Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN |
Tuyến cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn, gồm đoạn Hà Nội - Bắc Giang đã đưa vào khai thác từ năm 2016 theo hình thức BOT; đoạn Bắc Giang - Lạng Sơn dài 64 km đang thi công, dự kiến đưa vào khai thác năm 2019.
Để hoàn thiện toàn tuyến Hà Nội đến cửa khẩu Chi Lăng và phát huy hiệu quả toàn dự án thì cần sớm đầu tư đoạn cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng. Tuy nhiên, dự án này đang “ách tắc” về vốn do chưa ký được hiệp định vay vốn nước ngoài. Do vậy, nhiều phương án đã được đưa ra; trong đó có phương án tìm kiếm nhà đầu tư khác.
Vướng mắc về phương án tài chính
Theo Bộ Giao thông Vận tải, dự án đường cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn, đoạn cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng (Dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng) dài 43 km (từ km 1+800 - km 44+749) đã được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt đầu tư tại Quyết định 1833/QĐ-BGTVT ngày 14/6/2016 và giao cho Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư.
Dự án này được thực hiện bằng nguồn vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) với tổng mức đầu tư hơn 8.743 tỷ đồng (tương đương 387,924 triệu USD; bao gồm: vốn vay ADB 8.655 tỷ đồng, tương đương 385,584 triệu USD và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là hơn 87 tỷ đồng, tương đương với 2,3 triệu USD.
Tuy nhiên, theo kết quả thẩm định của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), cơ chế tài chính; trong đó khả năng trả nợ của dự án đang gặp khó khăn. Cụ thể, theo tính toán phương án tài chính của dự án này có một số năm mất cân đối nguồn thu (dòng tiền sẽ bị âm vào các năm 2027 là - 6,4 tỷ đồng, năm 2030 là - 21,2 tỷ đồng, năm 2034 là - 705,9 tỷ đồng).
Về vấn đề vướng mắc trong vay vốn của dự án, theo đánh giá của Bộ Giao thông Vận tải, các vướng mắc này chủ yếu phát sinh trong quá trình thực hiện cho vay lại của VEC liên quan đến việc chuyển đổi từ nguồn vốn vay lại sang vốn ngân sách nhà nước đầu tư trực tiếp vào dự án và các khoản tạm ứng từ ngân sách Nhà nước cho phần vốn trái phiếu công trình do VEC phát hành được Chính phủ bảo lãnh.
Mặt khác, năng lực tài chính của chủ đầu tư dự án này là VEC đang bị đặt dấu hỏi khi VEC đã vay vốn ngân sách gấp hơn 100 lần vốn điều lệ và Bộ Giao thông Vận tải đang phải xin ý kiến Thường vụ Quốc hội để chuyển đổi nguồn vốn vay này thành vốn Nhà nước đầu tư trực tiếp vào VEC. Cụ thể, theo Bộ Giao thông Vận tải VEC hiện có vốn pháp định chỉ 1.000 tỷ đồng nhưng đang triển khai 5 dự án cao tốc với số vốn vay trên 100.000 tỷ đồng.
Còn theo Bộ Tài chính, các chỉ số tài chính của VEC như hệ số nợ phải trả trên vốn điều lệ cao và tăng dần qua các năm gây nguy cơ mất an toàn vốn. Ngoài ra, các chỉ số khả năng sinh lời của VEC cho thấy, VEC có lợi nhuận nhưng phát sinh không đáng kể và thấp hơn rất nhiều so với mức bình quân ngành.
Đây chính là những lý do khiến Bộ Tài chính và các bộ, ngành khác chưa thống nhất việc triển khai các thủ tục ký hiệp định vay với ADB để triển khai dự án.
Đề xuất đầu tư BOT
Với sự chậm trễ của dự án dẫn đến không thể kết nối với 2 tuyến cao tốc đầu tuyến (đoạn Hà Nội – Bắc Giang đã xong, đoạn Bắc Giang – Lạng Sơn hoàn thành vào cuối năm 2019), ảnh hưởng đến sự phát triển của địa phương và kinh tế vùng, mới đây UBND tỉnh Lạng Sơn đã có các văn bản gửi Chính phủ và các bộ, ngành đề nghị chuyển cao tốc này sang đầu tư bằng BOT và gộp chung vào dự án cao tốc mà Công ty BOT Bắc Giang – Lạng Sơn đang thực hiện tại đoạn Hà Nội -Bắc Giang.
