Vàng giảm xuống ở mức giá thấp nhưng vẫn đầy rủi ro - Ảnh: Thanh Xuân |
Vàng giảm nhưng vẫn rủi ro
Những ngày cuối cùng của năm 2015, giá vàng liên tục giảm mạnh. Hôm qua, giá vàng miếng SJC tiếp tục giảm 110.000 - 150.000 đồng/lượng so với ngày 29.12 và xuống những mức thấp nhất trong năm. Công ty TNHH MTV vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC đưa ra giá mua vàng miếng SJC còn 32,42 triệu đồng/lượng (mức thấp nhất trong ngày là 32,32 triệu đồng/lượng), giá bán ở mức 32,78 triệu đồng/lượng. Phó tổng giám đốc một công ty kinh doanh vàng lớn cho biết mấy ngày gần đây lực bán vàng tăng.
Các nhà đầu tư vàng sợ giá còn giảm nữa khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất, một số dự báo đưa giá vàng về dưới 1.000 USD/ounce nên nhà đầu tư đẩy bán vàng ra, trong khi người mua ít đã làm thanh khoản của thị trường rất thấp.
Công ty vừa “ôm” vàng vào chưa kịp bán ra, ngay tức thì giá đã giảm nên bị lỗ. Còn theo Phòng Kinh doanh Tập đoàn vàng bạc đá quý Doji, giá vàng ngày 30.12 giảm do yếu tố tâm lý, nhà đầu tư tiếp tục bán tháo vàng khiến nguồn cung vàng áp đảo, dù giá vàng ngày 30.12 là mức thấp nhất trong năm nhưng nhu cầu mua không phát sinh.
Giữ VND lợi hơn USD
TS Bùi Quang Tín, giảng viên Khoa Quản trị kinh doanh Trường đại học Ngân hàng TP.HCM, cho rằng nếu so sánh với USD, giữ VND năm 2016 vẫn lợi hơn vì lãi suất VND có khả năng tăng bởi NHNN vừa đưa ra chỉ tiêu tín dụng năm 2016 tăng 20%, đồng thời sẽ duy trì mức chênh lệch lãi suất giữa VND và USD để tăng sức hấp dẫn cho VND. Tuy nhiên, kênh tiết kiệm VND sẽ cạnh tranh với kênh BĐS và chứng khoán trong năm 2016. Năm 2015, một số dự án BĐS tăng trung bình 10 - 17% nhưng cũng có dự án tăng 30%; chứng khoán cũng đang thu hút nguồn vốn khi một số tổ chức đánh giá cổ phiếu hiện nay đang thấp hơn trị giá...
Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư và kinh doanh vàng VN (VGB), phân tích: “Vàng đã không còn là kênh đầu tư hấp dẫn, người giữ vàng chỉ có lỗ. So với mức giá đầu năm, vàng miếng SJC đã giảm khoảng 6,6%; còn giá vàng thế giới giảm khoảng 132 USD/ounce, tương đương 8,82%.
Người giữ vàng trong năm 2015 vừa thiệt đơn lẫn thiệt kép. Qua năm 2016, vàng nói riêng và giá cả các hàng hóa khác cũng sẽ sụt giảm. Bởi phần lớn giá cả hàng hóa được định giá và gắn chặt với USD. Vừa rồi, Fed tăng lãi suất USD tạo xu thế cho USD mạnh lên. Trong năm 2016, Fed sẽ còn tăng lãi suất nhiều đợt nữa, điều này chắc chắn sẽ tác động đến giá cả hàng hóa, trong đó có vàng. Nhà đầu tư đánh xuống (bán vàng) thì tốt hơn. Trong quý 1/2016 không phải thời điểm giữ vàng”.
Phòng Kinh doanh Doji đưa ra dự báo năm 2016 giá vàng vẫn trong chu kỳ giảm giá, khi thị trường tiếp tục chịu tác động bởi lộ trình tăng lãi suất của Fed... Giá vàng trong nước sẽ biến động tăng giảm trong biên độ hẹp. Tuy nhiên, không loại trừ bất ngờ bởi những chính sách kinh tế vĩ mô của thế giới kết hợp những điều chỉnh phù hợp từ phía Ngân hàng Nhà nước VN trong năm nay.
