Sau khi Luật PPP có hiệu lực, nhiều dự án hạ tầng giao thông lớn đang được xúc tiến, chuẩn bị đầu tư theo phương thức này. Ảnh: Tường Lâm |
Nhiều nguyên nhân trầm lắng
Tại kỳ họp Quốc hội vừa diễn ra, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, trước năm 2015, chúng ta làm BOT rất sôi nổi, nhưng chính vì làm nhiều nên có một số bất cập xảy ra. Sau khi có Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 và sau đó là Luật PPP, chỉ được đầu tư PPP trên các tuyến đường mới, tuyến song hành. Cải tạo đường cũ khó khăn, làm tuyến đường mới càng khó khăn hơn, chi phí rất lớn nhưng thu phí BOT hiện nay còn ở mức thấp. Đây là một nguyên nhân chính khiến chưa thu hút được nhiều dự án BOT ở cấp địa phương hoặc các quốc lộ.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), ngay sau khi Luật PPP có hiệu lực, nền kinh tế đương đầu với dịch Covid-19, việc huy động vốn từ khu vực tư nhân khó khăn. Bên cạnh đó, việc chuyển một số dự án sang đầu tư công thời gian qua không vì PPP không tốt, mà trong bối cảnh cần kích hoạt nhanh chóng nền kinh tế thì đầu tư công luôn là giải pháp kinh điển và có hiệu quả. Ông Lộc cho rằng, PPP vẫn là giải pháp hiệu quả để thu hút nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông và Luật PPP được kỳ vọng sẽ tháo gỡ nhiều vướng mắc, tạo niềm tin cho nhà đầu tư, thúc đẩy đối tác công tư bền vững.
Luật PPP mới có hiệu lực hơn một năm, trong khi thời gian chuẩn bị dự án PPP giao thông dài, phức tạp, vì thế sẽ cần thêm thời gian để nhìn thấy hiệu quả thực tiễn. Trên thực tế, sau khi Luật PPP có hiệu lực, nhiều dự án hạ tầng giao thông lớn đang được xúc tiến, chuẩn bị đầu tư theo phương thức này. Mới đây nhất, tại Kỳ họp thứ 3 vừa diễn ra, đường Vành đai 4 thủ đô Hà Nội cũng được Quốc hội quyết định đầu tư PPP đối với dự án thành phần 3 và thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư tiềm năng…
Luật PPP là chưa đủ
GS. Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam chia sẻ, sự bất bình đẳng giữa Nhà nước và nhà đầu tư trong hợp đồng PPP cũng là một trở ngại. Trong khi cơ quan nhà nước yêu cầu nhà đầu tư phải thực hiện nhiều cam kết, nếu không thực hiện đúng sẽ bị xử lý vi phạm nhưng cơ quan nhà nước không thực hiện đúng cam kết thì không có chế tài xử lý. Hậu quả để lại là nhà đầu tư nản chí, không hào hứng với các dự án BOT.
Ví von “con gà rán rất ngon, nhưng tay bị trói thì ăn sao được”, GS. Trần Chủng cho rằng, Luật PPP mở ra cơ hội mới trong thu hút đầu tư tư nhân vào hạ tầng, nhưng nhiều điều kiện liên quan khác cũng cần phải mở. Ví dụ như quy định liên quan cơ chế tài chính; các kênh huy động vốn của nhà đầu tư khó khăn; bài toán “nghịch” giữa trả lãi vay và doanh thu các dự án BOT giao thông; chưa đa dạng hóa các loại hợp đồng theo phương thức PPP; định mức đơn giá chưa khuyến khích nhà đầu tư đổi mới công nghệ; công tác giải phóng mặt bằng...
Ông Chủng cũng nhấn mạnh, suy nghĩ và hành động của các bên trong phương thức PPP phải chuẩn mực, theo đúng tinh thần bản chất của các dự án đối tác công tư. Những mong muốn này phải được thể hiện ngay trong hợp đồng PPP, bởi trong nền kinh tế thị trường, hợp đồng kinh tế là văn bản pháp lý cao nhất để xử lý các tranh chấp.
Theo bà Vũ Quỳnh Lê, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, PPP không phải đầu tư tư nhân, mà là quan hệ đối tác công tư, vừa cần bảo đảm tính giải trình, tương đối “khắt khe” như đầu tư công, vừa cần đủ “không khí để nhà đầu tư thở, lớn lên”. Cần sự hài hòa để có được hoạt động đầu tư hiệu quả, mang lại lợi ích cho tất cả các bên trong mối quan hệ đó.
Theo Nghị định số 35/2021/NĐ-CP, các bộ, cơ quan ngang bộ chịu trách nhiệm chủ trì hướng dẫn chi tiết các nội dung trong hoạt động đầu tư theo phương thức PPP thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành mình. Chỉ thị 30/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì hướng dẫn chi tiết các nội dung trong hoạt động đầu tư theo phương thức PPP thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành mình. Trong đó, theo bà Vũ Quỳnh Lê, việc ban hành hướng dẫn hợp đồng, mẫu hợp đồng trong từng lĩnh vực sẽ giúp triển khai các dự án PPP nhanh, hiệu quả, thuận lợi hơn.