Chặt chẽ thu chi, dành nguồn lực phục hồi kinh tế

0:00 / 0:00
0:00

(BĐT) - Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021 với tổng thu NSNN là 1.343.330 tỷ đồng, giảm hơn 11% so với dự toán năm 2020. Thu ngân sách giảm đòi hỏi Chính phủ phải có những giải pháp căn cơ hơn trong việc chi ngân sách để vừa bảo đảm những cân đối lớn của nền kinh tế, cũng như sử dụng nguồn lực tài chính một cách hiệu quả nhất cho mục tiêu kép trong năm 2021.

Dự toán tổng thu ngân sách nhà nước năm 2021 là 1.343.330 tỷ đồng, giảm hơn 11% so với dự toán năm 2020. Ảnh: Lê Tiên
Dự toán tổng thu ngân sách nhà nước năm 2021 là 1.343.330 tỷ đồng, giảm hơn 11% so với dự toán năm 2020. Ảnh: Lê Tiên

Triệt để tiết kiệm chi thường xuyên

Trước khi Quốc hội quyết nghị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã giải trình đối với ý kiến của đại biểu Quốc hội cho rằng, dự toán thu nội địa năm 2021 tương đối thấp so với mức bình quân khoảng 10% của 3 năm gần đây.

UBTVQH cho biết, dự toán thu nội địa năm 2021 (không bao gồm thu từ đất, xổ số kiến thiết, từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, cổ tức, lợi nhuận sau thuế, chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước) là 882 nghìn tỷ đồng, tăng 5,6% so với ước thực hiện năm 2020. Cơ sở đưa ra dự toán thu nội địa này chủ yếu do dự kiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn tiếp tục khó khăn. Bên cạnh đó, một số nguồn thu lớn từ các sản phẩm đã ổn định, khó tăng trưởng cao như than, ô tô, bia, thuốc lá, thủy điện, chế biến dầu khí...

Nếu loại trừ các nguồn thu ổn định này và các khoản thu đột biến phát sinh trong năm 2020 sang năm 2021 không còn, thì các nguồn thu thuế, phí còn lại của năm 2021 dự kiến tăng 7,8% so với ước thực hiện năm 2020. Đây là mức tăng thu phù hợp trong bối cảnh dự báo tình hình kinh tế và sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn.

Do thu giảm, nên chi NSNN năm 2021 chỉ có thể bố trí được 1.687.000 tỷ đồng, giảm 60.100 tỷ đồng so với dự toán năm 2020. Để có thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội và kích cầu trong nước, Nghị quyết của Quốc hội cũng đã chấp thuận với đề xuất của Chính phủ về mức bội chi NSNN năm 2021 là 4% GDP. Bội chi NSNN chỉ dành cho đầu tư phát triển, không dành cho chi thường xuyên.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã giải trình rõ hơn về dự toán ngân sách năm 2021. Tổng hợp dự toán thu 2021 và bội chi năm 2021, thì tổng chi NSNN năm 2021 vẫn giảm so với dự toán năm 2020 và được dự kiến bố trí như sau: ưu tiên bố trí tăng chi đầu tư phát triển để đạt tỷ trọng 28,3% tổng chi NSNN; bố trí chi trả nợ lãi và dự phòng theo quy định của Luật NSNN; dành nguồn ưu tiên cho các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó ưu tiên thực hiện các chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Với mức thu ngân sách giảm, yêu cầu đặt ra cho Chính phủ trong năm 2021 phải triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, đồng thời thực hiện đồng bộ có hiệu quả các nghị quyết của Trung ương, của Quốc hội về tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đẩy mạnh xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp công lập.

Điều hành chính sách tài khóa chặt chẽ

Sự phục hồi của kinh tế thế giới và Việt Nam trong thời gian tới phụ thuộc phần lớn vào khả năng kiểm soát dịch Covid-19, và không loại trừ khả năng dịch bệnh sẽ còn kéo dài trong nhiều năm tiếp theo. Mục tiêu của Chính phủ đặt ra trong năm 2021 vẫn là duy trì mục tiêu kép, vừa tập trung cho công tác phòng, chống dịch, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế.

Với mục tiêu đó, Quốc hội yêu cầu Chính phủ điều hành chính sách tài khóa chặt chẽ; phối hợp đồng bộ với chính sách tiền tệ nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, phục hồi tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý, sử dụng tài chính, NSNN.

Tiếp tục tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác quản lý thu NSNN; chống thất thu thuế, chống chuyển giá, trốn thuế; giảm tỷ lệ nợ thuế; mở rộng triển khai hóa đơn điện tử; cải cách, hiện đại hóa hệ thống cơ quan thuế, hải quan, kho bạc nhà nước; thực hiện nghiêm quy định về đấu giá khi thực hiện bán, chuyển nhượng, cho thuê tài sản công, giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, pháp luật về đất đai; đẩy nhanh công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp theo Đề án đã được phê duyệt.

Trong năm 2021, Quốc hội quyết nghị chưa thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở, chuẩn nghèo. Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tiếp tục thực hiện các quy định hiện hành về tạo nguồn cải cách tiền lương.

Quốc hội giao Chính phủ hướng dẫn việc cho phép được tính vào chi phí được trừ của doanh nghiệp, tổ chức các khoản chi ủng hộ, tài trợ cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.

Tin cùng chuyên mục