Chính sách giữ nguyên nhóm nợ: Đã đến thời điểm dừng?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhóm công tác của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) khuyến nghị Việt Nam nên dừng chính sách giữ nguyên nhóm nợ vào tháng 6 tới đây do nền kinh tế đã có dấu hiệu hồi phục và nhằm hạn chế rủi ro. Trong khi đó, có ý kiến cho rằng, cần thận trọng xem xét việc này, bởi nền kinh tế đang phục hồi song nhiều doanh nghiệp và một số lĩnh vực còn rất khó khăn, cần được giữ nguyên nhóm nợ để có thể tiếp cận vốn tín dụng, tạo nguồn lực khôi phục sản xuất, kinh doanh.
Việc dừng chính sách giữ nguyên nhóm nợ sẽ khiến một số doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn tín dụng để khôi phục sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Lê Tiên
Việc dừng chính sách giữ nguyên nhóm nợ sẽ khiến một số doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn tín dụng để khôi phục sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Lê Tiên

Để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng, vượt qua khó khăn do dịch Covid-19, ngày 13/3/2020 Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19. Chính sách này tiếp tục được kéo dài tại Thông tư 03/2021/TT-NHNN ngày 2/4/2021 và Thông tư 14/2021/TT-NHNN ngày 7/9/2021.

Trong thông cáo cuối tuần qua, IMF cho biết, Nhóm công tác của tổ chức này vừa kết thúc chuyến làm việc với NHNN và đưa ra một số khuyến nghị về điều hành chính sách tiền tệ.

Đại diện Nhóm công tác, bà Dabla-Norris nhận định rằng, chính sách tiền tệ nên cẩn trọng với áp lực lạm phát tăng cao. Nếu áp lực lạm phát vẫn kéo dài, NHNN nên tính đến việc thắt chặt chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát. Chính sách tăng trưởng tín dụng cần hướng đến điểm cân bằng hợp lý giữa thúc đẩy hồi phục kinh tế và củng cố sự ổn định tài chính.

“Củng cố sức bền của lĩnh vực ngân hàng là cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng trung hạn bền vững. Việc giữ nguyên nhóm nợ chưa trích lập dự phòng nên được gỡ bỏ dần dần vì sức hồi phục kinh tế đang ngày càng được củng cố. Quy định về giữ nguyên nhóm nợ không nên kéo dài sau tháng 6/2022 vì có thể trì hoãn việc nhận diện và đánh giá các tài sản có vấn đề, làm trầm trọng thêm tình trạng phân bổ tín dụng không đúng, làm gia tăng rủi ro”, bà Dabla-Norris phân tích.

Bên cạnh đó, theo bà Dabla-Norris, quy định và hoạt động giám sát tài chính nên được tăng cường để giải quyết các rủi ro mới phát sinh và xây dựng hệ thống ngân hàng vững chắc hơn. Khung khổ pháp lý chặt chẽ và đáng tin cậy có thể đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố tính bền vững của lĩnh vực tài chính. Đồng thời, cần tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý để tạo điều kiện đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ xấu.

Về khuyến nghị dừng chính sách giữ nguyên nhóm nợ, TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế cho rằng, chính sách này nhằm hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn chưa trả được nợ vẫn có đủ điều kiện được tiếp cận nguồn tín dụng để khôi phục sản xuất, kinh doanh. Về lâu dài, việc không chuyển nhóm nợ sẽ khiến nợ xấu tích tụ càng nhiều, gây khó khăn và rủi ro cho hoạt động của hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, theo ông Thành, trong lúc nền kinh tế đang dần hồi phục, sự thay đổi chính sách cũng nên thực hiện từng bước. Theo đó, cần có sự khảo sát, xem xét cụ thể thực trạng quay trở lại hoạt động của doanh nghiệp, tính toán khả năng chống chịu của ngân hàng trước khi cân nhắc dừng chính sách hỗ trợ này.

Cùng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, có thể dừng việc chuyển nhóm nợ theo từng lĩnh vực, bởi hiện tại còn nhiều lĩnh vực hoạt động vẫn khó khăn, phục hồi chậm, nếu không cơ cấu lại thì bên vay khó trả được nợ. Hơn nữa, Việt Nam đang trong quá trình hồi phục kinh tế, doanh nghiệp vẫn cần được tiếp tục hỗ trợ về vốn tín dụng làm nguồn lực phục vụ sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.

Từ góc độ khác, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, việc trì hoãn chuyển nhóm nợ đã được thực hiện hơn 2 năm qua và không nên tiếp tục. Bởi kinh nghiệm cho thấy, nợ đã ở tình trạng “xấu”, tức là nợ thuộc nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn), nhóm 4 (nợ nghi ngờ mất vốn) và nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) hầu như không có khả năng chuyển thành nợ tốt được.

Việc tiếp tục giữ nhóm nợ sẽ để lại một số tác động tiêu cực. Theo đó, bức tranh về chất lượng tài sản của ngân hàng bị méo mó, trích lập dự phòng rủi ro không đầy đủ, lợi nhuận của doanh nghiệp phình lên quá mức so với thực tế, từ đó ảnh hưởng đến việc hoạch định các chiến lược kinh doanh cũng như đánh giá của nhà đầu tư với ngân hàng. Việc hạch toán đúng bản chất nợ sẽ phản ánh chân thực hoạt động của ngân hàng, từ đó có kế hoạch hành động phù hợp để xử lý nợ xấu.

“Dừng việc giữ nguyên nhóm nợ có thể khiến nhiều doanh nghiệp giảm khả năng tiếp cận tín dụng. Do đó, song song với việc phân loại đúng nhóm nợ, cần phân loại nhóm doanh nghiệp, có thể theo tiêu chí về triển vọng phục hồi, khả năng trả nợ, để tạo điều kiện cho họ tiếp cận tín dụng”, ông Hiếu nói.

Tin cùng chuyên mục