Nhiều doanh nghiệp niêm yết đang hướng đến mục tiêu thu hút dòng vốn ngoại trên thị trường chứng khoán. Ảnh: Nhã Chi |
Không bỏ lỡ cơ hội, nhiều doanh nghiệp niêm yết đang lên phương án tăng vốn thông qua phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiệu hữu, cổ phiếu ưu đãi cho người lao động, chào bán cổ phiếu riêng lẻ… để chuẩn bị cho những kế hoạch đầu tư, kinh doanh sắp tới.
Tăng vốn khủng qua phát hành cổ phiếu
Một trong những nội dung quan trọng đã được HĐQT Công ty CP Nhựa và Môi trường Xanh An Phát thông qua tại ĐHĐCĐ vừa qua là phương án tăng vốn điều lệ từ gần 836 tỷ đồng lên 1.711 tỷ đồng. Theo đó, Công ty sẽ phát hành gần 83,6 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá bán là 14.000 đồng/CP. Ngoài ra, Công ty cũng thông qua phương án phát hành 4 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP). Nguồn vốn huy động được sẽ phục vụ đầu tư Dự án Nhà máy Sản xuất bao bì màng phức hợp và đầu tư nâng vốn sở hữu tại Công ty CP Khu công nghiệp Kỹ thuật cao An Phát để đầu tư Dự án Xây dựng tổ hợp nhựa kỹ thuật cao tại Khu công nghiệp Kenmark, Hải Dương.
Những trường hợp như Công ty Nhựa và Môi trường Xanh An Phát không phải là cá biệt, bởi nhiều doanh nghiệp niêm yết khác cũng đang có kế hoạch tăng vốn trong năm 2018.
Theo tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2018, Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG sẽ phát hành 25 triệu cổ phần thông qua hình thức trả cổ tức, ESOP, chào bán cho cổ đông hiện hữu và cổ đông chiến lược. Cụ thể, Công ty sẽ phát hành hơn 8 triệu cổ phần để trả cổ tức, tỷ lệ 10:2; phát hành hơn 2 triệu cổ phần ESOP; chào bán tối đa hơn 5 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu; phát hành tối đa 10 triệu cổ phần cho đối tác chiến lược. Giá phát hành được ủy quyền cho HĐQT quyết định và không thấp hơn 10.000 đồng/CP.
Với số tiền dự kiến thu được, TNG dự kiến sử dụng để bổ sung vốn lưu động phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh doanh nghiệp, ngành ngân hàng cũng chứng kiến làn sóng tăng vốn mạnh trong năm nay. ĐHĐCĐ Techcombank đã thông qua việc phát hành, bán cổ phiếu ESOP từ nguồn cổ phiếu quỹ với tối đa là 1,76% vốn điều lệ của Ngân hàng, tương đương khoảng gần 17,5 triệu cổ phiếu. Giá bán dự kiến là 10.000 đồng/CP. Đồng thời, Techcombank dự kiến bán tối đa hơn 158,8 triệu cổ phiếu quỹ đang nắm giữ cho nhà đầu tư nước ngoài với giá bán không thấp hơn 23.445 đồng/CP. Một trường hợp khác là VPBank, ngân hàng này dự định tăng vốn từ 15.706 tỷ đồng lên 27.799 tỷ đồng bằng chia cổ tức, thưởng cổ phần, ESOP, phát hành riêng lẻ.
Thời điểm thuận lợi
Theo ông Lê Đức Khánh, Kinh tế trưởng Trung tâm Phân tích thuộc Công ty Chứng khoán Dầu khí, đây là thời điểm tương đối thuận lợi cho các doanh nghiệp đang niêm yết huy động vốn bằng phát hành thêm cổ phiếu. Thị trường chứng khoán tiếp tục tăng trưởng mạnh và thanh khoản mỗi phiên giao dịch tăng vọt so với các năm trước. Ngoài ra, các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô đầu năm khả quan (GDP quý I/2018 trên 7%) và tiếp tục được dự báo tăng trưởng cao với mức lạm phát được kiểm soát dưới 4%.
Tuy nhiên, việc huy động thành công còn phụ thuộc vào bản chất của doanh nghiệp có hấp dẫn nhà đầu tư hay không về góc độ chỉ tiêu tài chính, tiềm năng tăng trưởng, giá phát hành.
Nhiều chuyên gia đánh giá, động thái tăng vốn thông qua thị trường chứng khoán của các doanh nghiệp là một tín hiệu tốt. Điều này cho thấy nhiều doanh nghiệp đang muốn mở rộng quy mô kinh doanh trong các năm tới. Đồng thời, huy động vốn từ thị trường chứng khoán sẽ giúp doanh nghiệp giảm sự phụ thuộc vào kênh tín dụng. Thay vào đó, một số doanh nghiệp đã bắt đầu nhắm đến mục tiêu thu hút dòng vốn từ các quỹ đầu tư ngoại.
Tuy nhiên, để bảo đảm giá trị cổ phiếu, các doanh nghiệp cũng đứng trước áp lực tăng trưởng lợi nhuận phải tỷ lệ thuận với tốc độ tăng vốn. Điều này buộc các công ty niêm yết sẽ phải thay đổi hơn nữa trong tư duy quản trị, kinh doanh nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động cũng như vị thế của doanh nghiệp trên thị trường.