Chống gian lận chuyển giá bằng APA: Bao giờ mới thực hiện được?

(BĐT) - Thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA) là công cụ từng được kỳ vọng sẽ đem lại hiệu quả cao trong chống gian lận chuyển giá. Tuy nhiên, sau hơn 5 năm thực thi, vẫn chưa có một APA nào được ký kết.
Với những quy định, nguyên tắc cụ thể tại Luật Quản lý thuế 2019, hy vọng doanh nghiệp sẽ dễ dàng hơn trong thực thi APA. Ảnh: Tường Lâm
Với những quy định, nguyên tắc cụ thể tại Luật Quản lý thuế 2019, hy vọng doanh nghiệp sẽ dễ dàng hơn trong thực thi APA. Ảnh: Tường Lâm

Đã thử mà chưa thành

Trước khi Thông tư 201/2013/TT-BTC hướng dẫn việc áp dụng APA trong quản lý thuế có hiệu lực thi hành ngày 5/2/2014, Samsung Việt Nam là doanh nghiệp đầu tiên thực hiện kê khai thông tin để thí điểm thực hiện APA. Tiếp đó, một số doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khác cũng làm việc với cơ quan thuế Việt Nam để thực hiện APA. Tuy nhiên, sau hơn 5 năm đàm phán và trao đổi, vẫn chưa có một thỏa thuận nào được ký kết.

Nêu ý kiến về việc này, ông Mark Gillin, Trưởng nhóm Công tác thuế và hải quan thuộc Diễn dàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) nói: “Chúng tôi hiểu và hoàn toàn ủng hộ Việt Nam thực hiện quyền thu thuế từ các giao dịch xuyên biên giới liên quan đến các bên bằng cách xác định thuế phải nộp dựa trên giá thực tế. Khó khăn ở đây là cách thức xác định và thống nhất về giá thực tế cũng như chuẩn tham chiếu để so sánh”.

Theo ông Mark Gillin, mô hình phổ biến nhất để thực hiện điều này là của Tổ chức Hợp tác kinh tế và phát triển (OECD) với nguyên tắc cơ bản là khái niệm “giá thị trường”. OECD đã giải quyết vấn đề không rõ ràng này bằng cách cung cấp các hướng dẫn liên quan đến thỏa thuận trước về giá. Theo đó, các doanh nghiệp có thể cung cấp cơ sở cho việc định giá của bên liên quan cho cơ quan thuế phê duyệt trước khi thực hiện giao dịch.

Các thỏa thuận này giúp đảm bảo chắc chắn cho doanh nghiệp, đồng thời mang lại hiệu quả cao cho Chính phủ. Việt Nam đã áp dụng nguyên tắc của OECD tại một số văn bản pháp lý về quản lý thuế nhưng chưa ký kết được thỏa thuận nào.

“Việc không có các thỏa thuận như vậy ngày càng gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp và hệ thống kiểm toán nói chung. Quá trình kiểm toán mất nhiều thời gian hơn, không đảm bảo tính chính xác và thiên về nhận định chủ quan hơn, dẫn đến nguy cơ phát sinh tranh chấp”, ông Mark Gillin nhấn mạnh. 

Nên ưu tiên nghiên cứu áp dụng

Việc áp dụng cơ chế thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế phải dựa trên thông tin của người nộp thuế, cơ sở dữ liệu thương mại có sự kiểm chứng bảo đảm tính pháp lý.
Nội dung về APA đã được nêu tại Luật số 21/2012/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế 2006, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2013. Quy định này được hướng dẫn thực hiện tại Nghị định 83/2013/NĐ-CP và Thông tư 201/2013/TT-BTC hướng dẫn việc áp dụng APA trong quản lý thuế.

Luật Quản lý thuế 2019 có hiệu lực từ ngày 1/7/2020 tiếp tục đề cập cụ thể về nguyên tắc khai thuế đối với APA.

Theo đó, việc áp dụng cơ chế thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế được thực hiện trên cơ sở đề nghị của người nộp thuế, sự thống nhất giữa cơ quan thuế và người nộp thuế theo thỏa thuận đơn phương, song phương và đa phương giữa cơ quan thuế, người nộp thuế và cơ quan thuế nước ngoài, vùng lãnh thổ có liên quan.

Việc áp dụng APA phải dựa trên thông tin của người nộp thuế, cơ sở dữ liệu thương mại có sự kiểm chứng bảo đảm tính pháp lý.

Việc áp dụng cơ chế thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế phải được Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt trước khi thực hiện; đối với các thỏa thuận song phương, đa phương có sự tham gia của cơ quan thuế nước ngoài thì được thực hiện theo quy định của điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế.

Mặt khác, quy định về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế cũng góp phần làm chặt chẽ hơn việc thực hiện APA. Theo Điều 137 của Luật Quản lý thuế 2019, hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp có thời hiệu xử phạt là 5 năm kể từ ngày thực hiện hành vi vi phạm.

Quá thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế, người nộp thuế không bị xử phạt nhưng vẫn phải nộp đủ số tiền thuế thiếu, tiền chậm nộp vào ngân sách nhà nước trong thời hạn 10 năm trở về trước kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm.

Quy định này được cho là để tránh tình trạng cán bộ thuế và doanh nghiệp thỏa thuận giá trước để trục lợi. Tức là, sau khi thanh tra, cơ quan thuế phát hiện ra giá thoả thuận không theo giá thị trường thì có thể tiến hành truy thu thuế 10 năm trở về trước.

Như vậy, các quy định về việc thực hiện APA gần như đã chặt chẽ trên nhiều phương diện. Tuy nhiên, khả năng thực thi trong thời gian tới vẫn còn gây nhiều hoài nghi.

Ông Mark Gillin lưu ý: “Việc áp dụng thỏa thuận trước về giá sẽ mang lại nhiều lợi ích. Với hướng dẫn tại các quy định liên quan, chúng tôi đề xuất Chính phủ coi việc nghiên cứu áp dụng APA là ưu tiên hàng đầu”.

Tin cùng chuyên mục