Nợ xấu là vấn đề nổi cộm cần xử lý dứt điểm trong giai đoạn tới. Ảnh: Kim Ngân |
Đó là đề xuất của TS. Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia khi trao đổi với Báo Đấu thầu.
Thành lập Ủy ban liên bộ
Theo TS. Trương Văn Phước, giai đoạn 1 thực hiện tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại (2011 - 2015) đã làm được nhiều việc như: tạo lập các nền tảng, điều kiện để bảo đảm an toàn hệ thống, không có sụp đổ về hệ thống ngân hàng, phá sản ngân hàng; xử lý được vấn đề về thanh khoản, xử lý cơ bản về sở hữu chéo, bước đầu xử lý các khoản nợ xấu; giám sát chặt chẽ và sắp xếp lại các ngân hàng TMCP yếu kém, có nguy cơ đổ vỡ...
TS. Trương Văn Phước khuyến nghị, giai đoạn 1 đã có kết quả bước đầu, mang tính nền tảng, giai đoạn tiếp theo 2016 - 2020 phải đi vào những vấn đề hết sức thực chất. Trước mắt cần thiết thành lập một Hội đồng hay Ủy ban Tái cơ cấu ngân hàng thương mại với sự tham gia của các bộ, cơ quan có thẩm quyền như Bộ Công an, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Có như vậy mới tạo ra sức mạnh tổng hợp để xử lý tốt những vấn đề mà Ngân hàng Nhà nước không thể “đơn thương độc mã” giải quyết nhanh, triệt để được, như vấn đề sở hữu chéo, những vấn đề liên quan đến tài sản bảo đảm như đất đai, nhà cửa, rồi tranh chấp, tố tụng… Sau khi thành lập Ủy ban, không có công thức chung, liều thuốc chung để chữa trị tất cả căn bệnh của hệ thống ngân hàng thương mại, mà phải phân loại ra từng tổ chức tín dụng, có căn bệnh gì, khuyết tật gì, phải kê toa bốc thuốc xử lý từng căn bệnh. “Không để một tổ chức nào đơn thương độc mã xử lý những vấn đề ở tầm vóc quốc gia”, ông Phước nhấn mạnh.
Nợ xấu là vấn đề quốc gia
Một trong những vấn đề nổi cộm của hệ thống ngân hàng thương mại trong giai đoạn tới vẫn là xử lý dứt điểm nợ xấu. Dự thảo Đề án Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 do Bộ kế hoạch và Đầu tư chủ trì soạn thảo đánh giá, trong thời gian qua, nợ xấu đã xử lý được một bước quan trọng nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với an toàn, hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng. Việc xử lý nợ xấu đã mua của VAMC còn chậm do nhiều nguyên nhân.
TS. Trương Văn Phước cũng cho rằng, nợ xấu phải giải quyết thực chất, bán qua VAMC, nhưng VAMC làm như thế nào để xử lý các khoản nợ này? Theo ông Phước, nợ xấu không phải là của ngân hàng thương mại, hay của riêng ngân hàng trung ương, nợ xấu là vấn đề quốc gia. Vì thế, cần có nguồn lực nhất định của Nhà nước để xử lý vấn đề này.
Ông Phước khẳng định, dùng ngân sách nhà nước (NSNN) nhưng không phải là NSNN cho không, mà để tạo ra vốn bắc cầu nhằm xử lý nợ xấu. Ví dụ NSNN chi 10.000 tỷ đồng để mua nợ xấu, sau khi mua, tài sản bảo đảm được đưa về Bộ Tài chính, Bộ Tài chính bán đi để thu hồi vốn.
Theo kinh nghiệm của Nhật Bản, Chính phủ nước này đã thành lập Công ty chuyên thu hồi nợ để mua nợ và Cơ quan Tái thiết công nghiệp Nhật Bản chuyên làm nhiệm vụ tái cơ cấu lại những doanh nghiệp quan trọng. Có thể nói, xử lý nợ và tái cơ cấu doanh nghiệp yếu kém là 2 việc không thể tách rời của quá trình xử lý nợ xấu. Tại Việt Nam, cả 2 việc này đều do VAMC đảm nhiệm. Tuy nhiên, VAMC chưa trực tiếp tham gia tái cơ cấu doanh nghiệp.
Về nguồn lực xử lý nợ xấu, Nhật Bản sử dụng kết hợp nguồn vốn từ các tổ chức tư nhân trên cơ sở tự nguyện và nguồn NSNN (chiếm phần lớn tỷ trọng). Chính phủ Nhật Bản cũng cho thực hiện việc phá sản đối với các tổ chức tín dụng thực sự yếu kém, đồng thời thực hiện song song những biện pháp hỗ trợ thanh khoản, đảm bảo thanh toán tiền gửi tiết kiệm tại những tổ chức tín dụng đó. Tại Việt Nam, việc để một tổ chức tín dụng tuyên bố phá sản là chưa từng có.
“Ngoài xử lý dứt điểm, nhanh vấn đề nợ xấu, trong giai đoạn 2016 - 2020, việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng cần tập trung xử lý về cơ bản vấn đề sở hữu chéo; tạo năng lực tài chính cho các tổ chức tín dụng, tạo điều kiện để phát huy năng lực tài chính của tổ chức tín dụng thông qua việc tăng vốn. Trong đó, cần mở ra các điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, trở thành cổ đông của các tổ chức tín dụng”.