Chứng khoán chỉ có sóng nhỏ
Năm 2015 chứng khoán đã gặp cú sốc lớn khi Trung Quốc bất ngờ phá giá nhân dân tệ (NDT) trong 3 ngày liên tiếp, gây ảnh hưởng tiêu cực trên phạm vi toàn cầu, trong đó có chứng khoán VN. Chỉ sau 5 ngày giảm điểm liên tục, chỉ số VN-Index đã mất tới 41 điểm, tương ứng 6,7%. Hàng loạt nhà đầu tư bán đổ, bán tháo chứng khoán khiến bảng điện tử bao phủ sắc đỏ suốt 1 tuần. Các "đại gia" giàu có trên sàn có người mất cả ngàn tỉ đồng vì cú sốc này.
Điều đó cho thấy, dù chưa thực sự liên thông với thế giới nhưng chứng khoán trong nước bị ảnh hưởng nặng nề từ những biến động của kinh tế quốc tế. Cũng vì thế, kênh đầu tư này trở nên rủi ro hơn trong năm 2016 dù chỉ số P/E (giá trên thu nhập mỗi cổ phần) rẻ hơn so với các thị trường trong khu vực; định giá các doanh nghiệp nội không quá đắt và nền kinh tế ổn định giúp thị trường chứng khoán (TTCK) khá hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư.
Theo chuyên gia Đinh Thế Hiển, TTCK năm 2016 về cơ bản khó tăng mạnh nhưng vẫn có những đợt “sóng” ngắn, đủ tạo cơ hội cho các nhà đầu tư có kinh nghiệm thu lời. Ông Hiển phân tích, chứng khoán muốn tăng mạnh phải cần nguồn vốn đầu tư mới, lớn. Nhưng năm 2016, cung tiền trong nước khó hỗ trợ cho thị trường vì vẫn được kiểm soát chặt khi các ngân hàng, các công ty nhà nước vẫn chưa hoàn thành quá trình tái cơ cấu. Một số quỹ mới như quỹ hưu trí, quỹ bất động sản vẫn trong giai đoạn sơ khai nên nguồn vốn đầu tư trung dài hạn vào TTCK chưa có.
Nguồn vốn từ nước ngoài vẫn là một ẩn số nhưng khi kinh tế Mỹ phục hồi thì có xu hướng các nhà đầu tư ngoại rút vốn ở một số thị trường mới nổi để quay sang đầu tư vào TTCK Mỹ. “Tôi cho rằng TTCK sẽ có đợt tăng khá trong quý 2 năm tới và cơ hội lướt sóng đầu tư ngắn hạn cho nhiều NĐT sẽ có. Nhưng đừng hy vọng thị trường tăng quá mạnh và cũng ẩn chứa đầy rủi ro cho NĐT thiếu kinh nghiệm”, chuyên gia Đinh Thế Hiển nói và khuyến cáo với những người không có kinh nghiệm, gửi tiết kiệm là phương án “nên lựa chọn nhất” khi các ngân hàng phải tiếp tục cạnh tranh nên lãi suất huy động vẫn được duy trì ở mức từ 6 - 7%/năm.
Bất động sản cẩn trọng "mua đỉnh"
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TP.HCM, thị trường BĐS bắt đầu có dấu hiệu phục hồi từ cuối năm 2013 đến nay và không có dấu hiệu nào cho thấy mạch phát triển ấy bị chững lại trong năm 2016. Thời gian qua, giá nhà đất ghi nhận có sự tăng giá và biên độ tăng thực tế từ 5 - 15%. "Tôi đã phát hiện sự quay trở lại của nhà đầu tư (NĐT) thứ cấp từ cuối năm 2014, đầu 2015, đặc biệt ở phân khúc trên 20 triệu/m2. Năm 2015 tỷ lệ đầu tư thứ cấp lên tới 15 - 20% tổng giao dịch do thị trường đã ổn định và hấp dẫn NĐT. Khi đầu tư vào thị trường BĐS thời điểm này, các NĐT sẽ mua được giá rẻ, với nhiều lựa chọn cho quyết định đầu tư của mình", ông Châu nói. Nhiều NĐT cũng đánh giá cao kênh BĐS nhưng hạn chế của kênh này là cần vốn lớn và lợi nhuận có khả năng bị hạn chế vì năm 2015 rất nhiều phân khúc đã tăng quá mạnh. Các giá trị tăng thêm như đường sá, hạ tầng, giao thông đã được "cộng" hết vào giá dự án nên giá trị gia tăng giảm. "Đầu tư tối kỵ nhất là nhảy vào khi giá đã tăng mạnh. BĐS tăng lai rai mấy năm rồi", một NĐT nói.
Đình Sơn
|