Cần tăng tính tự chủ và sáng tạo của DNNN

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Cần bảo đảm doanh nghiệp được quyền chủ động trong các quyết định kinh doanh, chịu sự đánh giá về hiệu quả kinh doanh, tránh các nội dung chồng chéo với quy định đã có ở các luật khác là những góp ý cho Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp được trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa 15. Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị xây dựng lại Dự thảo để trình ở Kỳ họp thứ 9.
Mục tiêu chính của Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp là tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp phát huy năng lực kinh doanh. Ảnh: Lê Tiên
Mục tiêu chính của Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp là tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp phát huy năng lực kinh doanh. Ảnh: Lê Tiên

Thảo luận tại Quốc hội cuối tuần qua, đại biểu Phan Đức Hiếu (Thái Bình) cho rằng, các nội dung tại Dự thảo vẫn còn nhiều điểm chưa rõ về nội hàm, chưa bảo đảm các nguyên tắc về phát huy tính năng động, tự chủ và sáng tạo của doanh nghiệp trong các quyết định kinh doanh. Theo ông Hiếu, nội dung quy định tại Luật này cần bảo đảm 3 nguyên tắc, gồm: có tính nhất quán và tách bạch với các luật khác, tức là không nhắc lại những quy định đã có ở luật khác; phải bảo đảm nguyên tắc doanh nghiệp được làm những gì pháp luật không cấm chứ không phải doanh nghiệp chỉ được làm những điều được quy định tại Luật; phân công rõ trách nhiệm các bộ, ngành, cơ quan đại diện chủ sở hữu và rà soát quy định hiện hành để tránh tình trạng trùng lắp với những quy định đã có tại Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, tránh tình trạng cùng một dự án đầu tư mà doanh nghiệp phải thực hiện các thủ tục khác nhau theo các luật khác nhau. Tuy nhiên, các nguyên tắc này chưa đạt được tại Dự thảo Luật.

Bên cạnh đó, Dự thảo Luật chưa làm rõ nội hàm “vốn nhà nước” và “quản lý nhà nước với vốn nhà nước”. Dự thảo Luật cũng thiếu quy định rõ ràng về các nguyên tắc bảo toàn và phát triển vốn, thiếu quy định rõ về đối tượng đánh giá, nguyên tắc và phương thức đánh giá mang tính dài hạn.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, doanh nghiệp nhà nước nắm nguồn lực lớn nhưng hoạt động kém hiệu quả có nguyên nhân chính là cơ chế quản lý chưa phù hợp, nhiều quy định trói buộc hoạt động nhưng vẫn gây thất thoát vốn, khi xảy ra thất thoát thì lại không quy được trách nhiệm cá nhân. Do đó, Luật cần sửa đổi căn bản để bảo đảm phân định quyền đại diện chủ sở hữu và quyền của doanh nghiệp. Trong khi đó, quy định về người đại diện là “nhóm người” tại Dự án Luật là chưa hợp lý, chưa phát huy vai trò của cá nhân trong hoạt động và hiệu quả của doanh nghiệp. Mặt khác, vốn nhà nước tại doanh nghiệp nên được quản lý bởi doanh nghiệp, thay vì quản lý như nguồn ngân sách nhà nước theo Luật Đầu tư công. Vì vậy, ông Cường kiến nghị cần trả lại quyền này cho doanh nghiệp, tức là, xem xét sửa lại toàn bộ Chương “Hoạt động đầu tư của doanh nghiệp”. Đồng thời, bổ sung quy định sau khi Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp thì Nhà nước trở thành cổ đông sở hữu vốn, Nhà nước có cơ quan đại diện chủ sở hữu tại doanh nghiệp hoặc thuê người đại diện, chịu trách nhiệm quản lý nguồn vốn và thực hiện các mục tiêu Nhà nước mong muốn. Cơ quan đại diện chỉ giao chỉ tiêu kế hoạch chứ không phải là cơ quan thực hiện.

