Cơ chế nào gỡ khó cho các dự án BOT giao thông?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo thống kê của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), cả nước có 140 dự án BOT giao thông triển khai trước thời điểm Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) được ban hành, trong đó có 66 dự án nằm trong diện quản lý của Bộ GTVT, 74 dự án do địa phương quản lý. Dự kiến cuối tháng 5/2024, Bộ GTVT sẽ trình Chính phủ Đề án xử lý khó khăn, vướng mắc cho dự án BOT giao thông.
Trong số 66 dự án BOT giao thông do Bộ Giao thông vận tải quản lý, có 19 dự án đạt doanh thu tài chính từ 30 - 70% so với dự kiến, 4 dự án đạt dưới 30%. Ảnh: Lê Tiên
Trong số 66 dự án BOT giao thông do Bộ Giao thông vận tải quản lý, có 19 dự án đạt doanh thu tài chính từ 30 - 70% so với dự kiến, 4 dự án đạt dưới 30%. Ảnh: Lê Tiên

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Uông Việt Dũng, Chánh văn phòng Bộ GTVT cho biết, các khó khăn phát sinh ở một số dự án BOT chủ yếu tập trung ở trạm thu phí (trạm thu phí nằm ngoài phạm vi dự án, giảm số trạm thu phí so với hợp đồng ký kết, do điều chỉnh quy hoạch nên không thể thu phí) và sụt giảm doanh thu do nhiều tuyến đường mới được xây dựng song hành nên bị sụt giảm lưu lượng, tốc độ phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực dự án không đạt như dự báo ban đầu, không được tăng phí dịch vụ như hợp đồng đã ký vì chính sách điều tiết của Nhà nước, chính sách miễn giảm cho một số đối tượng…

Kết quả rà soát của Bộ GTVT cho thấy, trong số 66 dự án do Bộ quản lý, có 19 dự án đạt doanh thu tài chính từ 30 - 70% so với dự kiến, 4 dự án đạt dưới 30%. Để giải quyết khó khăn cho một số dự án BOT, cuối tháng 12/2023, Bộ GTVT đã cho phép điều chỉnh mức chi phí dịch vụ theo hợp đồng đối với một số dự án. Tuy nhiên, ở một số dự án BOT, doanh thu thực tế tại các trạm thu phí sụt giảm nghiêm trọng, nên chủ đầu tư bị vỡ phương án tài chính, không còn có khả năng điều chỉnh kéo dài thời gian thu phí để hoàn vốn.

Cũng theo ông Uông Việt Dũng, ngoài 8 dự án BOT do Bộ GTVT quản lý bị vỡ phương án tài chính, 3 dự án BOT giao thông do địa phương quản lý cũng nằm trong tình cảnh tương tự. Đó là: Dự án BOT đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn đoạn Km45+100 - Km108+500, kết hợp tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 đoạn Km1+800 - Km106+500 (do UBND tỉnh Lạng Sơn quản lý); Dự án BOT xây dựng cầu An Hải (do UBND tỉnh Phú Yên quản lý); Dự án BOT cải tạo Quốc lộ 39B (do UBND tỉnh Thái Bình quản lý). Việc tháo gỡ khó khăn cho các dự án BOT bị vướng mắc bởi những yếu tố khách quan là vì lúc triển khai dự án, khung pháp lý chưa được ban hành đầy đủ, chặt chẽ và Nhà nước chưa có tiền lệ tháo gỡ khó khăn cho dự án BOT cụ thể nào. Hiện nay, Bộ GTVT đang nỗ lực hoàn thiện và trình Chính phủ Đề án xử lý khó khăn, vướng mắc dự án BOT giao thông vào cuối tháng 5/2024. Đây được kỳ vọng là cơ chế chung để tháo gỡ khó khăn cho các dự án BOT bị ảnh hưởng vì lý do khách quan.

Doanh thu thực tế của Dự án BOT đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn chỉ đạt khoảng 30 tỷ đồng/tháng, tương đương 32% phương án tài chính. Ảnh: Trường Sơn

Doanh thu thực tế của Dự án BOT đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn chỉ đạt khoảng 30 tỷ đồng/tháng, tương đương 32% phương án tài chính. Ảnh: Trường Sơn

Chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu, Lãnh đạo Công ty BOT Bắc Giang - Lạng Sơn (doanh nghiệp dự án BOT đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn) cho biết, Dự án có tổng mức đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng, chi phí thực hiện bao gồm nguồn vốn của nhà đầu tư và vốn huy động tín dụng từ ngân hàng. Quá trình thực hiện và vận hành Dự án có một số thay đổi như giảm 1 trạm thu phí, miễn giảm một số đối tượng thu phí, tăng trưởng lưu lượng xe thấp hơn dự báo ban đầu…, khiến phương án tài chính bị ảnh hưởng. Doanh thu thực tế của Dự án chỉ đạt khoảng 30 tỷ đồng/tháng (tương đương 32% phương án tài chính ban đầu), dẫn đến thâm hụt dòng tiền hoàn vốn, không đủ chi trả gốc và lãi phát sinh đối với ngân hàng cho vay vốn.

Đối với Dự án BOT cải tạo đường Quốc lộ 39B (Thái Bình), lãnh đạo Công ty CP Tasco Nam Thái (doanh nghiệp dự án) cho biết, việc thu phí hoàn vốn vô cùng khó khăn vì người dân liên tục phản đối, nhà đầu tư không được thu phí theo đúng hợp đồng đã ký, doanh thu tại trạm thu phí chỉ khoảng 15 triệu đồng/ngày. Mỗi ngày có khoảng 7.000 lượt xe qua lại, phần lớn là của người dân ở huyện Tiền Hải và huyện Kiến Xương của tỉnh Thái Bình. Doanh nghiệp dự án phải miễn phí cho các đối tượng này, dẫn đến tình trạng vỡ phương án tài chính, Nhà đầu tư lâm vào cảnh nợ nần, không có cách gì để bù đắp được chi phí đã đầu tư.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Uông Việt Dũng khