Chi thường xuyên vẫn chiếm trên 65% tổng chi ngân sách nhà nước

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trình bày Báo cáo thẩm tra quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2019 trước Quốc hội hôm nay (22/7), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, năm 2019, Chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp trong tổ chức điều hành dự toán chi ngân sách; quản lý chặt chẽ các khoản chi... song chi NSNN vẫn còn tồn tại, bất cập, trong đó, chi thường xuyên vẫn chiếm tỷ trọng cao trong tổng chi NSNN.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường (ảnh: QH)
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường (ảnh: QH)

Theo ông Nguyễn Phú Cường, chi thường xuyên bằng 65,2% tổng quyết toán chi NSNN, cao hơn mục tiêu đề ra là dưới 64%. Chi thường xuyên chiếm tỷ trọng cao ngoài nguyên nhân khách quan do chi cho các chính sách xã hội lớn còn do tinh giản biên chế, sắp xếp lại tổ chức bộ máy chưa đáp ứng yêu cầu; cơ chế chính sách và triển khai thực hiện tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập còn bất cập, hạn chế.

Năm 2019, nhiều khoản chi thường xuyên quan trọng không đạt dự toán; riêng ngân sách trung ương có 10/13 khoản chi không đạt, đặc biệt là chi sự nghiệp bảo vệ môi trường đạt quá thấp so với tồn tại bức xúc xảy ra trong lĩnh vực này.

“Đây là thực trạng diễn ra nhiều năm, Chính phủ đã giải trình nguyên nhân trong báo cáo nhưng chủ yếu là nguyên nhân chủ quan (do dự toán chưa sát hoặc triển khai nhiệm vụ chậm). Vì vậy, cần xác định rõ trách nhiệm và có giải pháp khắc phục”, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường nói.

Cùng với đó, tình trạng chi NSNN chưa đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chưa được khắc phục triệt để nên KTNN đã kiến nghị xử lý giảm chi NSNN 13.247 tỷ đồng, KBNN cũng từ chối thanh toán 68,3 tỷ đồng các khoản không đúng chế độ.

Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2019 chậm, trong đó chi đầu tư phát triển NSTW chỉ đạt 60% so với dự toán.

Bên cạnh đó, các sai phạm trong hoạt động xây dựng và quản lý vốn đầu tư vẫn khá phổ biến, xảy ra ở hầu hết các khâu của quá trình đầu tư nên qua kiểm toán, KTNN đã kiến nghị giảm chi đầu tư 3.931 tỷ đồng…

Về bội chi NSNN và nợ công, Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội nhận định đã có những bước chuyển biến tích cực. Cụ thể, bội chi NSNN năm 2019 bằng 2,67% GDP, giảm 60.509 tỷ đồng so với dự toán cho thấy Chính phủ đã nỗ lực để kiểm soát bội chi. “Bội chi NSNN giảm còn do giải ngân vốn đầu tư công chậm, đặc biệt là giải ngân vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài, đồng thời còn do dự toán bội chi chưa sát, nhiều địa phương không bội chi như dự toán được giao”, Cơ quan thẩm tra lưu ý thêm.

Đối với nợ công, năm 2019, mức tăng nợ công có xu hướng giảm so với các năm trước; các chỉ tiêu an toàn nợ trong giới hạn cho phép; nợ công tiếp tục được cơ cấu lại theo hướng bền vững hơn. Song, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu NSNN có xu hướng tăng nhanh, làm giảm mạnh dư địa cho nhiệm vụ chi đầu tư phát triển, có nguy cơ ảnh hưởng tới hệ số tín nhiệm quốc gia.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình đề nghị Quốc Hội phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2019; Tổng kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh trình bày Báo cáo Kiểm toán thẩm tra quyết toán NSNN năm 2019.

Tin cùng chuyên mục