Cận cảnh xuống cấp nghiêm trọng tại QL18 Uông Bí – Hạ Long

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) ngày 14.12.2015 đã ra công điện yêu cầu chủ đầu tư đoạn quốc lộ 18 BOT Uông Bí - Hạ Long phải khắc phục tình trạng xuống cấp của tuyến đường này xong trước ngày 25.12.2015 nếu không sẽ cho dừng thu phí. Nhưng trên thực tế, dường như việc ra văn bản này chỉ để tạo uy, lấy lệ rồi để đấy.
Những đoạn được chủ đầu tư cào bằng lớp sống trâu để lộ ra những viên đá nhỏ cùng rãnh gây khó khăn cho các phương tiện di chuyển và mất an toàn khi tham gia giao thông trên tuyến đường này.
Những đoạn được chủ đầu tư cào bằng lớp sống trâu để lộ ra những viên đá nhỏ cùng rãnh gây khó khăn cho các phương tiện di chuyển và mất an toàn khi tham gia giao thông trên tuyến đường này.

Ngay khi chúng tôi có bài phản ánh Quốc lộ 18 đoạn BOT Uông Bí - Hạ Long xuống cấp trầm trọng vào ngày 10.12.2015, Bộ GTVT đã có công điện về việc sửa chữa mặt đường dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 18 đoạn Uông Bí - Hạ Long theo hình thức BOT.

Tại công văn nói trên, Bộ GTVT nêu rõ: Dự án này đã đưa vào khai thác từ tháng 10.2014. Hiện nay, mặt đường bê tông nhựa xuất hiện một số đoạn bị hằn lún vệt bánh xe khoảng 3,5km với bề rộng một làn, chiếm khoảng 2,4% diện tích mặt đường, gây mất an toàn cho các phương tiện tham gia giao thông.

Để khắc phục ngay tình trạng này, Bộ GTVT yêu cầu Ban Quản lý dự án 2 chỉ đạo Công ty cổ phần Phát triển Đại Dương (nhà đầu tư dự án), tư vấn, nhà thầu khẩn trương triển khai thi công sửa chữa ngay các vị trí hằn lún vệt bánh xe, đảm bảo chất lượng công trình, an toàn, thuận lợi trong khai thác. “Kinh phí sửa chữa do nhà thầu chịu trách nhiệm bảo hành”, công điện nêu rõ.

Bộ GTVT yêu cầu trong quá trình sửa chữa mặt đường các đơn vị cần kiểm soát nghiêm ngặt chất lượng công tác sửa chữa theo quy định. Phải hoàn thành công tác sửa chữa xong trước ngày 25.12.2015. Nếu nhà đầu tư không khẩn trương sửa chữa đáp ứng tiến độ nêu trên, Bộ GTVT sẽ yêu cầu dừng thu phí.

Mặt đường được cào lên bỏ đó gây nhiều khó khăn cho việc lưu thông

Chỉ đạo của Bộ GTVT rõ ràng là như vậy. Tuy nhiên, trên thực tế, theo ghi nhận của PV, tình trạng hằn lún vệt bánh xe trên toàn tuyến dài 30km này vẫn chưa được chủ đầu tư khắc phục nhưng việc thu phí vẫn được tiến hành. Điều này khiến người tham gia giao thông bức xúc.

Theo ghi nhận của PV, cho đến ngày 29.1.2016 (tức quá thời hạn theo yêu cầu của Bộ GTVT hơn 1 tháng) công nhân vẫn miệt mài thi công đào xới, trải thảm lại một số điểm hằn lún.

Nhiều điểm xuất hiện những rãnh lún hằn vệt bánh xe kéo dài hàng trăm mét, thậm chí cả cây số vẫn chưa được khắc phục.

Tuy nhiên, theo ghi nhận, cho tới ngày 1.3.2016 thì tình trạng hằn lún, xô rãnh bê tông nhựa trên tuyến đường này vẫn còn khá nhiều. Những điểm được khắc phục thì chỉ là cào điểm gồ lấy lệ và tạo thành những vệt lỗ chỗ rất khó chịu cho người tham gia giao thông.

Những vệt này khiến các phương tiện tham gia giao thông trên tuyến gặp rất nhiều khó khăn, bị hạn chế tốc độ và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.

Mặt đường thế này sẽ rất có hại đối với lốp xe, càng nguy hiểm hơn nếu xe chạy với tốc độ cao.

Trên toàn tuyến BOT Uông Bí - Hạ Long (có tổng chiều dài khoảng 30km), lòng đường xuất hiện khá nhiều rãnh gồ. Đi toàn tuyến có ít nhất 20 điểm rãnh có khoảng cách từ 100m đến hơn 1km.

Ở một số điểm như trước cầu Thủy Lợi chạy dọc lên thị trấn Quảng Yên thì các vết rãnh khá sâu, mặt đường lỗi lõm khiến việc lưu thông gặp nhiều khó khăn. Không ít tài xế than phiền khi chạy hai làn thì phải vào chỗ đường rãnh, xe dằn xóc và không an toàn.

Nhiều chỗ được chủ đầu tư trải thảm lại nhưng chỉ sau chừng 2 tháng bề mặt đường lại xuống cấp nghiêm trọng.

Chia sẻ với PV, anh Nguyễn Mạnh Tiến, người dân thị trấn Quảng Yên cho biết: “ Hằng ngày chúng tôi đi qua con đường này, tình trạng rãnh đường xuất hiện khá nhiều, có rãnh sâu, đá, nhựa nổi lên. Các lái xe khi đi qua đều tránh đoạn rãnh, cứ chạy tốc độ hơi nhanh ở đường đẹp xong lại đến đường rãnh nên rất nguy hiểm.”

Còn rất nhiều chỗ bị bong tróc, tạo thành những hố như thế này.

Trao đổi với PV vào chiều tối 2.3, ông Phạm Hồng Sơn, Tổng giám đốc Ban Quản lý dự án 2, Bộ GTVT cho hay trách nhiệm của Ban là giám sát việc thực hiện cải tạo, bảo hành tuyến đường. Nếu nhà đầu tư không khắc phục thì Ban sẽ kiến nghị dừng thu phí. Tuy nhiên, ông Sơn cũng không nắm được phía Công ty Đại Dương đã khắc phục đến đâu và tình trạng xuống cấp của tuyến đường này hiện ra sao.

Dù đến nay đã hơn 2 tháng kể từ thời điểm hạn chót mà Bộ GTVT yêu cầu chủ đầu tư phải hoàn thành sửa chữa tuyến đường, đường vẫn còn tồn tại rất nhiều điểm hằn lún, xuống cấp

Dù đường chưa sửa xong, Công ty Đại Dương vẫn tiếp tục được thu phí đối với các phương tiện tham gia giao thông trên tuyến với mức giá thấp nhất là 1.000đ/km.

Tin cùng chuyên mục