Các cơ sở y tế Tây Ninh mòn mỏi chờ thuốc

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hai gói thầu cung cấp 1.042 mặt hàng thuốc cho các cơ sở y tế (CSYT) trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2022 - 2024 đến nay vẫn chưa có kết quả lựa chọn nhà thầu (LCNT). Trong bối cảnh này, người bệnh tham gia bảo hiểm y tế phải tự mua thuốc bên ngoài.
Hai gói thầu cung cấp thuốc cho các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2022 - 2024 đang trong giai đoạn lựa chọn nhà thầu. Ảnh minh họa: Tiên Giang
Hai gói thầu cung cấp thuốc cho các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2022 - 2024 đang trong giai đoạn lựa chọn nhà thầu. Ảnh minh họa: Tiên Giang

Hai gói thầu cung cấp thuốc để sử dụng tại các CSYT giai đoạn 2022 - 2024 nhưng ngày 11/10/2022, kế hoạch LCNT mới được UBND tỉnh Tây Ninh phê duyệt.

Cụ thể, Gói thầu số 2 Cung cấp thuốc generic thuộc Danh mục thuốc bổ sung vào Danh mục đấu thầu tập trung (ĐTTT) cấp địa phương để sử dụng tại các CSYT trên địa bàn Tỉnh giai đoạn 2022 - 2024 có giá 1.394,2 tỷ đồng với 195 mặt hàng; Gói thầu số 1 Cung cấp thuốc generic thuộc Danh mục thuốc ĐTTT cấp địa phương để sử dụng tại các CSYT trên địa bàn Tỉnh giai đoạn 2022 - 2024 có giá 210,7 tỷ đồng với 847 mặt hàng. Thời gian thực hiện hợp đồng theo đơn giá cố định là 24 tháng. Sở Y tế được giao tổ chức LCNT, hồ sơ mời thầu được phát hành từ ngày 8 - 30/11/2022.

Theo thông tin cập nhật, ngày 2/2/2023, Sở Y tế tỉnh Tây Ninh đã tiến hành thương thảo hợp đồng với 58 nhà thầu xếp hạng thứ nhất của Gói thầu số 1.

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, cán bộ phụ trách cung ứng thuốc, vật tư cho các khoa, phòng khám chữa bệnh của một số CSYT trên địa bàn tỉnh Tây Ninh cho biết, các CSYT đang rất “nóng lòng” chờ kết quả LCNT của 2 gói thầu trên để khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư kéo dài từ năm 2021 tới nay, giảm thiệt hại cho người bệnh tham gia bảo hiểm y tế khi phải mua thuốc bên ngoài, thậm chí phải đi xa, đi nhiều nơi mới mua được thuốc.

Theo cán bộ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh, sau khi có kết quả ĐTTT thuốc cấp quốc gia và một số thuốc đàm phán giá do Bộ Y tế chủ trì, tình trạng thiếu thuốc đã được khắc phục một phần, còn lại vẫn phải chờ kết quả LCNT mua sắm tập trung cấp địa phương do Sở Y tế chủ trì.

Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Tây Ninh cũng trong tình cảnh tương tự.

Lý giải về tình trạng chậm trễ trong đấu thầu thuốc, một cán bộ ngành y tại Tây Ninh cho rằng, thời gian qua liên tục có nhiều lãnh đạo ngành vi phạm quy định pháp luật về đấu thầu bị cơ quan chức năng xử lý đã tác động tới quá trình đấu thầu thuốc, vật tư y tế. Do e ngại rủi ro, có tình trạng khó thuê tư vấn thẩm định giá, trong khi từ trước đến nay gần như chỉ dựa vào thẩm định giá để xây dựng giá kế hoạch.

Theo vị cán bộ này, ngoài nguyên nhân chủ quan, còn phải kể đến những nguyên nhân khách quan gây khó khăn cho việc xây dựng giá kế hoạch. Đó là, Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế chưa được cập nhật đầy đủ. Giá cả “quay như chong chóng”, tháng trước tháng sau đã khác, khoảng giá chênh lệch lớn trong khi không có hướng dẫn cụ thể về việc lựa chọn mức giá phù hợp nên rất khó giải trình, thẩm định là giá cao hay thấp. Đó là chưa kể trong năm 2022, nhiều văn bản hướng dẫn mới được ban hành khiến các đơn vị phải xây dựng lại giá kế hoạch, làm mất thêm nhiều thời gian.

Sở Y tế tỉnh Tây Ninh đề xuất, về lâu dài cần thành lập Trung tâm mua sắm thuốc tập trung cấp tỉnh thuộc UBND Tỉnh để thực hiện đấu thầu thuốc, vật tư y tế, vắc xin, hóa chất, sinh phẩm xét nghiệm, trang thiết bị y tế.

Bình luận về đề xuất này, một số cán bộ phụ trách mua sắm, đấu thầu của các CSYT trên địa bàn Tỉnh cho rằng, việc thành lập Trung tâm là phù hợp với Tây Ninh. Thực tế, tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Tây Ninh, Khoa Dược - Vật tư y tế - Cận lâm sàng có 5 cán bộ thì chỉ 2 cán bộ có chuyên môn về đấu thầu, còn lại là về y dược. Trong khi đó, hoạt động đấu thầu, mua sắm đòi hỏi phải có kiến thức về tài chính, pháp luật về đấu thầu. Mặt khác, các cán bộ phụ trách mua sắm hiện nay đa số là kiêm nhiệm, không chuyên trách.

Mô hình trung tâm mua sắm tập trung chuyên nghiệp không chỉ giải quyết bài toán khó về nhân sự, chế độ tiền lương, mà còn có thể khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong việc thanh toán chi phí BHYT. Nếu để các CSYT tự mua sắm thì sẽ mỗi nơi một giá, khó lựa chọn được nhà thầu vì số lượng mua nhỏ lẻ.

“Thời gian tới cần tăng cường đào tạo, phổ biến và cập nhật các quy định pháp luật về đấu thầu (đặc biệt là LCNT qua mạng) cho các bên mời thầu, tổ chuyên gia; nâng cao năng lực, chuẩn hóa chất lượng cán bộ làm công tác đấu thầu, đảm bảo có đủ đạo đức, trình độ, kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu”, UBND tỉnh Tây Ninh nhận định.

Tin cùng chuyên mục