Một số ý kiến đề xuất nên tổ chức thí điểm phương pháp mua sắm thiết bị y tế theo giá trị để từ đó có thêm căn cứ xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật, phân loại bệnh viện, chọn lọc phương pháp hiệu quả hơn Ảnh minh họa: Lê Tiên |
Về nguyên tắc, phương pháp mua sắm TTBYT theo giá trị sẽ giúp tiếp cận các sản phẩm có chất lượng, giá trị, thay vì chấp nhận giá rẻ để nhận về sản phẩm kém chất lượng. Ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc điều hành khu vực kiêm Trưởng đại diện tại Việt Nam Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) cho rằng, trong điều kiện nguồn lực có hạn, Chính phủ cần tính toán hài hòa các mục tiêu để vừa nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ kỹ thuật tiên tiến, hiện đại cho người bệnh, vừa tạo ra thị trường có quy mô lớn, hấp dẫn nhà cung cấp, đồng thời thúc đẩy được ngành chăm sóc y tế phát triển.
Tại nước ta, Luật Đấu thầu 2023 có Điều 55 quy định về việc lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế. Theo đó, việc áp dụng mô hình “máy đặt, máy mượn” sẽ chỉ kéo dài đến ngày 01/01/2029. Việc lựa chọn nhà thầu cung cấp hóa chất, vật tư xét nghiệm, TBYT theo Luật Đấu thầu 2023 còn được triển khai đấu thầu theo số lượng, chất lượng dịch vụ kỹ thuật, tức là tính theo hiệu quả đầu ra.
Phương pháp này được thực hiện ở nhiều quốc gia và đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị áp dụng.
Liên quan đến việc lập giá kế hoạch, ông Hoàng Cương, Trưởng phòng Chính sách, Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, việc lập giá kế hoạch theo báo giá hay giá trúng thầu trung bình, giá cao nhất… không quá quan trọng, bởi đây chỉ là dự trù kinh phí mua sắm. Nếu giá kế hoạch không phản ánh đúng giá thị trường thì chắc chắn nhà thầu sẽ không tham gia, bởi đấu thầu chính là để tôn trọng quy luật thị trường. Cũng theo ông Cương, quan trọng nhất vẫn là quy trình đấu thầu có đảm bảo tính cạnh tranh hay không, điều này phụ thuộc nhiều vào yếu tố con người - người thực thi. “Để mua được hàng hóa tốt, thay vì mua con dao rạch 3 lần mới qua da, trước tiên phải làm rõ việc cơ sở y tế có thực sự muốn mua hàng tốt không, thứ hai, có đủ tiền để mua hàng tốt không và ba là có biết cách mua sắm không?”, ông Hoàng Cương nói.
Để triển khai Luật Đấu thầu năm 2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang hoàn thiện Dự thảo Nghị định hướng dẫn, dự kiến trình Chính phủ cuối tháng 10, đầu tháng 11/2023. Để hỗ trợ phương pháp mua sắm TBYT theo giá trị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về xếp loại uy tín nhà thầu theo kết quả thực hiện hợp đồng đã ký kết, thực hiện trách nhiệm bảo hành. Đồng thời, hình thành cơ sở dữ liệu về đánh giá chất lượng hàng hóa theo các tiêu chí như: hiệu suất, tính năng, độ tin cậy, độ bền, sự phù hợp với yêu cầu sử dụng, khả năng vận hành và bảo hành sản phẩm, dịch vụ của nhà cung cấp, tính thẩm mỹ; tính lâu dài và bền vững của hàng hóa... Hàng năm, Hội đồng khoa học của các bệnh viện có trách nhiệm đánh giá và chủ đầu tư có trách nhiệm cập nhật kết quả đánh giá lên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia…
Tuy nhiên để Luật đi vào cuộc sống, bên cạnh nỗ lực của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Y tế cũng cần khẩn trương xây dựng các thông tư liên quan đến đấu thầu thuốc, vật tư, thiết bị y tế. Trong đó, cần đưa ra các định nghĩa cụ thể về “thiết bị y tế”, “vật tư y tế”; phân nhóm tiêu chí kỹ thuật của các mặt hàng TBYT…
Liên quan đến phương pháp mua sắm dựa trên giá trị, ông Trần Quang Độ - Trưởng phòng Vật tư, TBYT Bệnh viện Bạch Mai đề xuất, trước mắt nên tổ chức thí điểm ở một số cơ sở y tế. Từ kết quả thí điểm, Bộ Y tế sẽ xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật, phân loại bệnh viện, chọn lọc phương pháp, hướng đến việc áp dụng phương pháp tiên tiến hơn, hiệu quả hơn vào thực tiễn.