Giá cao su thiên nhiên khó có thể giảm khi nhu cầu tiêu thụ vẫn tiếp tục tăng. Ảnh: Tùng Châu |
Doanh nghiệp sản xuất cao su thiên nhiên thắng lớn
Mặc dù gần đây đã suy giảm nhưng bình quân trong 6 tháng đầu năm giá cao su xuất khẩu vẫn cao hơn 49% so với cùng kỳ năm trước. Với diễn biến tích cực như vậy, các doanh nghiệp cao su thiên nhiên đã có một mùa kinh doanh thành công trong 6 tháng đầu năm 2017.
Công ty CP Cao su Đồng Phú cho biết, nhờ giá bán cao su bình quân trong 6 tháng đầu năm nay đạt mức 47,1 triệu đồng/tấn, tăng hơn 60% so với cùng kỳ 2016, doanh nghiệp này đã ghi nhận doanh thu tăng hơn 47%, đạt 340 tỷ đồng và hoàn thành 47% kế hoạch doanh thu cả năm. Trong đó, lợi nhuận gộp đạt 154,6 tỷ đồng, gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2016 và hoàn thành gần 81% kế hoạch năm 2017.
Cũng đạt được kết quả kinh doanh ấn tượng, nửa đầu năm 2017, lợi nhuận trước thuế của Công ty Cao su Tây Ninh đạt 73 tỷ đồng, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2016 và đạt 70% kế hoạch năm 2017. Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm của Công ty cho thấy, quý II/2017, doanh thu từ hoạt động kinh doanh chính của Công ty giảm từ 70 tỷ đồng xuống còn 58 tỷ đồng (giảm 17%). Tuy nhiên, giá vốn giảm từ 64 tỷ đồng xuống 49 tỷ đồng (giảm 23%) đã làm cho lợi nhuận gộp đạt mức 9 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2016. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2017, lợi nhuận gộp của Công ty đạt 30 tỷ đồng, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2016.
Một doanh nghiệp cao su thiên nhiên cũng mới công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm là Công ty CP Cao su Phước Hòa. Doanh thu 6 tháng đầu năm 2017 của Công ty đạt 487,5 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt ước đạt hơn 161 tỷ đồng (bằng 2,1 lần so với cùng kỳ năm 2016), tương đương thực hiện được 60% kế hoạch năm. Kết quả này của Cao su Phước Hòa cũng được hỗ trợ bởi diễn biến tăng của giá cao su thiên nhiên. Giá bán nửa đầu năm ghi nhận tăng 55% so với cùng kỳ năm 2016, bình quân đạt 45 triệu đồng/tấn.
Doanh nghiệp săm lốp chịu thiệt
Trái với kết quả ấn tượng của các doanh nghiệp sản xuất cao su thiên nhiên, các doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu đầu vào là cao su lại vừa đi qua nửa chặng đường 2017 với kết quả trầm lắng. Giá cao su thiên nhiên tăng mạnh đã làm ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Có thể kể đến hai điển hình là Công ty CP Cao su Đà Nẵng và Công ty CP Công nghiệp Cao su Miền Nam. 6 tháng đầu năm, kết quả lợi nhuận cả hai doanh nghiệp này đều sụt giảm so với cùng kỳ năm 2016.
Với Cao su Đà Nẵng, quý II/2017, Công ty đạt 863 tỷ đồng doanh thu, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, giá vốn lại tăng 9% lên 751 tỷ đồng làm cho lợi nhuận gộp quý II giảm mạnh tới 45%, chỉ đạt 111 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2017, lợi nhuận gộp đạt 243 tỷ đồng, giảm 31% so với cùng kỳ năm 2016; lợi nhuận ròng đạt 105 tỷ đồng, giảm 46%.
Hoàn cảnh của Cao su Miền Nam cũng không mấy khác biệt, mặc dù doanh thu quý II đạt 946 tỷ đồng (tăng 17% so với cùng kỳ 2016) nhưng giá vốn lại tăng từ 630 tỷ đồng lên 823 tỷ đồng (tăng 30%). Do đó, lợi nhuận gộp của Công ty giảm mạnh, đạt 123 tỷ đồng (cùng kỳ năm trước đạt 176 tỷ đồng). Các khoản chênh lệch giữa doanh thu tài chính và chi phí tài chính, và lợi nhuận khác của Công ty trong nửa đầu năm 2017 không có sự thay đổi đáng kể. Lợi nhuận sau thuế quý II/2017 đạt gần 18 tỷ đồng, giảm sâu so với mức 62 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2017, lợi nhuận ròng của Công ty giảm mạnh, chỉ đạt gần 47 tỷ đồng so với 123 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước.
Theo một số chuyên gia, dù diễn biến tăng giá của cao su thiên nhiên đã chững lại, nhưng nhu cầu tiêu thụ dự báo sẽ tiếp tục tăng nên giá loại nguyên liệu này khó có thể giảm xuống. Như vậy, 2017 có thể sẽ là một năm thành công đối với các doanh nghiệp sản xuất cao su thiên nhiên. Trong khi đó, các doanh nghiệp sản xuất săm lốp sẽ phải nỗ lực rất nhiều nếu muốn hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch 2017.