Nửa đầu năm 2016, hoạt động thanh lý cây cao su đóng góp 60% tổng lợi nhuận của Cao su Phú Riềng. Ảnh: Nhã Chi st |
Phân tích báo cáo tài chính có thể nhận thấy, hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty có dấu hiệu giảm sút rõ rệt. Năm 2017, Công ty tiếp tục trông chờ vào lợi nhuận từ việc thanh lý cây cao su.
Giá cao su giảm, kinh doanh lao đao
Trong một thời gian dài, cây cao su được mệnh danh là vàng trắng và được Nhà nước sử dụng cho chiến lược xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, kể từ khi lập đỉnh vào cuối năm 2011, giá cao su liên tục lao dốc thê thảm. Điều này đã gây ra rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp cao su nói chung và Cao su Phú Riềng nói riêng.
Theo báo cáo tài chính từ năm 2013, doanh thu từ hoạt động bán thành phẩm cao su của Công ty có dấu hiệu giảm mạnh. Năm 2012 con số này là hơn 2.126 tỷ đồng, năm 2013 giảm xuống còn 1.749 tỷ đồng (giảm gần 18%), năm 2014 giảm xuống 1.298 tỷ đồng (giảm 25%), và năm 2015 chỉ còn 1.139 tỷ đồng (giảm 12%). Năm 2016, doanh thu từ hoạt động này có tăng lên nhưng vẫn ở mức thấp, đạt 1.367 tỷ đồng.
Năm 2017, Công ty đã lên kế hoạch cắt giảm sản lượng từ 35.682 tấn xuống còn 31.000 tấn cao su thiên nhiên. Cùng với đó doanh thu từ bán thành phẩm cao su sẽ ở mức 1.344 tỷ đồng.
Việc bán cao su thành phẩm kém hiệu quả đã khiến lợi nhuận trước thuế của Công ty cũng giảm mạnh. Cụ thể, năm 2012 là 739 tỷ đồng, năm 2013 là 361 tỷ đồng (giảm 50%), năm 2014 là 134 tỷ đồng (giảm 62%), và năm 2015 là 149 tỷ đồng (tăng 11%).
Theo kết quả sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2016 thì Công ty bán được hơn 36 nghìn tấn cao su thiên nhiên, mang lại 1.367 tỷ đồng doanh thu và 121 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Như vậy, tình hình sản xuất kinh doanh năm 2016 của Công ty cũng không sáng sủa hơn năm 2015.
Câu chuyện kinh doanh của Cao su Phú Riềng năm 2017 ra sao?
Bất ngờ từ lợi nhuận thanh lý cây cao su
Năm 2017, Cao su Phú Riềng lên kế hoạch cắt giảm sản lượng cao su thiên nhiên và doanh thu bán cao su. Tuy nhiên, Công ty lại đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trước thuế 222%, từ 121 tỷ đồng lên 390 tỷ đồng. Trong đó, đáng chú ý, lợi nhuận từ thanh lý cây cao su là 227 tỷ đồng, chiếm 58% tổng lợi nhuận.
Trong khi giá cao su làm cho lợi nhuận từ bán thành phẩm cao su sụt giảm, việc thanh lý cây cao su để duy trì lợi nhuận đang là giải pháp của nhiều doanh nghiệp trong ngành cao su. Không ngoài xu hướng này, lợi nhuận từ thanh lý cây cao su của Cao su Phú Riềng đang dần chiếm tỷ trọng lớn trong tổng lợi nhuận của Công ty thời gian gần đây.
Nếu năm 2013, tỷ trọng lợi nhuận từ thanh lý cây cao su trên tổng lợi nhuận là 33% thì đến năm 2014 và 2015 tỷ trọng đã chiếm 40% và 65% trong tổng lợi nhuận. Tính đến thời điểm 30/6/2016, doanh thu bán cao su của Cao su Phú Riềng chỉ đạt 359 tỷ đồng và lợi nhuận gộp từ mảng này là 39 tỷ đồng. Trong khi đó doanh thu thanh lý cao su là 81 tỷ đồng và lợi nhuận đạt 64 tỷ đồng, đóng góp tới 60% tổng lợi nhuận của Công ty.