Chung khát vọng về một Việt Nam hùng cường

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chia sẻ cảm nhận nhân kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất, GS. TS. Vũ Minh Khương, giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Singapore) bày tỏ ấn tượng về những bước tiến vượt bậc cùng quá trình hội nhập sâu rộng của nền kinh tế Việt Nam. Ông tin tưởng chúng ta đang đứng trước cơ hội mở đường cho một giai đoạn phát triển có chiều sâu và bền vững.
Sự nhất quán trong định hướng "phát triển dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo" đang mở đường cho một giai đoạn phát triển có chiều sâu và bền vững. Ảnh: Đông Giang
Sự nhất quán trong định hướng "phát triển dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo" đang mở đường cho một giai đoạn phát triển có chiều sâu và bền vững. Ảnh: Đông Giang
GS. TS. Vũ Minh Khương

GS. TS. Vũ Minh Khương

Trong những ngày đất nước rợp cờ hoa kỷ niệm 50 năm thống nhất, cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy đang diễn ra mạnh mẽ, ông cảm nhận như thế nào về những đổi thay của nước ta trong thời gian qua?

Sau 50 năm thống nhất, Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc, rất đáng trân trọng, trên mọi phương diện. Tôi xin nhấn mạnh ba điểm sáng đặc biệt. Thứ nhất, đó là tư duy và tâm thế. Người Việt Nam, từ người dân đến lãnh đạo, từ doanh nhân đến công chức đều có một cách nhìn rộng mở về thế giới, không ngại cạnh tranh - hội nhập, lạc quan về tương lai, và chung niềm khát vọng về một Việt Nam hùng cường.

Thứ hai, nền kinh tế đã có mức hội nhập sâu với thế giới, giúp Việt Nam có vị thế cao không chỉ về tiềm năng mà cả thế năng và động năng. Nó giúp Việt Nam có thể tiến rất nhanh trong thời gian tới nếu chúng ta có một chiến lược phát triển quả cảm, mạch lạc với bộ máy công quyền ưu tú và đội ngũ doanh nhân có ý chí vươn lên mạnh mẽ.

Thứ ba, Việt Nam có một đội ngũ lãnh đạo xuất sắc, có tầm nhìn xa, phẩm chất quả cảm hiến dâng và tư duy thực tế. Các cải cách mạnh mẽ và cách mạng về tinh gọn bộ máy cũng như quyết sách điều chỉnh địa giới hành chính trong những ngày này là minh chứng nổi bật.

Sáng 30/4, tại trục đường Lê Duẩn, Quận 1 (TP.HCM), chương trình diễu binh, diễu hành trong Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025) đã diễn ra hoành tráng, ấn tượng với sự tham gia của hơn 13.000 người. Ảnh: Song Lê & Lê Tiên

Sáng 30/4, tại trục đường Lê Duẩn, Quận 1 (TP.HCM), chương trình diễu binh, diễu hành trong Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025) đã diễn ra hoành tráng, ấn tượng với sự tham gia của hơn 13.000 người. Ảnh: Song Lê & Lê Tiên

Việt Nam đang đứng trước một bước ngoặt quan trọng, được kỳ vọng sẽ mở ra kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Theo ông, những yếu tố nào sẽ tạo thuận lợi cho nỗ lực tạo đột phá trong kỷ nguyên mới của nước ta?

Tôi cho rằng, Việt Nam đang bước vào thời điểm “cửa sổ cơ hội” rất hiếm có, khi các yếu tố thuận lợi trong và ngoài nước đang cùng hội tụ.

Về bên ngoài, xu thế chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu, nhu cầu tìm kiếm đối tác đáng tin cậy tại khu vực Đông Nam Á và làn sóng chuyển đổi xanh, chuyển đổi số đang tạo dư địa lớn để Việt Nam thu hút đầu tư chiến lược, công nghệ cao và tri thức toàn cầu. Việc giữ được ổn định chính trị, quan hệ quốc tế hài hòa và cam kết cải cách sâu rộng càng giúp chúng ta nâng cao lợi thế cạnh tranh.

Về nội tại, Việt Nam sở hữu nền tảng ổn định vĩ mô, dân số còn tương đối trẻ, lực lượng lao động đang chuyển đổi nhanh, hạ tầng số ngày càng phát triển và tinh thần đổi mới mạnh mẽ trong cả khu vực công và tư. Sự nhất quán trong định hướng "phát triển dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo" đang mở đường cho một giai đoạn phát triển có chiều sâu và bền vững hơn.

