Cần thiết lập “thước đo” uy tín nhà thầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Với nhiều lý do khác nhau, có không ít nhà thầu sau khi trúng thầu thì chây ì, chậm hoặc không triển khai hợp đồng như cam kết, gây ảnh hưởng lớn tới tiến độ, chất lượng và hiệu quả của dự án. Theo chuyên gia đấu thầu, cần thiết lập “thước đo” đánh giá uy tín của nhà thầu thông qua việc thực hiện các hợp đồng tương tự trước đó để răn đe, có chế tài với nhà thầu vi phạm cũng như khuyến khích những nhà thầu làm tốt.
Thước đo uy tín nhà thầu trong thực hiện hợp đồng là chế tài để đánh giá, xử lý nhà thầu vi phạm cũng như khuyến khích những nhà thầu làm tốt sau khi trúng thầu. Ảnh: Nhã Chi
Thước đo uy tín nhà thầu trong thực hiện hợp đồng là chế tài để đánh giá, xử lý nhà thầu vi phạm cũng như khuyến khích những nhà thầu làm tốt sau khi trúng thầu. Ảnh: Nhã Chi

Trước tình trạng khi nộp hồ sơ dự thầu và được lựa chọn trúng thầu thì cam kết đáp ứng đầy đủ yêu cầu của hồ sơ mời thầu (HSMT) nhưng sau khi ký thì nhà thầu trì hoãn, chậm thực hiện hợp đồng, không đảm bảo tiến độ nên mấy năm gần đây, một số bộ, ngành đã đưa ra tiêu chí/thang điểm đánh giá, xếp hạng... để đánh giá uy tín của nhà thầu.

Chẳng hạn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Bộ Giao thông vận tải nhiều năm đã đánh giá, xếp hạng nhà thầu thực hiện hợp đồng, các công trình do Bộ quản lý. Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng cục Dự trữ Nhà nước (Bộ Tài chính) xây dựng một số tiêu chí/thang điểm trong HSMT để đánh giá uy tín của nhà thầu thông qua mức độ hoàn thành các gói thầu tương tự trước đó.

Hàng năm, thông qua việc đánh giá kết quả thực hiện hợp đồng, Bộ NN&PTNT thông báo “cấm cửa” nhiều nhà thầu tham dự gói thầu mới của Bộ cho đến khi khắc phục xong các vi phạm hợp đồng của gói thầu dở dang, được chủ đầu tư xác nhận hoàn thành.

Để đảm bảo công bằng giữa các nhà thầu, công khai, minh bạch và tăng tính cạnh tranh trong đấu thầu mua gạo dự trữ quốc gia, năm 2021, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã đưa vào HSMT tiêu chí chấm điểm uy tín nhà thầu. Theo đó, 26 nhà thầu “có vết” từng trúng thầu nhưng từ chối ký hoặc không thực hiện hợp đồng mua gạo dự trữ quốc gia trong giai đoạn 2016 - 2020 bị trừ điểm kỹ thuật (mục đánh giá uy tín nhà thầu) khi tham gia các gói thầu mua gạo dự trữ quốc gia năm 2021…

Chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu, một cán bộ của chủ đầu tư tại Thừa Thiên Huế cho biết, một số công trình trên địa bàn đang bị chậm tiến độ trầm trọng do nhà thầu không dồn lực để thi công như đã cam kết. Máy móc, thiết bị, vật liệu, nhân công huy động tại công trường đều không đáp ứng yêu cầu (chỉ đạt khoảng 50% như đã cam kết). Chủ đầu tư nhiều lần có văn bản đôn đốc tiến độ song nhà thầu luôn viện dẫn lý do, khó khăn để trì hoãn. Do công trình sử dụng vốn ODA, nếu chấm dứt hợp đồng với nhà thầu thì quy trình xử lý, lựa chọn nhà thầu thay thế mất nhiều thời gian, kéo theo nhiều hệ lụy... Vì thế, Chủ đầu tư cũng khó “mạnh tay” xử lý nhà thầu.

Theo quy định hiện hành, chủ đầu tư, bên mời thầu có thể đưa vào HSMT các nội dung về đánh giá chất lượng nhà thầu trong thực hiện các hợp đồng trước đó. Cụ thể, pháp luật về đấu thầu đã có các quy định về đánh giá “uy tín của nhà thầu”.

Theo đó, tại Điều 12 và Điều 23 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP có quy định “khá mở” về việc xây dựng tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật dựa trên các yếu tố về khả năng đáp ứng các yêu cầu về số lượng, chất lượng…, uy tín của nhà thầu thông qua việc thực hiện các hợp đồng tương tự trước đó. Ngoài ra, tại các mẫu HSMT gói thầu xây lắp và mua sắm hàng hoá ban hành kèm theo Thông tư số 03/2015/TT-BKHĐT và Thông tư số 05/2015/TT-BKHĐT cũng đưa ra tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật bao gồm uy tín của nhà thầu thông qua các hợp đồng tương tự trước đó. Tuy nhiên, theo ý kiến của chuyên gia đấu thầu, trong quá trình xây dựng, phê duyệt HSMT, chủ đầu tư/bên mời thầu ít quan tâm, vận dụng quy định này để xây dựng một số tiêu chí đánh giá thiết thực, hữu hiệu nhằm lựa chọn được nhà thầu thực sự có uy tín và năng lực thực hiện hợp đồng.

TS. Nguyễn Việt Hùng, nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, cần tổng kết, đánh giá và thiết lập các thước đo về uy tín nhà thầu thông qua khả năng thực hiện, mức độ hoàn thành hợp đồng của nhà thầu đối với các hợp đồng tương tự đã thực hiện trước đó khi nhà thầu tham gia đấu thầu các gói thầu tiếp theo. Việc rà soát, đánh giá này chính là công cụ hữu hiệu nhằm nâng cao trách nhiệm của nhà thầu khi tham gia đấu thầu, thực hiện hợp đồng, đảm bảo sự công bằng giữa các nhà thầu; là chế tài để đánh giá uy tín, xử lý các nhà thầu vi phạm thực hiện hợp đồng cũng như khuyến khích những nhà thầu làm tốt sau khi trúng thầu. Tuy nhiên, các quy định, tiêu chí về đánh giá uy tín nhà thầu thông qua việc thực hiện hợp đồng cần thống nhất, công khai, minh bạch và công bằng, đảm bảo được hiệu quả kinh tế; không được đưa ra các điều kiện hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu, gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng.

Tin cùng chuyên mục