Niềm kiêu hãnh Việt Nam và những kỳ vọng mới

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ngày 30/4/1975 đã đi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi trên hành trình giữ nước và phát triển. Đó không chỉ là ngày đất nước được thống nhất về lãnh thổ, mà còn ghi dấu ấn hội tụ của ý chí quật cường, tinh thần hy sinh và khát vọng hòa bình của cả dân tộc sau hàng chục năm trường kỳ kháng chiến. Kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước là dịp tri ân lịch sử và cùng nhìn về tương lai với khát vọng về một nước Việt Nam phát triển, hùng cường, thịnh vượng.
Sáng 30/4/2025, Lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành cấp quốc gia 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) được tổ chức trọng thể tại tuyến đường Lê Duẩn (Quận 1) và một số tuyến đường trung tâm ở TP.HCM. Ảnh: Song Lê & Lê Tiên
Sáng 30/4/2025, Lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành cấp quốc gia 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) được tổ chức trọng thể tại tuyến đường Lê Duẩn (Quận 1) và một số tuyến đường trung tâm ở TP.HCM. Ảnh: Song Lê & Lê Tiên

Từ di sản lịch sử đến yêu cầu đổi mới lần hai

Nửa thế kỷ sau khoảnh khắc thiêng liêng ấy, Việt Nam đã trải qua một hành trình vĩ đại của tái thiết và phát triển. Từ tro tàn của chiến tranh, đất nước đã vươn mình mạnh mẽ để trở thành nền kinh tế có quy mô đứng thứ 35 thế giới, thuộc nhóm 40 quốc gia có hoạt động thương mại lớn nhất toàn cầu. Từ chỗ bị cô lập, Việt Nam đã vươn lên trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn trong khu vực. Không chỉ là đối tác chiến lược của nhiều cường quốc, Việt Nam còn là một thành viên tích cực và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng

TS. Nguyễn Sĩ Dũng

Tuy vậy, hành trình phát triển chưa bao giờ là bằng phẳng. Bối cảnh hiện nay đã khác xa so với những giai đoạn trước. Mô hình tăng trưởng cũ lộ rõ giới hạn, trong khi thế giới bước vào thời kỳ chuyển đổi nhanh với 3 cuộc cách mạng đồng thời diễn ra: cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số toàn diện và chuyển đổi xanh hướng tới phát triển bền vững.

Trong nước, nền kinh tế dù đạt nhiều thành tựu nhưng đang đối diện với dấu hiệu chững lại. Dù đã có nhiều cải cách, hệ thống thể chế vẫn chưa thực sự trở thành động lực mạnh mẽ cho phát triển. Bộ máy còn phình to, trách nhiệm thiếu rõ ràng, phân cấp - phân quyền chưa thực chất, cơ chế kiểm soát quyền lực còn hạn chế. Việc thực thi chính sách còn yếu kém; nhiều chủ trương đúng nhưng triển khai chậm, hiệu quả thấp. Trong khi đó, kỳ vọng của nhân dân ngày càng cao về một nền quản trị hiện đại, một xã hội công bằng, một đất nước hùng cường.

Thực tiễn đó đòi hỏi một cuộc “Đổi mới lần hai” - không chỉ về kinh tế như năm 1986, mà là đổi mới toàn diện thể chế, mô hình phát triển, bộ máy nhà nước, phương thức lãnh đạo của Đảng và trên hết là tư duy phát triển quốc gia trong kỷ nguyên mới.

Chính trong bối cảnh ấy, Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã đưa ra hàng loạt quyết sách có tính lịch sử. Đây không chỉ là những giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn phát triển hiện tại, mà còn là sự chuyển mình mạnh mẽ trong tư duy, mở ra một chu kỳ phát triển mới với mục tiêu trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao, có vị thế trên trường quốc tế.

Quyết sách lịch sử từ Hội nghị Trung ương 11

Hội nghị Trung ương 11 đưa ra những định hướng chiến lược có ý nghĩa bản lề đối với tương lai đất nước. Những quyết sách được thông qua mang tính lịch sử bởi tính cấp thiết, chiều sâu và sự đổi mới trong tư duy lãnh đạo.

Thứ nhất, Trung ương xác định rõ việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng dựa trên khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn. Đây là bước chuyển từ tăng trưởng theo chiều rộng sang chiều sâu, từ khai thác tài nguyên sang khai thác tri thức.

Thứ hai, cải cách thể chế được nhấn mạnh như một ưu tiên chiến lược, đặt trọng tâm vào tháo gỡ các điểm nghẽn thể chế, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, bảo đảm cạnh tranh công bằng, khơi thông động lực phát triển cho khu vực tư nhân. Tư duy “pháp trị kiến tạo” được đề cao: Nhà nước không chỉ quản lý mà còn là chủ thể kiến tạo và đồng hành cùng doanh nghiệp.

