Các ngân hàng đã chủ động và tích cực tìm cách tăng vốn, song không phải dễ thực hiện. Ảnh: Tâm Anh |
Mục tiêu giảm nợ xấu có thể đạt được
Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 đưa ra nhiệm vụ quyết liệt thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD, Đề án Cơ cấu lại hệ thống TCTD gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020; có giải pháp để tăng vốn cho các ngân hàng thương mại nhà nước và ngân hàng thương mại nhà nước chiếm cổ phần chi phối.
Điểm đáng chú ý tại Nghị quyết 01 là phấn đấu đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng xuống dưới 2% và tỷ lệ nợ xấu, nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu (gồm nợ xấu, nợ xấu đã bán cho VAMC hiện chưa xử lý được và các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu) xuống dưới 5%.
Đây là mục tiêu không quá cao so với mức nợ xấu hiện tại. Tuy nhiên, theo NFSC, nợ xấu còn tiềm ẩn ở các khoản mục nợ cơ cấu, trái phiếu doanh nghiệp cơ cấu nợ, các khoản uỷ thác, phải thu khó đòi; nợ xấu ở nhóm ngân hàng mua bắt buộc, ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt, ngân hàng yếu kém chậm cải thiện.
Đánh giá về khả năng hoàn thành mục tiêu xử lý nợ xấu năm 2019, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) nhận định là “tương đối khả thi” bởi mức giảm không quá lớn, đặc biệt trong bối cảnh toàn hệ thống ngân hàng đang tiếp tục nỗ lực thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD.
Tuy nhiên, ông Lực cũng cho rằng, điều này đòi hỏi sự quyết liệt và cố gắng của các ngân hàng, cơ quan điều hành chính sách tiền tệ và cả cơ quan chức năng có liên quan.
“Thực tế, những khoản nợ xấu dễ xử lý đã được giải quyết trong thời gian qua, việc xử lý những khoản nợ xấu còn lại là thách thức lớn. Mặt khác, để giảm tỷ lệ nợ xấu, bên cạnh việc giải quyết các khoản nợ xấu hiện hành, còn phải không để phát sinh các khoản nợ xấu mới. Điều này là không dễ thực thi bởi hoạt động cho vay của ngân hàng vẫn có tỷ lệ rủi ro nhất định. Ngoài ra, các quy định pháp lý về xử lý nợ xấu vẫn còn một số vướng mắc đòi hỏi sự chung tay giải quyết nhanh chóng của các cơ quan chức năng có liên quan”, ông Lực nói.
Chạy đua với Basel II, tích cực đổi mới công nghệ
Bên cạnh các mục tiêu về xử lý nợ xấu, Nghị quyết 01 cũng yêu cầu thúc đẩy áp dụng chuẩn mực an toàn Basel II; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; thực hiện thí điểm các mô hình thanh toán mới, các doanh nghiệp công nghệ tài chính (fintech), nghiên cứu việc nạp tiền vào ví điện tử không thông qua tài khoản ngân hàng và áp dụng công nghệ mới, giải pháp đổi mới sáng tạo vào lĩnh vực ngân hàng.
Về chuẩn mực Basel II, hiện đã có 3 ngân hàng đạt chuẩn này, 8 ngân hàng khác đang ở trong diện thí điểm thực hiện theo lựa chọn của Ngân hàng Nhà nước. Bình luận về nội dung này, TS. Cấn Văn Lực dự đoán, hết năm 2019, có thể có thêm gần 10 ngân hàng thương mại đáp ứng chuẩn này.
“Để đáp ứng Basel II, một trong những yêu cầu khó nhất với các ngân hàng thương mại hiện nay là tăng vốn. Trong năm vừa qua, các ngân hàng đã chủ động và tích cực tìm cách tăng vốn, song không phải dễ thực hiện, bởi điều này còn phụ thuộc vào điều kiện của thị trường, quá trình phê duyệt của cơ quan chức năng trong nhiều trường hợp còn chậm”, ông Lực phân tích thêm.
Đối với các yêu cầu về công nghệ mới, theo chuyên gia này, các TCTD phải chủ động cải thiện quản trị, mô hình tổ chức, đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án công nghệ mới, nâng cấp cơ sở dữ liệu. Mặt khác, không thể thiếu sự tích cực của các cơ quan chức năng trong việc hướng dẫn thực thi.