Cần hệ thống cảnh báo sớm với nợ xấu ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dù đã được gia hạn, giữ nguyên nhóm nợ, song nợ xấu của nhiều ngân hàng vẫn khá lớn trong thời gian qua, tiềm ẩn rủi ro và có xu hướng gia tăng trong thời gian tới. Có ý kiến cho rằng, cần theo dõi chặt chẽ con số nợ xấu thực tế. Đồng thời, hệ thống cảnh báo sớm cần được xây dựng để xác định những nguy cơ tiềm ẩn ở từng ngân hàng và cả hệ thống các tổ chức tín dụng.
Việc cơ cấu lại nợ, miễn, giảm lãi vay và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 có thể làm tăng áp lực nợ xấu đối với hệ thống ngân hàng. Ảnh: Tiên Giang
Việc cơ cấu lại nợ, miễn, giảm lãi vay và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 có thể làm tăng áp lực nợ xấu đối với hệ thống ngân hàng. Ảnh: Tiên Giang

Báo cáo tài chính quý II/2021 của các tổ chức tín dụng cho thấy, nhiều ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao, như: ABBank (2,3%), PGBank (2,7%), Bản Việt (2,8%), VPBank (3,4%). Trong khi đó, một số ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu tính đến hết tháng 6/2021 vẫn ở mức thấp như: Techcombank (0,4%), Vietcombank (0,7%), ACB (0,7%)...

Tại phiên họp Quốc hội cuối tháng 7 vừa qua, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, các khoản nợ xấu tiềm ẩn còn ở mức cao. Theo đó, tổng nợ xấu nội bảng, nợ bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng là 483.200 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ 4,71% tổng dư nợ tín dụng.

Trong khi đó, Báo cáo 6 tháng đầu năm 2021 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, dưới tác động của dịch bệnh Covid-19, tỷ lệ nợ xấu nội bảng có xu hướng tăng nhẹ trong các tháng đầu năm 2021, tăng từ mức 1,69% (cuối năm 2020) lên 1,78% (cuối tháng 4/2021).

Để tiếp tục tạo điều kiện cho doanh nghiệp có khả năng tiếp cận vốn tín dụng, NHNN đã hoàn thiện Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01 ngày 13/3/2020 về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Theo Dự thảo, các ngân hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí và giữ nguyên nhóm nợ được áp dụng đối với số dư nợ phát sinh trong khoảng thời gian từ 23/1/2020 đến ngày 30/6/2022 (quy định hiện hành là kéo dài đến 31/12/2021).

NHNN cho rằng, việc cơ cấu lại nợ, miễn, giảm lãi vay và giữ nguyên nhóm nợ được áp dụng đối với số dư nợ phát sinh trong khoảng thời gian từ 23/1/2020 đến 30/6/2022 là phù hợp nhằm hỗ trợ tốt hơn cho DN, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch. Theo đó, khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 sẽ có thêm khoảng 6 tháng để phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Trong khi đó, theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, việc tiếp tục cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ là giải pháp “chẳng đặng đừng” trong bối cảnh doanh nghiệp vô cùng khó khăn vì dịch bệnh. Do đó, cần hết sức cẩn trọng với nợ xấu tiềm ẩn có thể ở mức rất cao do chưa chuyển nhóm nợ. “Để giảm rủi ro cho thị trường từ những con số nợ xấu và lợi nhuận chưa sát thực tế của ngân hàng, cần có sự giám sát và đánh giá cụ thể về chất lượng các khoản nợ và rủi ro thực tế”, ông Hiếu nói.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, tỷ lệ nợ xấu đang thấp do NHNN ban hành các biện pháp tạm thời cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khách hàng gặp khó khăn. Trong khi đó, rủi ro mất khả năng trả nợ tăng lên theo thời gian có thể làm căng thẳng trong khu vực tài chính. Đồng thời, tỷ lệ an toàn vốn tổng thể của các ngân hàng đã giảm từ 11,95% cuối năm 2019 xuống còn 11,13% vào tháng 12/2020, và 11,1% cuối tháng 6/2021.

WB khuyến nghị, một hệ thống cảnh báo sớm cần được xây dựng để xác định những nguy cơ tiềm ẩn ở từng ngân hàng và cả hệ thống. Các cấp có thẩm quyền cần xây dựng chiến lược chấm dứt các biện pháp cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ rõ ràng. Việc triển khai thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ có thể che lấp một phần mức độ dễ bị tổn thương của bên vay và các ngân hàng, vì vậy cần được theo dõi chặt chẽ.

Ngoài ra, cần sớm ban hành kế hoạch xử lý nợ xấu, không cho phép gánh nặng nợ xấu kéo dài tại các ngân hàng, vì điều này có thể hạn chế vai trò hỗ trợ tăng trưởng bao trùm của hệ thống tổ chức tín dụng.

Tin cùng chuyên mục