Thứ ba, tổ chức lại bộ máy nhà nước theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả là điểm nhấn then chốt. Hội nghị chủ trương cắt giảm tầng nấc trung gian, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền thực chất gắn với cơ chế kiểm tra, giám sát quyền lực chặt chẽ. Tái cơ cấu chính quyền địa phương theo hướng linh hoạt, phù hợp với đặc thù vùng, miền cũng được đưa ra, nhằm nâng cao hiệu quả quản trị đa tầng.

Thứ tư, giáo dục và phát triển nhân tài được xác định là trụ cột cho phát triển dài hạn. Đầu tư cho con người, khơi dậy khát vọng cống hiến trong đội ngũ cán bộ, công chức, doanh nhân và thế hệ trẻ là điều kiện tiên quyết cho sự thành công của mọi chiến lược.

Thứ năm, Đảng tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo. Từ lãnh đạo trực tiếp, chỉ đạo cụ thể sang lãnh đạo bằng định hướng chiến lược, thể chế hóa và giám sát tổ chức thực hiện - một bước tiến lớn về chất, phù hợp với yêu cầu của thời kỳ phát triển mới.

Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII xác định rõ việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng dựa trên khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn. Ảnh: Nhã Chi

Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII xác định rõ việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng dựa trên khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn. Ảnh: Nhã Chi

Kỳ vọng từ nền móng đổi mới

Những quyết sách tại Hội nghị Trung ương 11 không chỉ là phản ứng trước bối cảnh thực tiễn, mà còn là sự chuẩn bị có tầm nhìn cho một kỷ nguyên phát triển mới - nơi Việt Nam bước vào quỹ đạo tăng trưởng nhanh, bền vững, chất lượng cao.

Một nhà nước tinh gọn và kiến tạo là kỳ vọng đầu tiên. Khi bộ máy giảm về số lượng, tăng về hiệu quả, chuyển từ tư duy quản lý sang tư duy phục vụ thì niềm tin xã hội được phục hồi và nguồn lực phát triển sẽ được khơi dậy mạnh mẽ.

Một nền kinh tế sáng tạo, xanh và hội nhập là kỳ vọng thứ hai. Việt Nam không chỉ là công xưởng, mà sẽ trở thành trung tâm đổi mới, nơi khơi nguồn ý tưởng và dẫn dắt xu thế. Kỳ vọng được đặt vào một thế hệ doanh nghiệp mới vừa có năng lực toàn cầu, vừa gắn bó sâu sắc với lợi ích dân tộc.

Một xã hội nhân văn, phát triển toàn diện con người là kỳ vọng thứ ba. Giáo dục sáng tạo, y tế nhân ái, môi trường sống an toàn, giá trị văn hóa truyền thống được phát huy là nền tảng cho một quốc gia giàu mạnh, văn minh và hạnh phúc.

Một quốc gia có tiếng nói và vai trò trên trường quốc tế là kỳ vọng lớn lao. Khi Việt Nam hội nhập chủ động, ứng xử khôn ngoan, giữ vững bản sắc và biết phát huy lợi thế địa - chính trị thành lợi thế chiến lược, đất nước sẽ khẳng định vị thế là đối tác tin cậy, thành viên tích cực và quốc gia có trách nhiệm trên trường quốc tế.

Khát vọng vươn mình từ di sản hào hùng

Chiến thắng 30/4/1975 không chỉ là dấu mốc thống nhất đất nước, mà còn là biểu tượng của ý chí quật cường, khát vọng hòa bình và phát triển. Di sản hào hùng ấy tiếp tục soi đường cho hành trình kiến tạo tương lai.

Hôm nay, khát vọng phát triển quốc gia được đặt ở tầm cao mới, không chỉ là giàu mạnh về kinh tế, mà còn là dân chủ về thể chế, công bằng về xã hội, khai phóng về con người, tự cường về quốc phòng và hội nhập về ngoại giao.

Hội nghị Trung ương 11 chính là bước khởi đầu cho hành trình ấy, bước khởi đầu của cuộc đổi mới lần hai, toàn diện và sâu sắc hơn. Đó là lời hứa với tương lai, là niềm tin vào sức mạnh dân tộc, là động lực để Việt Nam vươn cao và vươn xa.

50 năm ngày thống nhất đất nước không chỉ là dịp tri ân lịch sử, mà còn là thời khắc khơi dậy ý chí kiến tạo tương lai. Trên nền tảng di sản hào hùng và cảm hứng đổi mới, toàn dân tộc có quyền kỳ vọng vào một kỷ nguyên phát triển rực rỡ - nơi Việt Nam không chỉ vươn lên, mà còn vươn xa và vươn cao với niềm kiêu hãnh và tự hào.

Tin cùng chuyên mục