Techcombank đã không chia cổ tức từ năm 2011 đến nay |
Chủ tịch HĐQT của một ngân hàng cho biết, trong năm qua, lợi nhuận của ngân hàng chỉ đạt 70% chỉ tiêu đưa ra, nhưng cũng đã cố gắng chia cổ tức ở mức 5% bằng tiền mặt cho các cổ đông.
Theo vị chủ tịch trên, để làm được điều này là cố gắng lớn của HĐQT trong bối cảnh thị trường còn khó khăn, các ngân hàng chỉ chia cổ tức bằng cổ phiếu để nâng cao năng lực tài chính. Bản thân ngân hàng trên cũng đang có kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 4.500 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng trong năm nay, song vẫn chia cổ tức bằng tiền mặt. Tuy nhiên, khi được hỏi về tỷ lệ cổ tức năm 2016, vị chủ tịch này cho biết, HĐQT chưa có quyết định và không trình cổ đông về vấn đề này. Bởi theo ông, cổ tức năm nay còn phải tùy thuộc vào tình hình hoạt động và lợi nhuận đạt được.
Trong mùa ĐHCĐ năm nay, không ít ngân hàng đã nói “không” với cổ tức. Ngay cả với một nhà băng quy mô lớn và có lợi nhuận trước thuế năm qua đạt mức cao 7.000 tỷ đồng như Vietinbank cũng không chia cổ tức năm 2015. Tuy nhiên, việc không chia cổ tức năm 2015 cho cổ đông của Vietinbank là do nhà băng này mới sáp nhập PGBank.
Năm 2016, VietinBank dự kiến đạt 889.550 tỷ đồng tổng tài sản, vốn điều lệ là 49.209 tỷ đồng, tăng lần lượt 14% và 32% so với năm 2015. Dư nợ tín dụng, nguồn vốn huy động dự kiến đạt lần lượt 798.492 tỷ đồng và 811.445 tỷ đồng, tăng tương ứng 18% và 14% so với năm 2015. Chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2016 là 7.900 tỷ đồng, tăng 8%, song tỷ lệ cổ tức chỉ khoảng 7-9%, thấp hơn so với mức 10% đã chi trả năm 2014.
Tại Techcombank, các cổ đông cũng không khỏi thắc mắc khi từ năm 2011 đến nay, Ngân hàng đã “quên” quyền lợi của cổ đông, không chia cổ tức. Lãnh đạo Techcombank cho biết, Ngân hàng giữ lại lợi nhuận để tăng năng lực cạnh tranh. Techcombank là 1 trong 10 ngân hàng sắp tới sẽ áp dụng Basel II, nên cần phải có giai đoạn chuẩn bị để tuân theo đúng tiêu chuẩn quốc tế. HĐQT Techcombank cho rằng, việc chia cổ tức hay không chia cổ tức vẫn nằm ở giá trị cổ phiếu, Ngân hàng không rút đi một đồng nào của cổ đông.
Maritime Bank vừa tổ chức ĐHCĐ thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2016. Theo đó, Ngân hàng đặt mục tiêu tăng tổng tài sản 4% lên 108.967 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế (bao gồm cả phần thu hồi nợ đã sử dụng dự phòng) là 190 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2015. Thù lao, chi phí HĐQT, Ban Kiểm soát giảm 10% còn 16 tỷ đồng.
Còn về cổ tức, HĐQT Maritime Bank cho biết, không chỉ năm 2015, mà năm 2016 cũng sẽ không chia cổ tức cho cổ đông.
Năm 2015, MaritimeBank ghi nhận 158 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 2,4% so với năm 2014. Lợi nhuận sau thuế đạt 116 tỷ đồng. Sau khi trích lập các quỹ, Ngân hàng giữ lại 96,6 tỷ đồng và không chia cổ tức.
Theo lý giải của lãnh đạo MaritimeBank, toàn bộ lợi nhuận giữ lại trong nhiều năm đến nay đạt trên 900 tỷ đồng, dù có thể mang ra chia, song cần phải giữ lại để tập trung nâng cao năng lực tài chính của Ngân hàng.
Trong khi đó, dù được chia cổ tức, nhưng cổ đông ABBank lại than phiền rằng, cổ tức năm nào cũng “bèo bọt”, còn thù lao HĐQT Ngân hàng lại cao. Cụ thể, ABBank chia cổ tức 2015 với tỷ lệ 3,9% bằng tiền mặt, trong khi tổng thù lao của HĐQT, Ban Kiểm soát Ngân hàng là gần 8,3 tỷ đồng. Năm nay, do số lượng thành viên HĐQT tăng thêm 1 người, nên nhà băng này trình cổ đông thông qua mức thù lao lên 10 tỷ đồng.
Trước bức xúc này của cổ đông, lãnh đạo ABBank lý giải, ngay trong HĐQT có nhiều cổ đông lớn tham gia điều hành nên rất mong muốn cổ tức được chia từ 10%, nhưng tình hình thị trường không cho phép, đó là chưa kể việc chia cổ tức còn phải theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Năm 2016, ABBank dự kiến đạt hơn 200 tỷ đồng lợi nhuận và chưa có kế hoạch chia cổ tức.
Ngoài các ngân hàng trên, một số nhà băng khác như Saigonbank, Eximbank… cũng không chia cổ tức năm 2015 và chưa có kế hoạch cổ tức 2016. HĐQT Saigonbank cho hay, cổ tức 2016 do ĐHCĐ năm sau quyết định dựa vào tình hình hoạt động năm nay của Ngân hàng và theo quy định của NHNN.
Tại mùa ĐHCĐ ngân hàng năm nay, không ít cổ đông bức xúc về việc tại sao NHNN lại can thiệp vào kế hoạch chia cổ tức. Tuy nhiên, đây không phải là quyết định mới, mà đã từng được áp dụng, dù không công khai rộng rãi. Vài năm qua, tình hình hoạt động của ngành ngân hàng khá khó khăn khi phải từng bước nỗ lực để kiểm soát nợ xấu. Dự phòng rủi ro cao khiến lợi nhuận ngân hàng giảm mạnh trong những năm gần đây.
Thực tế cho thấy, trong giai đoạn 2013-2015, nhiều ngân hàng không chia được cổ tức theo quy định của NHNN, mà chủ yếu là tập trung nguồn lực để trích lập dự phòng. Chia sẻ về căn cứ để NHNN duyệt mức cổ tức của các ngân hàng, ông Nguyễn Văn Dũng, Cục trưởng Cục II, Cơ quan Thanh tra giám sát NHNN cho biết: “Điều 59 Luật Các tổ chức tín dụng quy định, cổ đông có quyền quyết định tỷ lệ cổ tức, nhưng cũng theo Luật này, NHNN có thể áp dụng một số biện pháp liên quan đến việc chia cổ tức để đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống”.
Cũng theo ông Dũng, nội tại hoạt động của từng ngân hàng, phải đặt lên trên yêu cầu an toàn cho các nhà băng, nâng cao năng lực tài chính, an toàn vốn; nếu có rủi ro thì phải có nguồn dự phòng để xử lý. NHNN đứng ở góc độ hài hòa mọi lợi ích trong tổng thể, nên quyết định duyệt cổ tức của ngân hàng.