Hàng ngoại vẫn chiếm tỷ lệ cao trong các gói thầu được tổ chức đấu thầu trong nước. Ảnh: LTT |
Hoàn thiện hành lang pháp lý
Một trong những kết quả đạt được trong 5 năm qua mà cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận là hành lang pháp lý ưu tiên cho nguồn lực trong nước phát triển từng bước được hoàn thiện.
Cụ thể, từ năm 2010 - 2015, Thủ tướng Chính phủ đã lần lượt ban hành một số chỉ thị quan trọng như: Chỉ thị số 494/CTT-TTg ngày 20/4/2010; Chỉ thị số 734/CT-TTg ngày 17/5/2011 về chấn chỉnh công tác quản lý đối với các gói thầu EPC; Chỉ thị số 1315/CT-TTg ngày 03/8/2011 về chấn chỉnh việc thực hiện hoạt động đấu thầu sử dụng vốn nhà nước, nâng cao hiệu quả công tác đấu thầu đã được ban hành. Đặc biệt, tại Chỉ thị số 1315/CT-TTg, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu người có thẩm quyền chỉ đạo chủ đầu tư, bên mời thầu các dự án, gói thầu sử dụng vốn nhà nước nghiêm túc thực hiện Chỉ thị 494/CT-TTg.
Tiếp đó, các nội dung về ưu đãi cho nhà thầu trong nước, hàng hóa và lao động trong nước theo tinh thần Chỉ thị 494/CT-TTg cũng được đưa vào Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu. Chẳng hạn như nhà thầu được hưởng ưu đãi khi tham gia đấu thầu trong nước hoặc đấu thầu quốc tế để cung cấp hàng hóa mà hàng hóa đó có chi phí sản xuất trong nước chiếm tỷ lệ từ 25% trở lên; khi tham gia đấu thầu quốc tế để cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, xây lắp bao gồm: nhà thầu trong nước tham dự thầu với tư cách độc lập hoặc liên danh; nhà thầu nước ngoài liên danh với nhà thầu trong nước mà nhà thầu trong nước đảm nhận từ 25% trở lên giá trị công việc của gói thầu…
Riêng đối với đấu thầu thuốc, việc ưu đãi trong mua thuốc sản xuất trong nước được quy định cụ thể tại Điều 50 Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13: đối với thuốc sản xuất trong nước được Bộ Y tế công bố đáp ứng yêu cầu về điều trị, giá thuốc và khả năng cung cấp thì trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu phải quy định nhà thầu không được chào thuốc nhập khẩu.
Ngoài ra, đối với gói thầu xây lắp có giá gói thầu không quá 5 tỷ đồng chỉ cho phép nhà thầu là doanh nghiệp cấp nhỏ và siêu nhỏ theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp tham gia đấu thầu.
Tích cực hưởng ứng
Tinh thần của Chỉ thị số 494/CT-TTg đã được các bộ, ngành địa phương quán triệt tới các chủ đầu tư, bên mời thầu thông qua việc ban hành các văn bản, quyết định thuộc thẩm quyền để triển khai thực hiện đạt hiệu quả.
Để có cơ sở cho các chủ đầu tư, bên mời thầu lựa chọn sử dụng hàng Việt trong quá trình tổ chức đấu thầu ngay từ khi xây dựng hồ sơ mời thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương đã liên tục ban hành các danh mục hàng hóa trong nước sản xuất được như: Danh mục máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước sản xuất được với khoảng 215 sản phẩm, nhóm sản phẩm; Danh mục máy móc, thiết bị, phụ tùng thay thế, phương tiện vận tải chuyên dùng, nguyên liệu, vật tư, bán thành phẩm trong nước đã sản xuất được với 8 danh mục và 1.282 mặt hàng. Hàng năm các doanh nghiệp trong nước tiếp tục sản xuất, cung cấp ra thị trường những mặt hàng mới đáp ứng nhu cầu thị trường, do đó, các danh mục hàng hóa sản xuất được trong nước thường xuyên được các bộ cập nhật và điều chỉnh, bổ sung.
Các bộ, ngành và địa phương còn có những chỉ đạo thực hiện cụ thể tới từng chủ đầu tư, bên mời thầu; đưa ra các biện pháp tăng cường sử dụng máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước; tăng cường quản lý công tác đấu thầu. Bên cạnh việc quy định chi tiết về ưu tiên đầu tư, mua sắm sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) sản xuất trong nước sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, Bộ Thông tin và Truyền thông còn xây dựng Chương trình Sản phẩm và dịch vụ CNTT thương hiệu Việt - Vibrand là chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá các sản phẩm, dịch vụ CNTT…
Một số bộ, ngành và địa phương khác như TP.HCM, Kon Tum… cũng đã ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Chỉ thị số 494/CT-TTg cũng như triển khai Chương trình hành động thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và phân công cho các đơn vị trực thuộc triển khai thực hiện nghiêm túc kế hoạch này, đảm bảo điều kiện cạnh tranh tối đa cho các doanh nghiệp trong nước, tạo công ăn việc làm cho lao động trong nước; nâng cao hiệu quả sử dụng và tiết kiệm nguồn vốn đầu tư của Nhà nước.
Để đạt được kết quả đáng ghi nhận nêu trên còn phải kể đến vai trò quan trọng của công tác tuyên tuyền, phổ biến, quán triệt Chỉ thị 494/CT-TTg đến các đơn vị, cá nhân thuộc các phòng ban chuyên môn, đặc biệt là các cán bộ làm công tác đấu thầu.
Tuy vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, vật tư, hàng hóa nhập khẩu được sử dụng đối với cả các gói thầu tổ chức đấu thầu quốc tế và trong nước hiện vẫn chiếm tỷ lệ và giá trị cao. Do vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục có những giải pháp mạnh hơn trong việc tăng cường sử dụng vật tư, hàng hóa trong nước trong công tác đấu thầu, nhất là trong lĩnh vực mua sắm hàng hóa.