Chú trọng bảo mật khi thí điểm mobile money

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sau một năm kể từ thời điểm Thủ tướng Chính phủ có chỉ thị về việc thí điểm sử dụng mobile money, loại hình thanh toán này đã được phê duyệt triển khai thí điểm từ ngày 9/3. Tuy nhiên, vẫn còn ý kiến băn khoăn về việc quản lý tiền trong tài khoản của người dùng, việc quản lý rủi ro và các hình thức bảo hiểm cần thiết.
Hạn mức giao dịch với mỗi tài khoản mobile money không quá 10 triệu đồng/tháng trong thời gian triển khai thí điểm
Hạn mức giao dịch với mỗi tài khoản mobile money không quá 10 triệu đồng/tháng trong thời gian triển khai thí điểm

Thủ tướng vừa phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (mobile money). Đối tượng thực hiện thí điểm là doanh nghiệp có giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán ví điện tử và giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng di động mặt đất sử dụng băng tần vô tuyến điện hoặc là công ty con được công ty mẹ có giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng di động mặt đất sử dụng băng tần vô tuyến điện cho phép sử dụng hạ tầng, mạng lưới, dữ liệu viễn thông (doanh nghiệp thực hiện thí điểm).

Việc triển khai thí điểm áp dụng trên phạm vi toàn quốc, trong đó, các doanh nghiệp thực hiện phải ưu tiên triển khai dịch vụ mobile money tại các địa bàn thuộc khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Doanh nghiệp thực hiện thí điểm chỉ được phép cung ứng dịch vụ mobile money để chuyển tiền, thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ hợp pháp tại Việt Nam theo quy định của pháp luật hiện hành, phục vụ nhu cầu cuộc sống người dân. Việc triển khai thí điểm dịch vụ mobile money chỉ áp dụng đối với giao dịch nội địa hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam bằng đồng Việt Nam, không được thực hiện thanh toán chuyển tiền cho hàng hóa, dịch vụ cung cấp xuyên biên giới.

Thời gian thực hiện thí điểm dịch vụ mobile money là 2 năm kể từ thời điểm doanh nghiệp đầu tiên được chấp thuận triển khai thí điểm dịch vụ này. Hạn mức giao dịch không quá 10 triệu đồng/tháng đối với mỗi tài khoản mobile money cho tổng các giao dịch như rút tiền, chuyển tiền và thanh toán.

Quyết định phê duyệt triển khai thí điểm mobile money nêu rõ các hành vi bị cấm gồm: Cung ứng hoặc sử dụng tài khoản mobile money cho các nghiệp vụ khác ngoài việc nạp tiền, rút tiền, thanh toán, chuyển tiền quy định nêu trên; doanh nghiệp thực hiện thí điểm cấp tín dụng cho khách hàng sử dụng dịch vụ mobile money, trả lãi trên số dư tài khoản mobile money hoặc bất kỳ hành động nào có thể làm tăng giá trị tiền tệ trên tài khoản mobile money so với giá trị tiền khách hàng đã nạp vào tài khoản; cung ứng hoặc sử dụng tài khoản mobile money để thực hiện các giao dịch cho mục đích rửa tiền, tài trợ khủng bố, lừa đảo, các hành vi gian lận và vi phạm pháp luật khác; thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, trao đổi, tặng, cho hoặc mua bán tài khoản mobile money, thông tin tài khoản mobile money...

Theo ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, quyết định triển khai thí điểm mobile money ở thời điểm này là hơi muộn nhưng vẫn còn hơn không, bởi thị trường dịch vụ này tại Việt Nam rất có tiềm năng. Mặt khác, đây là cách thức phủ rộng hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt đến các nhóm người dùng chưa có tài khoản ngân hàng.

Về hạn mức thanh toán, theo ông Hiếu, số tiền 10 triệu đồng là đủ thấp để hạn chế rủi ro trong hệ thống. Tuy nhiên, điều băn khoăn là chưa rõ Chính phủ có kiểm soát việc sử dụng số dư của người dùng trong tài khoản để tránh tình trạng các nhà mạng sử dụng số tiền này cho mục đích đầu tư riêng, dù có thể chỉ dùng để đầu tư ngắn hạn, thậm chí chỉ trong ngày. “Cần giám sát chặt chẽ để tránh rủi ro cho người dùng, qua đó tạo niềm tin và thuận lợi để phát triển lâu dài”, ông Hiếu nói.

Còn theo ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm An ninh mạng Athena, điều quan trọng nhất trong triển khai mobile money hiện nay là chú trọng năng lực bảo mật của hệ thống, bảo đảm tốt nhất an toàn cho người dùng.

Ông Thắng cho rằng, giao dịch thanh toán nói chung và mobile money nói riêng luôn thu hút sự chú ý của tội phạm công nghệ tài chính, đặc biệt ở những thị trường mới áp dụng các sản phẩm đó. Chỉ cần 1 người dân bị mất tiền thì chắc chắn nhiều người sẽ ngại dùng. Vì vậy, các đơn vị triển khai hệ thống này phải có hạ tầng đủ tốt và đáp ứng năng lực kiểm soát bảo mật. Mặt khác, bất cứ hình thức thanh toán nào cũng có tỷ lệ rủi ro nhất định nên cần tính đến quy chế bảo hiểm và giải pháp bồi thường thiệt hại cho người dùng khi phát sinh thiệt hại.

Tin cùng chuyên mục