Nhà đầu tư nhiều dự án BOT ký hợp đồng trong giai đoạn 2011 - 2015 phải bù chênh lệch lãi suất hàng trăm tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên |
Từ năm 2018 đến nay, nhiều nhà đầu tư dự án hạ tầng giao thông theo loại hợp đồng BOT ký hợp đồng trước năm 2018, trong đó có những dự án ký ở giai đoạn 2011 - 2015, đã có báo cáo cơ quan chức năng về khó khăn, vướng mắc và bất cập trong việc áp dụng quy định về mức lãi suất vay vốn tại dự án BOT.
Ngày 2/11/2022, nhiều doanh nghiệp dự án đã có đơn gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp dự án BOT do chênh lệch lãi suất vốn vay quá lớn giữa hợp đồng và thực tế. Trong danh sách này có Công ty CP BOT Phả Lại, Công ty TNHH MTV Tasco Hải Phòng, Công ty TNHH BOT Quốc lộ 1 Sóc Trăng, Công ty TNHH BOT Quốc lộ 1 Bạc Liêu, Tổng công ty Xây dựng số 1, Công ty TNHH MTV CICO 501 BOT Quốc lộ 26, Công ty CP Đầu tư Quốc lộ 91 Cần Thơ - An Giang, Công ty TNHH MTV Tasco 6, Công ty TNHH Đầu tư Cổ Chiên, Công ty TNHH BOT cầu Rạch Miễu, Công ty TNHH BOT Quốc lộ 6 Hòa Lạc Hòa Bình.
Phản ánh tới cơ quan chức năng, nhiều doanh nghiệp dự án cho biết, các dự án được ký hợp đồng trước khi Thông tư số 88/2018/TT-BTC (TT 88) có hiệu lực, áp dụng quy định khống chế mức trần lãi suất vốn vay theo Thông tư 166/2011/TT-BTC (trừ các dự án BOT trên Quốc lộ 1 áp dụng theo cơ chế đặc thù), Thông tư 55/2016/TT-BTC, Thông tư 75/2017/TT-BTC tùy thời điểm ký kết hợp đồng. Theo TT 166, mức trần lãi suất vốn vay tối đa không vượt quá 1,3 lần mức lãi suất trái phiếu chính phủ (TPCP) cho kỳ hạn dài nhất tại thời điểm gần nhất với thời điểm đàm phán hợp đồng; TT 55 quy định mức lãi suất cho vay vốn tối đa nhà đầu tư thỏa thuận không vượt quá 1,3 lần mức bình quân đơn giản của lãi suất phát hành TPCP có kỳ hạn 10 năm phát hành dưới phương thức đấu thầu trong thời gian 3 tháng trước thời điểm đàm phán hợp đồng dự án. Đến TT 75, mức trần tại TT 55 được nâng lên 1,5 lần lãi suất TPCP.
Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp dự án, lãi suất thực tế mà nhà đầu tư phải thanh toán cho ngân hàng so với mức trần lãi suất vay được quy định tại các thông tư nêu trên có sự chênh lệch rất lớn, trung bình khoảng 3 - 4%, thậm chí có dự án lên đến 6%. Do đó, các quy định về khống chế mức lãi suất vốn vay như trên để làm căn cứ quyết toán phần lãi tiền vay của các dự án BOT thực tế gây thiệt hại cho nhiều doanh nghiệp do phải bù chênh lệch quá nhiều. Theo tính toán, khoản bù chênh lệch lãi suất đến năm 2022 của Dự án BOT tuyến tránh Sóc Trăng là 176 tỷ đồng, Dự án BOT Quốc lộ 1 Bạc Liêu là 86,86 tỷ đồng, Dự án BOT Quốc lộ 10 Quán Toan - Cầu Nghìn (Hải Phòng) là 338,5 tỷ đồng… Nhiều dự án khác cũng lên đến vài trăm tỷ đồng và càng kéo dài thì bù chênh lệch càng nhiều. Có dự án phần chênh lệch lãi suất bằng hoặc vượt cả vốn chủ sở hữu, dẫn đến các nhà đầu tư BOT có thể bị mất hết vốn đã đầu tư vào dự án.
