Khơi thông tín dụng để tạo động lực tăng trưởng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dư nợ tín dụng của nền kinh tế suy giảm trong 2 tháng đầu năm nay song một số lĩnh vực vẫn ghi nhận tăng trưởng tín dụng tích cực và giải ngân tốt. Nhiều ý kiến cho rằng, cần tiếp tục tháo gỡ vướng mắc và có chính sách hỗ trợ để đẩy vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đồng thời đảm bảo ổn định tỷ giá và giữ mặt bằng lãi suất ở mức thấp để hỗ trợ doanh nghiệp (DN) hồi phục.
Chương trình cho vay đối với lĩnh vực lâm, thủy sản có quy mô vốn tín dụng khoảng 15.000 tỷ đồng đã giải ngân xong trước thời hạn 30/6/2024. Ảnh: Tiên Giang
Chương trình cho vay đối với lĩnh vực lâm, thủy sản có quy mô vốn tín dụng khoảng 15.000 tỷ đồng đã giải ngân xong trước thời hạn 30/6/2024. Ảnh: Tiên Giang

Tín dụng một số lĩnh vực tăng trưởng tích cực

Số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, đến ngày 29/2/2024, tín dụng nền kinh tế giảm 0,72% so với cuối năm 2023. Trong đó, ngành nông nghiệp giảm 0,17%; công nghiệp, xây dựng giảm 0,13%; thương mại, dịch vụ giảm 0,91%; cho vay phục vụ tiêu dùng giảm 1,77%. Ở chiều ngược lại, tín dụng bất động sản tăng 0,23% so với cuối năm 2023, tín dụng với lĩnh vực chứng khoán tăng 2,56%.

Đáng chú ý, Chương trình cho vay đối với lĩnh vực lâm, thủy sản có vốn tín dụng khoảng 15.000 tỷ đồng (dự kiến ban đầu 10.000 tỷ đồng), lãi suất cho vay thấp hơn tối thiểu từ 1 - 2%/năm so với mức lãi suất bình quân cùng kỳ hạn, thời gian triển khai đến hết ngày 30/6/2024 nhưng đến nay đã giải ngân xong. NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng xem xét bổ sung nguồn vốn cho Chương trình, nâng tổng mức hỗ trợ lên 30.000 tỷ đồng.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô ngày 14/3, đại diện một số DN cho biết, vẫn còn khó khăn trong tiếp cận tín dụng, đề xuất ngành ngân hàng và Chính phủ hỗ trợ.

Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, mặt bằng lãi suất của các quốc gia hiện ở mức 3,5%. Tại Việt Nam, lãi vay của Vinatex hiện khoảng 7% - 9%. Lãi suất phải trả cho các ngân hàng năm 2023 của Vinatex trên báo cáo hợp nhất tăng 10% so với năm 2022, trong khi tổng dư nợ giảm 11%.

Theo ông Trường, trong khi các DN dệt may không khó tiếp cận vốn nếu có đơn hàng, thì các DN sợi đang gặp rất nhiều khó khăn do hạn mức tín dụng bị cắt giảm cùng với yêu cầu tài sản bảo đảm 100% với khoản vay ngắn hạn năm 2024. Bên cạnh đó, ngành sợi Việt Nam đang giảm lợi thế cạnh tranh so với các nước khác. Chẳng hạn, Trung Quốc áp dụng giá điện đối với ngành sợi là 4 cent/kW (bằng 50% mức giá của Việt Nam) và hỗ trợ 50% giá cước vận tải nội địa từ tháng 3/2023. "Do đó, nếu không có sự hỗ trợ của ngân hàng, chỉ đạo của Chính phủ và các bộ, ngành thì chúng ta có thể mất đi ngành sợi", ông Trường nhận định.

Ông Quảng Văn Viết Cương, Phó Giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp (Becamex) cho biết, năm 2024, Becamex tập trung phát triển nhà ở xã hội cùng với phát triển hệ sinh thái về năng lượng tái tạo. Becamex mong các ngân hàng có những chính sách mới, gói tín dụng mới để hỗ trợ các lĩnh vực này.

