Kiểm toán Nhà nước đề nghị điều chỉnh giảm chi vốn ODA cho 03 dự án đường cao tốc 10.782,7 tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên |
“Doanh nghiệp thì chuyển giá, Nhà nước thì chuyển nguồn”
“Không thể chấp nhận tình trạng một nền tài chính thiếu minh bạch, rõ ràng như doanh nghiệp thì chuyển giá, Nhà nước thì chuyển nguồn, thậm chí trái luật, vi hiến” là phản ứng mạnh mẽ của ông Phan Trung Lý – Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khi bàn về tình hình TCNS, quyết toán ngân sách năm 2014.
Theo Báo cáo của Chính phủ về quyết toán ngân sách năm 2014, quyết toán số bội chi là 260.145 tỷ đồng, vượt 36.145 tỷ đồng so với giới hạn dự toán bội chi mà Quốc hội cho phép (224.000 tỷ đồng). Nguyên nhân là do tăng chi từ vốn ngoài nước (gồm cả một số nhiệm vụ chi thường xuyên), chủ yếu cho các dự án cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư nên giải ngân cao hơn dự kiến và tăng chủ yếu cho lĩnh vực giao thông (tăng 16.865 tỷ đồng), thủy lợi (2.263 tỷ đồng)... Trong khoản tăng chi 36.952 tỷ đồng, còn có 10.782,7 tỷ đồng do chuyển đổi vốn ODA từ hình thức cho vay lại 5 dự án giao thông do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) thực hiện sang hình thức Nhà nước đầu tư trực tiếp vào dự án (cấp phát ngân sách).
Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) do ông Hồ Đức Phớc – Tổng KTNN trình bày, việc làm trước, báo cáo sau này không thể hiện tính minh bạch, rõ ràng trong TCNS, nên KTNN không chấp nhận việc quyết toán và đề nghị UBTVQH xem xét điều chỉnh giảm chi vốn ODA cho 03 dự án đường cao tốc 10.782,7 tỷ đồng; đồng thời giảm bội chi NSNN năm 2014 tương ứng.
Đồng thuận với quan điểm này, ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm UBTCNS của Quốc hội – cơ quan thẩm tra quyết toán NSNN năm 2014 - cho rằng: “Theo Điều 49 Luật NSNN, việc giải ngân vốn ODA vượt dự toán lớn thì Chính phủ phải trình UBTVQH quyết định điều chỉnh dự toán và báo cáo Quốc hội quyết định, nhưng Chính phủ lại thực hiện rồi mới báo cáo. Tại Báo cáo số 2714/BC-UBTCNS13 thẩm tra về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện NSNN năm 2014, triển khai dự toán năm 2015, UBTCNS đã đề nghị Chính phủ thực hiện đúng quy định này. Nhưng đến nay, Chính phủ chưa có tờ trình chính thức báo cáo với UBTVQH, Quốc hội về số tăng giải ngân vốn ODA vượt dự toán”. “Điều này thể hiện việc chấp hành kỷ luật tài chính chưa nghiêm. Nếu trái luật và trái Hiến pháp thì không ai có quyền cho phép, kể cả UBTVQH, Quốc hội”, ông Phan Trung Lý nêu quan điểm.
Ông Phùng Quốc Hiển – Phó Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng: “Dự toán chi khác với dự toán thu, dự toán chi không được mở như dự toán thu mà có giới hạn, không được phép cao hơn hay thấp xuống. Nếu để tình trạng vượt dự toán bội chi như vậy thì không thể đánh giá được năm nào đúng, năm nào sai, nợ đọng không quyết toán được. Một số nội dung vẫn để ngoài ngân sách, nhưng không báo cáo, có tới 3 - 4 trường hợp. Đó là chưa nói đến chuyện sử dụng ODA thế nào, ngoại hối ra sao – hiện hai khoản này đang để ngoài ngân sách”.
Cùng với sự thiếu minh bạch trong quyết toán tài chính, ông Phan Trung Lý còn đề nghị Chính phủ xem lại con số tài chính. “Tại sao tài chính trong 3 năm gần đây đều lặp đi lặp lại một hiện tượng là khoảng tháng 4 - 6 dự báo là khả năng không thu đủ, nhưng tháng 8 - 9 lại nêu là có khả năng thu đủ, là điều đáng mừng, nhưng đến tháng 10 - 11 thì báo cáo vượt, vượt rất nhiều, tại sao lại như vậy?”, ông Phan Trung Lý băn khoăn.
“Trước mắt là khuyết điểm, nhưng nhìn sâu lại là thành tích”
“Đồng thời, cần xem xét, đánh giá lại mô hình của VEC. Cổ phần hóa nhưng kéo theo một loạt vấn đề BOT chồng lên các dự án này”, Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Ông Phùng Quốc Hiển – Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ cần phải có tờ trình để Quốc hội xem xét. Việc có bổ sung dự toán chi vào năm 2014, năm 2015 hay 2016 là quyền của Quốc hội. Tổng KTNN phải có báo cáo tóm tắt và báo cáo chi tiết về quyết toán ngân sách năm 2014, trong đó phải nêu rõ chính kiến của mình về việc thực hiện của Chính phủ, phân định đúng hay sai, trách nhiệm thuộc về ai, không thể để xảy ra tình trạng chi đến đâu thì quyết toán đến đó.
Thống nhất với quan điểm này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng: “KTNN, UBTCNS và UBTVQH cho ý kiến, Chính phủ có thể bảo lưu ý kiến hoặc tiếp thu, tuy nhiên không nên để Quốc hội bác Chính phủ ngay trong kỳ họp đầu tiên. Nếu Chính phủ báo cáo Quốc hội cho điều chỉnh dự toán chi đầu tư xây dựng cơ bản, nguồn vốn ODA thì không có vấn đề gì. Vấn đề này đã được nói nhiều lần nhưng đều thấy thương mà cho qua. Nhưng lần này khác, Hiến pháp năm 2013 đã có hiệu lực kể từ năm 2014, nên phải kiên quyết thực hiện nghiêm Hiến pháp”.