Chữa “căn bệnh” nghẽn tăng trưởng tín dụng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, đến ngày 20/5/2024, tín dụng tăng 2,41% so với cuối năm 2023. Đây là chuyển biến tích cực trong so sánh với đà tăng trưởng tín dụng của 4 tháng đầu năm khi mà NHNN đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, nhưng tín dụng 2 tháng đầu năm vẫn tăng trưởng âm và đến ngày 5/4/2024 mới đạt 0,95%.
Tính đến ngày 20/5/2024, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 2,41% so với cuối năm 2023. Ảnh: Tường Lâm
Tính đến ngày 20/5/2024, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 2,41% so với cuối năm 2023. Ảnh: Tường Lâm

Theo NHNN, tín dụng tăng trưởng thấp chủ yếu do cầu và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế ở mức thấp. Bên cạnh đó, một số ngân hàng thận trọng trong thực hiện cấp tín dụng vì lo ngại nợ xấu tăng do biến động tiêu cực từ tình hình kinh tế thế giới cùng những khó khăn nội tại tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, khả năng trả nợ gốc/lãi ngân hàng suy giảm.

Để thúc đẩy nguồn vốn vào nền kinh tế, NHNN vừa có công văn gửi các tổ chức tín dụng (TCTD) yêu cầu thực hiện một số giải pháp về tín dụng và lãi suất. Theo đó, tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cho vay, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số vào quy trình cho vay để nỗ lực phấn đấu giảm 1 - 2%/năm lãi suất cho vay, nhất là cho các động lực tăng trưởng truyền thống, các ngành mới nổi, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, nhà ở xã hội..., nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Duy trì mặt bằng lãi suất huy động ổn định, hợp lý, phù hợp với khả năng cân đối vốn, khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh và năng lực quản lý rủi ro, ổn định thị trường tiền tệ và mặt bằng lãi suất thị trường.

NHNN cũng yêu cầu các TCTD tiếp tục triển khai các giải pháp tăng trưởng tín dụng hiệu quả, đúng, trúng mục tiêu, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng của nền kinh tế, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế, quyết tâm thực hiện giải pháp thiết thực, hiệu quả để phấn đấu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đến hết quý II/2024 ở mức 5 - 6% theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, bảo đảm hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả.

Bên cạnh đó, tích cực rà soát các dự án để đảm bảo cung ứng tín dụng kịp thời cho các dự án khả thi; đẩy mạnh đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ tín dụng ngân hàng phù hợp với từng phân khúc khách hàng. Đặc biệt, cần chủ động và tích cực truyền thông kịp thời, đầy đủ về các chính sách, sản phẩm, dịch vụ của TCTD để giúp người dân, doanh nghiệp nắm bắt, hiểu rõ và tiếp cận các chương trình, chính sách của TCTD.

Tín dụng tăng trưởng thấp chủ yếu do cầu và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế ở mức thấp. Ảnh: Tường Lâm

Tín dụng tăng trưởng thấp chủ yếu do cầu và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế ở mức thấp. Ảnh: Tường Lâm

Về vấn đề tín dụng tăng trưởng thấp, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, xu hướng tăng trưởng tín dụng thấp không chỉ riêng ở Việt Nam mà đây là xu hướng chung của thế giới khi các nước thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt. Với Việt Nam, tín dụng tăng trưởng thấp do đầu ra của sản xuất, kinh doanh còn yếu. Các lĩnh vực có vốn vay lớn như là thị trường bất động sản hiện có những khó khăn về yếu tố pháp lý và Chính phủ đang chỉ đạo rất quyết liệt, thành lập các tổ công tác đến tận địa phương để giải quyết.

“Từ góc độ của điều hành chính sách tiền tệ, NHNN nhận thấy việc Chính phủ tăng cường chỉ đạo thúc đẩy đầu tư công và đầu tư vào đường cao tốc là giải pháp rất đúng và trúng bởi vì khi sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp yếu thì việc đẩy mạnh đầu tư công, đầu tư hạ tầng sẽ tác động lan tỏa dòng tiền đối với doanh nghiệp, từ đó kích hoạt lại tín dụng từ hệ thống ngân hàng. Bên cạnh đó, NHNN cũng nhiều lần báo cáo và cũng kiến nghị, với 95% doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, cần có những giải pháp hỗ trợ tăng cường. Ví dụ, bảo lãnh các doanh nghiệp để vay vốn tại ngân hàng có thể sẽ thúc đẩy tín dụng tăng mạnh hơn”, bà Hồng nhấn mạnh.

TS. Nguyễn Hữu Huân, giảng viên trường Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, tăng trưởng tín dụng đến 20/5 đạt 2,41% là chuyển biến tích cực, song mục tiêu hết quý II/2024 đạt mức 5 - 6% là rất thách thức với ngành ngân hàng. Theo ông Huân, khó thúc đẩy tăng trưởng tín dụng nhanh bởi kinh tế năm nay dự báo sẽ hồi phục chậm, lãi suất của các nước vẫn ở mức cao và căng thẳng địa chính trị vẫn còn. Trong khi đó, sức cầu của nền kinh tế còn yếu với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chỉ tăng được 8,7% trong 5 tháng đầu năm nay, thấp hơn hẳn mức tăng 12,3% của cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 5 tháng tăng 16,6%, song nhập siêu đã quay trở lại trong tháng 5.

“Để đẩy nhanh hơn nguồn vốn tín dụng, qua đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế tích cực, việc tiếp tục đề xuất và áp dụng các giải pháp kích cầu là cần thiết, cùng với đó là giải pháp giảm thuế, phí. Bộ Tài chính đã đề xuất việc giảm thuế giá trị gia tăng đến cuối năm 2024 và giảm một số loại phí, tuy nhiên, yếu tố có thể tác động ngay đến kích cầu là giảm thuế thu nhập cá nhân vẫn chưa được xem xét. Cơ quan xây dựng chính sách thuế căn cứ theo quy định hiện hành về biến động chỉ số giá tiêu dùng để đưa ra lập luận là chưa đến lúc điều chỉnh thuế. Tuy nhiên, trong điều kiện khó khăn thì các giải pháp cần linh hoạt hơn”, ông Huân khuyến nghị.

Cũng theo chuyên gia, việc giảm thuế thu nhập cá nhân sẽ có tác dụng kích cầu tiêu dùng mạnh mẽ. Bên cạnh đó, cần nỗ lực đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công để tạo tác động lan tỏa đến nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. “Điều này đòi hỏi sự chung tay của nhiều bộ, ngành chứ không chỉ ngành ngân hàng”, ông Huân nói.

Tin cùng chuyên mục