Cải thiện chỉ số tiếp cận tín dụng từ cải cách thủ tục hành chính

(BĐT) - Chiều ngày 20/4, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp (VCCI) với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức Hội thảo Cải cách thủ tục hành chính – Cải thiện chỉ số tiếp cận tín dụng.
Cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng sẽ hỗ trợ DN, người dân trong việc tiếp cân vốn ngân hàng. Ảnh: Tường Lâm
Cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng sẽ hỗ trợ DN, người dân trong việc tiếp cân vốn ngân hàng. Ảnh: Tường Lâm

Theo đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp, việc cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng sẽ đóng góp quan trọng vào việc cải thiện môi trường kinh doanh nói chung và hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trong việc tiếp cân vốn ngân hàng.

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam trong 4 kỳ báo cáo gần đây của Ngân hàng Thế giới đã được cải thiện đáng kể và ổn định trong nhóm 30 nước có chỉ số cao nhất. Trong Báo cáo môi trường kinh doanh năm 2018, Việt Nam xếp hạng 29/190, đạt 75 điểm trong thang điểm 100, tăng 3 bậc và đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN, ngang với Singapore, cao hơn vị trí thứ 42 của Thái Lan, 55 của Indonesia, 77 của Lào, 142 của Philippines. Kết quả này cho thấy hiệu quả của việc thực hiện các giải pháp cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp mà Ngân hàng Nhà nước đã quyết liệt triển khai trong thời gian qua. Chỉ tính riêng trong năm 2017, ngành ngân hàng đã tổ chức hơn 370 buổi gặp gỡ, đối thoại giữa ngân hàng và doanh nghiệp; giải ngân cho hơn 60.000 khách hàng với tổng số tiền lên tới 80.000 tỷ đồng; gia hạn nợ, cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ, giảm lãi suất cho vay đối với các khoản cho vay cũ cho gần 4.000 danh nghiệp và hơn 9.000 khách hàng khác...

Mặc dù vậy, theo nhiều ý kiến, chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam vẫn còn thấp hơn Malaysia và Campuchia ở vị trí 20. Các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn khó khăn trong việc tiếp cận vốn tín dụng. Nguyên nhân chủ yếu là do những vấn đề nội tại của chính doanh nghiệp như năng lực tài chính yếu kém, không chứng minh được tính khả thi và hiệu quả của dự án, phương án sản xuất kinh doanh, nợ phải trả tồn đọng lớn chưa có biện pháp xử lý.

Theo ông Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), dư địa cải thiện và cả đòi hỏi nỗ lực chính sách đều còn rất lớn; rào cản cố hữu trong tiếp cận tín dụng còn gây nhiều trở ngại cho doanh nghiệp như không có tài sản thế chấp, chuẩn mực kế toán thấp, chi phí thu thập thông tin và hành chính cao, dự án đầu tư kinh doanh không khả thi... Ông Thành cũng cho rằng, việc giảm thiểu, xóa bỏ rào cản là cần thiết nhưng chưa đủ, bởi còn cần phải thích ứng và bắt kịp với xu thế mới, nhất là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Do đó, tại Hội thảo, các chuyên gia và các doanh nghiệp cùng đại diện của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng đã cùng nhau tập trung thảo luận, tìm hiểu khó khăn, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận tín dụng, qua đó cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Theo ông Đào Minh Tú, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng công khai thủ tục cho vay, cung cấp dịch vụ đối với khách hàng; cải tiến, đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm bớt phiền hà cho khách hàng vay vốn.

Tin cùng chuyên mục