà nước mang 1 mảnh đất đi góp vốn liên doanh, liên kết thì khi cổ phần hoá phải tính cả giá trị của khoản này”, ông Tiến giải thích.

Về việc sửa Nghị định 126/2017/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần và Nghị định 32/2018/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết đã lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương và báo cáo Chính phủ các vướng mắc tại những văn bản này. Trong đó, về việc xác định giá trị các tài sản vô hình như giá trị lịch sử văn hoá, Bộ Tài chính dự định kiến nghị bỏ nội dung xác định giá trị này và tính vào giá trị thương hiệu.

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp ở vị trí đắc địa, có giá trị về văn hoá lịch sử mà không thể “đo đếm” được thì sẽ giữ lại làm công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên hoặc công ty cổ phần mà Nhà nước nắm quyền chi phối. Ví dụ cho trường hợp này là Bách hoá Tràng Tiền. “Kể cả việc giữ lại này cũng phải công khai để nhà đầu tư biết mà tham gia”, ông Tiến cho biết. 

Chậm niêm yết và quyết toán sẽ bị “bêu tên”

Bộ Tài chính cho biết, sau đợt công khai 747 doanh nghiệp chậm niêm yết năm 2017, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã xử phạt 20 đơn vị chậm niêm yết. Tới đây, cơ quan này sẽ rà soát và đưa danh sách trình Chính phủ, dự kiến công bố trong tháng 8 năm nay.
Bộ Tài chính cho biết, sau đợt công khai 747 doanh nghiệp chậm niêm yết năm 2017, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã xử phạt 20 đơn vị chậm niêm yết. Tới đây, cơ quan này sẽ rà soát và đưa danh sách trình Chính phủ, dự kiến công bố trong tháng 8 năm nay.  Đồng thời, sẽ yêu cầu các đơn vị chậm niêm yết phải giải trình rõ nguyên nhân chậm trễ.

“Việc công khai này buộc các doanh nghiệp không thể tìm cách tránh né, đồng thời, gắn với trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước để tăng tính hiệu quả”, ông Tiến nói.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính sẽ công khai các doanh nghiệp sau cổ phần hoá còn chậm quyết toán. Danh sách sơ bộ của Bộ Tài chính đã chỉ rõ một số cái tên, đó là, Tổng công ty Thép (đã cổ phần hoá từ năm 2011 nhưng đến nay chưa quyết toán xong), Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM), Tổng công ty Dệt may Việt Nam, 3 doanh nghiệp trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (đã cổ phần hoá trong năm 2018).

“Việc chưa quyết toán sau cổ phần hoá dẫn đến tình trạng giá trị phần vốn nhà nước sau cổ phần hoá thay đổi, từ đó, ảnh hưởng đến giá trị phần vốn của cổ đông. Mặt khác, việc chậm trễ này còn có thể làm che mờ các sai phạm của doanh nghiệp, làm cho sai phạm càng trầm trọng thêm”, ông Tiến nhấn mạnh.

Trước ý kiến về việc chưa chỉ rõ trách nhiệm các đơn vị chậm thực hiện cổ phần hoá và thoái vốn, vị Cục trưởng này cho biết, Thủ tướng đã có công văn nhắc nhở UBND TP. Hà Nội và TP.HCM và nhiều tập đoàn, tổng công ty. “Trong cuộc làm việc với UBND TP.HCM, các lãnh đạo Thành phố cũng nêu tâm tư và nhận trách nhiệm về tình trạng chậm trễ này. Họ cho biết sẽ cố gắng ít nhất cổ phần hoá được 5 - 6 doanh nghiệp trong thời gian tới. Như vậy, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, công tác này đã được đẩy mạnh hơn”, ông Đặng Quyết Tiến nói.

Tin cùng chuyên mục