Ngày 28/9/2018, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 88/2018/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 12/11/2018, bỏ quy định mức trần lãi suất căn cứ mức lãi suất TPCP mà theo “bình quân của lãi suất trung bình cho vay trung hạn, dài hạn của 3 ngân hàng thương mại: Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam”… Đến Nghị định 28/2021/NĐ-CP (NĐ 28), quy định mức trần lãi suất vốn vay không còn, theo đó, nguồn vốn vay, nguồn vốn huy động từ phát hành trái phiếu doanh nghiệp và các nguồn vốn hợp pháp khác tính đến thời điểm đàm phán hợp đồng dự án được xác định trên cơ sở cam kết hoặc thỏa thuận bằng văn bản giữa bên cho vay, nhà đầu tư mua trái phiếu hoặc tổ chức bảo lãnh phát hành trái phiếu và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP. Tuy nhiên, TT 88 và NĐ 28 không có điều khoản chuyển tiếp cho phép áp dụng quy định về lãi suất vốn vay cho những dự án ký trước ngày thông tư và nghị định này có hiệu lực.
Lãi suất huy động TPCP kỳ hạn 10 năm có sự giảm mạnh kể từ năm 2009 đến nay. Năm 2009, mức lãi suất TPCP 10 năm bình quân là 9,7%/năm, nhưng hiện nay (tính tại tháng 6/2024), lãi suất TPCP 10 năm chỉ còn 2,86%/năm.
“Các dự án PPP (khoảng 40 dự án BOT trên cả nước) ký kết trước ngày các văn bản trên có hiệu lực đã bị thiệt hại lớn về kinh tế khi mức lãi suất TPCP xuống thấp kỷ lục so với lãi vay ngân hàng mà các dự án BOT đang thực hiện”, một doanh nghiệp dự án cho biết. Đồng thời, nhiều ý kiến cho rằng, điều này tạo ra sự không công bằng giữa dự án BOT ký trước và sau khi có TT 88, NĐ 28, trong khi thời gian vận hành của dự án còn dài. Lãi suất TPCP cũng phụ thuộc nhiều vào điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa của Nhà nước, nằm ngoài dự liệu của nhà đầu tư khi tham gia dự án. Nếu được quyết toán theo quy định tại NĐ 28, doanh nghiệp dự án cũng không được hưởng lợi gì, mà chỉ giúp được quyết toán theo đúng chi phí.
Theo Bộ Giao thông vận tải, hiện nay, mức lãi vay trong hợp đồng BOT mà các doanh nghiệp dự án phản ánh không còn phù hợp. Thực tế phần lãi suất mà nhà đầu tư phải thanh toán cho các ngân hàng so với mức trần lãi suất trên có sự chênh lệch rất lớn (mức trung bình khoảng 3 - 6%), gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp dự án.
Tuy nhiên, phương án xử lý như thế nào đến nay vẫn chưa rõ. Theo Bộ Tài chính, theo quy định tại khoản 4 Điều 101 Luật PPP, hợp đồng dự án được ký kết trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành được tiếp tục thực hiện theo quy định của hợp đồng dự án. Do vậy, không có cơ sở để nghiên cứu, sửa đổi quy định chuyển tiếp tại NĐ 28 đối với lãi suất vốn vay của các hợp đồng PPP đã ký kết như kiến nghị của một số nhà đầu tư.
Đón nhận thông tin Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo trình Quốc hội sửa đổi Luật PPP ngay trong tháng 10/2024, trao đổi với Báo Đấu thầu, đại diện 1 doanh nghiệp dự án cho biết, nhóm doanh nghiệp dự án gặp vướng mắc đề xuất phương án xử lý như sau: “Xem xét, điều chỉnh quy định chuyển tiếp tại khoản 4 Điều 101 Luật PPP và các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành theo hướng áp dụng đối với cả các dự án BOT đã ký kết hợp đồng dự án trước thời điểm Luật PPP có hiệu lực”. Các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án rất mong được tháo gỡ để có niềm tin tiếp tục khai thác và nghiên cứu đầu tư các dự án BOT do Nhà nước kêu gọi.