NHNN yêu cầu các TCTD hạn chế cấp tín dụng vượt giới hạn vào các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro |
Cảnh báo này được cơ quan quản lý ngành ngân hàng đưa ra sau khi Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, doanh nghiệp có dư nợ lớn tại nhiều ngân hàng không có khả năng chi trả một số khoản nợ đến hạn.
Theo một lãnh đạo cao cấp Ngân hàng Nhà nước (NHNN), CTCP Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đang có dư nợ tại 8 ngân hàng; trong đó, BIDV là đơn vị cho vay lớn nhất, chiếm khoảng 50% dư nợ tại doanh nghiệp này. Tại Báo cáo tài chính soát xét 6 tháng đầu năm, Hoàng Anh Gia Lai có khoản nợ phải trả lên tới 32.995 tỷ đồng; trong đó, nợ vay là 26.683 tỷ đồng, gồm các khoản vay tín dụng và trái phiếu. Trong đó, có 12.343 tỷ đồng là vay ngắn hạn đến hạn thanh toán trong vòng 12 tháng tới kể từ ngày 30/6/2016 và 14.340 tỷ đồng vay dài hạn.
Kiểm toán viên Ernst & Young Việt Nam tiếp tục đánh giá Hoàng Anh Gia Lai vi phạm một số điều khoản của các khoản vay trái phiếu, chủ yếu là tài sản đảm bảo không đáp ứng được theo điều kiện quy định tại hợp đồng, hoặc khoản vay đến hạn thanh toán, nhưng chưa thanh toán.
Được biết, khoản vay trái phiếu thông thường do Hoàng Anh Gia Lai phát hành cho BIDV từ ngày 9/7/2013 trị giá 950 tỷ đồng có thời hạn thanh toán vào 9/7/2016, nhưng đến ngày 31/8/2016, Hoàng Anh Gia Lai chưa thực hiện khoản thanh toán đến hạn này. Hoàng Anh Gia Lai đang có tổng nợ vay tại Ngân hàng Liên doanh Lào – Việt là 2.181 tỷ đồng; trong đó, khoản vay trị giá 13,76 tỷ đồng tại Chi nhánh Attapeu đến hạn nhưng chưa thanh toán do nhận được thông báo chấp thuận hoãn trả nợ của ngân hàng này vào ngày 9/6/2016. Vị lãnh đạo NHNN chia sẻ thông tin như vậy khi nói về việc cơ quan này phải trình Chính phủ về phương án tái cơ cấu Hoàng Anh Gia Lai.
“Đây là chuyện cực chẳng đã, nhưng quan trọng hơn là sau Hoàng Anh Gia Lai, còn những doanh nghiệp nào như vậy?”, một chuyên gia kinh tế đặt vấn đề.
Trong Công văn số 6373/NHNN-TTGSNH, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện mở rộng tín dụng đối với khách hàng, song phải đảm bảo tốc độ tăng trưởng tín dụng theo đúng chỉ tiêu được NHNN giao thực hiện trong năm 2016. Việc mở rộng tín dụng phải tập trung vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ; hạn chế cấp tín dụng vượt giới hạn vào các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Cùng với đó, NHNN yêu cầu các đầu mối trên tăng cường theo dõi, giám sát, kiểm tra sau cấp tín dụng và thực hiện các biện pháp hiệu quả để nâng cao chất lượng tín dụng, phòng ngừa rủi ro… “Thường xuyên kiểm tra, giám sát và đánh giá việc sử dụng vốn vay, khả năng trả nợ của khách hàng, nhất là các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, khách hàng, khách hàng và người có liên quan có dư nợ lớn, hạn chế nợ xấu phát sinh”, Công văn của NHNN nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) đề xuất việc cấp tín dụng vượt giới hạn trên cơ sở tuân thủ đúng quy định tại Điều 128, Luật Các tổ chức tín dụng, khả năng huy động vốn, kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng và bảo đảm các tỷ lệ, giới hạn về an toàn trong hoạt động; tự chịu trách nhiệm về các đề xuất cấp tín dụng vượt giới hạn theo quy định của pháp luật. NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát thường xuyên đối với các TCTD trong việc tuân thủ các quy định về cấp tín dụng, sử dụng hạn mức tín dụng hiệu quả, đúng mục đích và an toàn hoạt động ngân hàng.
Liên quan đến việc NHNN phải ban hành công văn trên, tổng giám đốc một ngân hàng nhìn nhận, một số khách hàng sử dụng biện pháp đòn bẩy tài chính rất lớn, dựa quá nhiều vào vốn vay hơn là dòng tiền thực tế kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, cảnh báo được đưa ra cho thấy NHNN đã thực hiện trách nhiệm của mình. Nếu tình trạng cho vay vượt hạn mức tiếp tục xảy ra, nhiều khả năng cơ quan quản lý sẽ đưa ra các hướng dẫn cho ngân hàng, cũng như hạn chế dư nợ cho vay từng khách hàng.
Ở góc nhìn khác, ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright cho rằng, NHNN ngoài khung giám sát để đảm bảo hoạt động an toàn thì còn ban hành các thông báo mang tính chất cảnh báo.
“Điều quan trọng là hệ thống đã có khung kiểm soát thì không có ngoại lệ, tất cả buộc phải tuân thủ, sai sẽ bị phạt”, ông Thành nhấn mạnh.