Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet |
Đó là ý kiến thẩm định ngày 23/8/2024 của Bộ Tư pháp về đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật PPP và Luật Đấu thầu.
Bộ Tư pháp cho biết, khung pháp lý về đấu thầu cần tiếp tục được sửa đổi để tháo gỡ khó khăn cho quá trình thực hiện hoạt động đấu thầu, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và đơn giản hóa hơn nữa nhằm đáp ứng các yêu cầu phát sinh trong thực tiễn như: quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu, dự án ODA và vốn vay ưu đãi chưa đảm bảo hài hòa hóa với quy định của nhà tài trợ; thực tiễn phát sinh một số dự án, gói thầu không thể lựa chọn nhà thầu theo quy định của Luật Đấu thầu 2023 mà cần áp dụng cơ chế đặc thù… Việc sửa Luật Đấu thầu lần này có nhiệm vụ xử lý ngay các bất cập, vướng mắc pháp lý phát sinh trong thực tiễn, cản trở sự phát triển, nhằm phát huy cao nhất hiệu quả của chính sách và bố trí nguồn lực; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách, giải pháp mới hiệu quả, thiết thực để tháo gỡ khó khăn cho các dự án trong thực tiễn, xử lý dứt điểm các vấn đề tồn đọng, kéo dài…
Mới đây, tại Thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật PPP và Luật Đấu thầu, Văn phòng Chính phủ cho biết, Thường trực Chính phủ đánh giá cao việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương tổ chức thực hiện rà soát, đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung 4 luật nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc có tính cấp bách, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, xóa bỏ cơ chế xin - cho, chống phiền hà, sách nhiễu người dân, doanh nghiệp và tăng cường kiểm tra, giám sát để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh.
Thường trực Chính phủ cơ bản thống nhất đề xuất của Bộ KH&ĐT về các nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung tại 4 luật, nhất là Luật Đấu thầu đảm bảo thực chất, không hình thức. Thường trực Chính phủ cũng đề nghị Bộ KH&ĐT rà soát kỹ các ý kiến của bộ, ngành, địa phương về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, xác định đúng những nội dung có tính cấp bách cần ưu tiên sửa đổi ngay để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, khơi thông mọi nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng.
Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Hồng Chung - Chủ tịch HĐQT Công ty DVL Ventures cho biết, Luật Đấu thầu có phạm vi rất rộng, tác động đến nhiều mối quan hệ và các chủ thể khác nhau trong xã hội. Việc rà soát các vấn đề tồn đọng, phát sinh trong thực tiễn để tiếp tục có sự điều chỉnh phù hợp hơn là hết sức bình thường, thể hiện tinh thần cầu thị và trách nhiệm của Bộ KH&ĐT với vai trò là cơ quan được giao chủ trì xây dựng Dự án Luật sửa đổi. Việc rà soát càng kỹ lưỡng thì quá trình sửa đổi và ban hành quy định mới sẽ giải quyết được tối đa những bất cập, khó khăn, vướng mắc phát sinh của công tác đấu thầu, tạo thuận lợi hơn cho việc thực thi các chính sách pháp luật trong thực tiễn.
Luật sư Hoàng Vũ Tưởng, Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV Minh Phương cho biết, lĩnh vực đấu thầu tiềm ẩn nhiều rủi ro và ẩn chứa yếu tố nhạy cảm. Điều này đòi hỏi khung pháp lý về đấu thầu phải bao phủ và toàn diện trên nhiều góc độ và lĩnh vực để có các chính sách đủ chặt chẽ quy định với các đối tượng khác nhau. Thực tế cho thấy vẫn có “khoảng trống” trong các quy định pháp luật về đấu thầu như: dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn nhà nước ngoài đầu tư công mà cần cơ chế giám sát và hướng dẫn cụ thể, chế tài xử lý độc lập các kiến nghị trong đấu thầu… Các đối tượng áp dụng Luật Đấu thầu, các bên liên quan mong muốn quá trình rà soát và xây dựng Luật sửa đổi của Bộ KH&ĐT dù diễn ra gấp gáp, nhanh gọn nhưng sẽ được tiến hành bài bản, xử lý triệt để các vướng mắc tồn tại trong thực tế, tạo thuận lợi trong thực thi và đem lại hiệu quả sử dụng các nguồn lực của Nhà nước.