Đại biểu Hoàng Văn Cường cũng đồng tình với các nguyên tắc nêu trong Dự thảo nhưng cần bổ sung, làm rõ nguyên tắc: tiền vốn nhà nước đã đầu tư cho doanh nghiệp phải trở thành vốn của doanh nghiệp (nếu quy định vốn của Nhà nước thì phải quản lý theo Luật Ngân sách nhà nước). Ông Cường đề xuất cần phân định rõ quản lý vốn nhà nước như thế nào, tránh tình trạng can thiệp quá sâu vào hoạt động của doanh nghiệp. Theo đó, cần phân định rõ quản lý hoạt động đầu tư tiền của Nhà nước vào doanh nghiệp có quyền thoái vốn, tái cấu trúc vào doanh nghiệp khác hay không; tiền vốn của Nhà nước dùng vào mục đích nào, có cơ chế kiểm tra, giám sát việc sử dụng nguồn vốn ra sao?

Cùng quan điểm, đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cho rằng, các nội dung quy định tại Dự thảo Luật chưa đáp ứng được các mục tiêu cần đạt được khi đặt vấn đề sửa khung pháp lý về đầu tư và quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Theo đó, mục tiêu chính của việc xây dựng hành lang pháp lý này là cởi trói và tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp phát huy năng lực kinh doanh, song các quy định tại Dự thảo vẫn còn nhiều nội dung mang tính hành chính, mô hình quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp vẫn rối rắm, chồng chéo do cơ quan chủ quản của doanh nghiệp không chỉ là các bộ, ngành, ủy ban quản lý vốn, tổ chức chính trị - xã hội… Thay vào đó, cần nghiên cứu kinh nghiệm của các nước để xây dựng được mô hình quản lý có tính cách mạng, có thể theo hướng xây dựng tập đoàn quản lý vốn.

Trước ý kiến của các đại biểu, tân Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết Bộ Tài chính ghi nhận, tiếp thu và sẽ hoàn thiện hồ sơ Dự án Luật ngay sau kỳ họp Quốc hội này. Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, việc ban hành Luật nhằm nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư vốn nhà nước tại các doanh nghiệp. Theo đó, Nhà nước thực sự đóng vai trò nhà đầu tư, chủ sở hữu bình đẳng như các nhà đầu tư khác và chấm dứt can thiệp hoạt động của doanh nghiệp bằng các thủ tục hành chính, hoặc lồng ghép các mệnh lệnh hành chính vào quyết định đầu tư, kinh doanh tại doanh nghiệp. Để làm được như vậy, phải tách bạch chức năng quản lý nhà nước với chức năng đầu tư vốn, đặc biệt là để cho doanh nghiệp hoạt động theo đúng nguyên tắc thị trường. Đây là nội dung căn bản, xuyên suốt với tinh thần đổi mới toàn diện về phương thức xây dựng luật.

Liên quan đến việc xây dựng chiến lược kinh doanh, Dự thảo Luật quy định, trong một số trường hợp người đại diện chủ sở hữu doanh nghiệp phải trình chiến lược kinh doanh. Về nội dung này, ông Thắng cho biết, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu, tiếp thu xem có cần quy định như vậy hay không, nếu phải trình thì cụ thể là trình nội dung gì, nếu quy định không phù hợp thì sẽ tạo rào cản với doanh nghiệp.

Về người đại diện vốn, theo ông Thắng, người đại diện vốn có vai trò quan trọng quyết định hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt người đại diện vốn nắm vai trò lãnh đạo doanh nghiệp. Do đó, cần có cơ chế đánh giá hiệu quả của người đại diện vốn gắn với chế độ đãi ngộ phù hợp. Nội dung quy định này phải rất công khai, minh bạch và thực hiện như doanh nghiệp tư nhân thì mới đạt hiệu quả cao.

Tin cùng chuyên mục