Cụ thể, văn bản của UBND tỉnh Lạng Sơn đưa ra các nội dung đã thống nhất với nhà đầu tư một số phương án cụ thể như: kéo dài dự án BOT Bắc Giang – Lạng Sơn từ Chi Lăng đến Hữu Nghị nhưng phải bỏ 2 trạm thu phí trên Quốc lộ 1A (nội dung này đã được quyết định trong dự án BOT Bắc Giang – Lạng Sơn đang triển khai), phương án tài chính, thu phí đảm bảo hài hoà quyền lợi các bên và toàn dự án phải hoàn thành vào năm 2020.
Văn bản do Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Phạm Ngọc Thưởng ký cũng cho biết, để đảm bảo tính khả thi của dự án, nhà đầu tư này cam kết nâng vốn chủ sở hữu lên 30% và đã có cam kết vay vốn từ Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam.
Trên cơ sở văn bản của UBND tỉnh Lạng Sơn đề xuất chuyển nhà đầu tư dự án để tháo gỡ khó khăn cho dự án, Bộ Tài chính đã có đề nghị Bộ Giao thông Vận tải kêu gọi nhà đầu tư, không sử dụng vốn ADB.
Về đề xuất tìm kiếm nhà đầu tư khác, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã có ý kiến tại Văn bản số 9314/BKHĐT-KTĐN, theo đó đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu để có ý kiến về các vấn đề liên quan đến việc xác định nhà đầu tư khác cho dự án.
Tuy nhiên, trong văn bản do Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng ký dù không phản đối việc tìm nhà đầu tư BOT cho dự án nhưng cũng đưa ra quan ngại việc chuyển sang đầu tư BOT sẽ “phá vỡ cam kết với ADB, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay việc vận động nguồn tài trợ ngày càng trở nên khó khăn”.
Trao đổi với phóng viên, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Công cho biết, Bộ cũng đang xem xét đề nghị của UBND tỉnh Lạng Sơn. Trong đó, Bộ Giao thông Vận tải ủng hộ quan điểm bỏ 2 trạm thu phí trên Quốc lộ 1A chạy song song với tuyến cao tốc này vì Quốc hội đã ra nghị quyết không cho thu phí trên tuyến hiện hữu.
“Tuy nhiên, vấn đề là phương án tài chính, bao gồm việc thu phí của dự án so với phương án của VEC ra sao. Chúng tôi sẵn sàng xem xét nhưng phải căn cứ vào phương án cụ thể”, Thứ trưởng Công cho hay.
Trong phiên thảo luận về cao tốc Bắc - Nam tại Hội trường Quốc hội chiều 14/11, đa số các đại biểu đều đồng thuận việc triển khai nhanh các dự án cao tốc Bắc – Nam. Trước tình hình ngân sách khó khăn, đặc biệt là nợ công gần chạm trần, nhiều đại biểu đề nghị giảm tối đa phần vốn góp, đối ứng của Nhà nước, đặc biệt là các dự án có tính khả thi cao.
Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Đoàn Phú Thọ) cho rằng, cần giảm tỷ lệ đầu tư vốn Nhà nước tại các dự án cao tốc, ngân sách chỉ chi giải phóng mặt bằng, không góp vốn vào phần xây dựng để giảm nợ công, dành vốn đầu tư vào các lĩnh vực khác, đặc biệt là đường sắt.
Nêu ý kiến về dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng chậm triển khai, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn Lạng Sơn) cho hay, tuyến cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn là tuyến có vị trí đặc biệt quan trọng trong hành lang kinh tế Hà Nội - Hải Phòng- Lạng Sơn là huyết mạch giao thương giữa Việt Nam và Trung Quốc. Tuyến cao tốc này không chỉ có ý nghĩa đối với phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh khu vực phía Bắc, các tỉnh phía Nam mà đặc biệt là cử tri và nhân dân Lạng Sơn và Cao Bằng thì rất kỳ vọng.
“Nếu dự án chậm triển khai sẽ dẫn đến giảm hiệu quả đầu tư toàn tuyến Hà Nội - Bắc Giang – thành phố Lạng Sơn cũng như cửa khẩu Hữu Nghị. Ngoài ra, nếu dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng được đầu tư theo hình thức BOT sẽ giảm được đầu tư ngân sách cho nhà nước, giảm được gánh nặng nợ công gần 9.000 tỷ đồng (nếu không vay vốn ADB). Đây là điều cực kỳ có ý nghĩa khi trần nợ công đang ở mức cao”, đại biểu Nguyễn Lâm Thành phân tích.