Đặc biệt, sự cộng hưởng giữa xu thế thời đại và ưu thế nổi bật trên các phương diện hợp tác toàn cầu hóa, cách mạng số và AI, phát triển bền vững - năng lượng tái tạo sẽ đem lại sức mạnh chưa từng có, giúp Việt Nam tạo nên bước phát triển thần kỳ.

Bên cạnh thuận lợi, chúng ta đang phải đối mặt với những thách thức nào?

Chúng ta đứng trước những thách thức vô cùng to lớn, nếu không có tay lái vững và sự đồng tâm rất cao thì Việt Nam có nguy cơ kẹt trong bẫy thu nhập trung bình. Thách thức rõ rệt nhất là năng suất lao động của Việt Nam còn rất thấp. Lương của người lao động còn ở mức dưới 500 USD/tháng hay dưới 6.000 USD/năm. Vì vậy, Việt Nam không thể trở thành một quốc gia thu nhập cao trong 20 năm tới nếu không có bước tiến thần kỳ. Một vấn đề nữa là nguồn nhân lực của chúng ta dồi dào nhưng chất lượng còn thấp.

Mặt khác, Việt Nam không còn nhiều thời gian trước khi bước vào giai đoạn dân số già. Khi đó, tỷ lệ người già cao, gánh nặng phúc lợi lớn, nền kinh tế sẽ trở nên kém năng động và tăng trưởng rơi vào tình trạng trì trệ. Nguy cơ già nhưng chưa giàu là hiển hiện.

Bên cạnh đó, chúng ta cần tiếp tục cải thiện những động lực căn bản để nền kinh tế cất cánh. Đó là thể chế quản lý nhà nước, năng lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, sức hấp dẫn toàn cầu của các đô thị lớn như TP.HCM và Hà Nội, năng lực cạnh tranh quốc tế của các doanh nghiệp tư nhân lớn.

Trong khi đó, biến động bên ngoài ngày càng dữ dội và khó lường; cạnh tranh địa chính trị, chủ nghĩa bảo hộ và rủi ro kinh tế toàn cầu gia tăng có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu, đầu tư và ổn định tài chính.

Ảnh: Song Lê & Lê Tiên

Ảnh: Song Lê & Lê Tiên

Theo ông, cần làm gì để chúng ta có thể vượt qua các thách thức nêu trên?

Để vượt qua các thách thức nêu trên, tôi cho rằng cần hoàn chỉnh chỉnh thể đột phá gồm 5 thành phần.

Thứ nhất, thiết lập một tầm nhìn rõ ràng và thôi thúc về tương lai - năm 2045. Tầm nhìn này cần được cụ thể hóa ở các phương diện như nền tảng quản trị, thiết chế quản lý, cùng các chỉ số cốt lõi của phát triển, gồm: năng suất lao động, mức độ hiện đại hóa đô thị và các ngành công nghiệp, vị thế toàn cầu trong đổi mới sáng tạo và các chuỗi giá trị.

Thứ hai, thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu sắc, toàn diện và chủ động. Hội nhập không chỉ dừng ở thu hút FDI để tạo việc làm và đẩy mạnh xuất khẩu như giai đoạn trước, mà là học hỏi tinh hoa quốc tế, phát huy sức mạnh cộng hưởng giữa nguồn lực trong nước và toàn cầu, giữa tiềm năng quốc gia và xu thế thời đại.

Thứ ba, cải cách thể chế và xây dựng một bộ máy công quyền ưu tú, đáp ứng hiệu quả yêu cầu phát triển trong kỷ nguyên mới. Trong nội dung này, cần đặc biệt chuyển mạnh mô hình “quản lý” nặng về quy định thủ tục sang “quản trị”, hướng về mục tiêu đi nhanh tới tầm nhìn tương lai, kiến tạo giá trị, tổng lực vươn lên.

Thứ tư, đầu tư phát triển hạ tầng chiến lược, đặc biệt là hạ tầng năng lượng, giao thông, logistics và hạ tầng số, những nền tảng cho phát triển đồng bộ và bền vững.

Thứ năm, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng kịp thời nhu cầu đổi mới sáng tạo và quá trình nâng cấp nhanh chóng của nền kinh tế.

Việc phối hợp toàn diện 5 ưu tiên nêu trên sẽ giúp các nỗ lực đột phá đạt hiệu lực cao hơn nhiều lần. Đặc biệt, đột phá về tầm nhìn sẽ cung cấp kim chỉ nam định hướng hành động; còn đột phá trong hội nhập quốc tế sẽ tạo ra sức mạnh cộng hưởng to lớn, vượt xa lợi thế từ chi phí thấp, đưa quốc gia đến tầm cao hơn trong vị thế toàn cầu.

Tin cùng chuyên mục