Từ góc độ khác, ông Lê Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết, giai đoạn 2021 - 2025, PVN có kế hoạch huy động khoảng 250,3 nghìn tỷ đồng vốn tín dụng để đầu tư phát triển nên rất mong Chính phủ, NHNN tiếp tục giữ chính sách về lãi suất tối ưu và ổn định, tránh ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư của Tập đoàn nói riêng và các DN nói chung.

Ngoài ra, hiện dư nợ vay ngoại tệ của PVN là 38.000 tỷ đồng, do đó biến động tỷ giá ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn. PVN mong muốn trong thời gian tới, NHNN sẽ có các giải pháp để giữ cho tỷ giá ổn định.

Tăng khả năng tiếp cận tín dụng

Từ phía ngân hàng, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nêu quan điểm, dòng vốn tín dụng ngân hàng chỉ là dòng vốn bổ sung, không phải dòng vốn chủ lực để giúp DN vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Do vậy, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan, chính quyền địa phương phối hợp với ngành ngân hàng triển khai đồng bộ các giải pháp phục hồi kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho DN. Bên cạnh đó, tháo gỡ khó khăn về mặt pháp lý, đặc biệt về đất đai, tạo điều kiện cho DN đầu tư mới, mở rộng sản xuất kinh doanh theo tiến độ; đơn giản hóa quy trình đầu tư, thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của người dân và DN.

Về chính sách với ngành ngân hàng, ông Hùng đề nghị NHNN cho phép tổ chức tín dụng cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ với nợ gốc phát sinh từ năm 2023, kéo dài đến 31/12/2024 thay vì 30/6/2024.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, rất cần sự chung sức, đồng lòng của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, ngân hàng, DN và người dân. Từ đó, quyết liệt triển khai các giải pháp tăng trưởng tín dụng, hướng tín dụng vào sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo an toàn, hiệu quả và kiểm soát rủi ro thanh khoản.

Thủ tướng lưu ý, tiếp tục ưu tiên cân đối nguồn vốn đáp ứng kịp thời, đầy đủ cho các lĩnh vực ưu tiên, trong đó có nông nghiệp; rà soát, phân loại các dự án bất động sản để kịp thời có giải pháp tín dụng phù hợp đối với từng DN, dự án đủ điều kiện; có tín dụng phù hợp với lĩnh vực BOT, BT giao thông, các dự án trọng điểm, lĩnh vực xăng dầu... Tiếp tục tiết giảm chi phí, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay; thực hiện nghiêm túc việc công bố lãi suất cho vay bình quân để DN, người dân thuận lợi trong việc lựa chọn ngân hàng vay vốn.

Bình luận sau Hội nghị, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng, từ đầu năm đến nay, Chính phủ và ngành ngân hàng rất nỗ lực thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và đã có một số kết quả đáng ghi nhận. Đó là, dư nợ tín dụng một số lĩnh vực như lâm, thủy sản, chứng khoán, bất động sản tăng trưởng tích cực. Do đó, đề xuất tăng thêm vốn cho gói tín dụng hỗ trợ lĩnh vực lâm, thủy sản của NHNN là rất phù hợp. Đồng thời, cần tiếp tục tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận vốn với các lĩnh vực mang lại hiệu quả tích cực và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững như các ngành sản xuất chủ lực, năng lượng tái tạo, các dự án nhà ở xã hội và nhà ở cho người thu nhập thấp…

Về tín dụng với lĩnh vực chứng khoán và bất động sản, theo ông Thịnh, đà tăng tín dụng của hai lĩnh vực này tích cực hơn các lĩnh vực khác song chưa đến mức phải xem xét siết chặt, đặc biệt khi hệ thống quản trị rủi ro của các ngân hàng đã được cải thiện đáng kể. Bên cạnh đó, cần chú trọng các giải pháp giữ ổn định tỷ giá và lãi suất để ổn định thị trường tiền tệ, từ đó hỗ trợ tích cực cho hoạt động của DN.

Tin cùng chuyên mục