Các mẫu hợp đồng xây lắp và hợp đồng tư vấn còn nhiều khác biệt với FIDIC. Ảnh: LTT |
Mẫu hợp đồng FIDIC được sử dụng khá phổ biến
Trên thế giới, nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế cũng như các nhà tài trợ như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á… đã lựa chọn và áp dụng khá phổ biến các mẫu hợp đồng của FIDIC. Với tính chuẩn mực và thường xuyên được cập nhật, các mẫu hợp đồng của FIDIC ngày càng được quốc tế hóa, trở thành chuẩn mực chung. Bên cạnh những thông lệ chung, FIDIC cũng có quy định mở nhất định để các quốc gia có thể linh hoạt trong quá trình sử dụng các mẫu này, tuy nhiên rất hạn chế thay đổi.
Tại Việt Nam, một số chuyên gia cho biết, các mẫu hợp đồng của FIDIC không còn quá lạ lẫm trong trong lĩnh vực quản lý dự án giao thông, điện, nước, thủy lợi... Chia sẻ thực tiễn triển khai các dự án trong lĩnh vực giao thông vận tải những năm qua, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình thuộc Bộ Giao thông vận tải cho biết, mẫu hợp đồng của FIDIC được sử dụng khá phổ biến trong các dự án sử dụng vốn ODA có quy mô lớn của ngành giao thông, vì các nhà tài trợ thường lựa chọn áp dụng mẫu hợp đồng FIDIC. Thực tế cũng cho thấy, các mẫu hợp đồng xây lắp và hợp đồng tư vấn hiện chưa có sự thống nhất, tồn tại nhiều khác biệt với mẫu hợp đồng của FIDIC, mẫu hồ sơ mời thầu, gây ra không ít khó khăn, bối rối cho người thực thi.
Để tham gia vào sân chơi chung – hội nhập, nhiều chuyên gia nhận định, việc tiến tới các thông lệ quốc tế là điều không thể trách khỏi, tạo sự thống nhất giữa các quy định trong nước về mẫu hợp đồng và hài hòa hóa với các quy định của mẫu hợp đồng FIDIC. Hơn nữa, sự chủ động trong việc áp dụng thông lệ quốc tế còn mang lại nhiều cơ hội phát triển cho Việt Nam; nâng cao năng lực và chất lượng dự án đầu tư, quản lý dự án của đội ngũ tham gia; chuẩn hóa các mẫu hồ sơ mời thầu, hợp đồng và các khâu trong quy trình quản lý dự án nói chung và dự án ODA nói riêng; giảm thiểu các rủi ro trong quá trình thực hiện.
Đòi hỏi cao về kỹ năng soạn thảo và quản lý hợp đồng
Theo đại diện Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình, trình độ và kinh nghiệm của các cán bộ quản lý nhà nước nói chung và các tổ chức, cá nhân tham gia quản lý dự án như chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu xây lắp, nhà thầu tư vấn… vẫn còn nhiều hạn chế. Trong khi đó, công tác đào tạo cho đội ngũ này chưa được quan tâm đúng mức. Kinh nghiệm quản lý các dự án ODA chủ yếu được tích lũy qua thực tế còn khá “khiêm tốn”, chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.
Ông Ninh Viết Định, Trưởng ban Ban Đầu tư của Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, dự án đầu tư có sử dụng vốn ODA thuộc các lĩnh vực điện, nước, giao thông, thủy lợi, dân dụng công nghiệp... thường là những dự án có quy mô lớn. Những dự án này đòi hỏi kỹ năng soạn thảo và quản lý hồ sơ mời thầu, hợp đồng rất cao. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều cán bộ vẫn chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, chưa được đào tạo bài bản.
Một chuyên gia cũng cho rằng, khi Việt Nam tham gia sân chơi hội nhập và thị trường mua sắm công được mở cửa cho nhiều nhà đầu tư, nhà thầu lớn quốc tế có năng lực và kinh nghiệm tham gia, thì đòi hỏi về năng lực quản lý dự án trong nước ngày càng cao hơn. Kinh nghiệm của một số quốc gia cho thấy, nhà đầu tư có thể kiện lại phía Nhà nước, nếu như phía Nhà nước quản lý dự án lỏng lẻo, vi phạm hợp đồng hoặc hợp đồng có sơ hở. Các vụ kiện điển hình có thể kể đến là Tập đoàn Cherron kiện Chính phủ Ecuador; Tập đoàn đa quốc gia Pacific Rim Mining (Canada) kiện Chính phủ El Salvador… Thực tế, trường hợp này cũng không còn lạ lẫm gì với Việt Nam, đơn cử như trường hợp nhà thầu đòi bồi thường tại Dự án cầu Nhật Tân, Gói thầu số 2 tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên... vì phía chính quyền chậm tiến độ so với hợp đồng đã ký kết và tất nhiên “án tại hồ sơ”.
Thời gian gần đây, tiến độ của các dự án trong ngành giao thông đã được cải thiện đáng kể, tình trạng chây ì tràn lan, mà thậm chí kéo dài tới hàng chục năm đã được được thu hẹp. Để đạt được kết quả này, một phần là do sức ép “trảm tướng” của Bộ Giao thông vận tải. Mặc dù vậy, về lâu dài, kế sách này không bền vững, không thể dùng “mệnh lệnh hành chính”, mà phải xuất phát từ ý thức và trách nhiệm tự thân của các bên tham gia dự án.
Muốn làm được như vậy, ông Ninh Viết Định đề nghị, việc hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn trong soạn thảo hồ sơ mời thầu, hợp đồng cần được tăng cường mạnh mẽ hơn nữa. Việc tăng cường công tác hỗ trợ kỹ thuật và pháp luật cũng sẽ giúp tối đa hóa tính chuyên nghiệp, chuyên môn, quy trình, mẫu hóa và tin học hóa trong quản lý đầu tư.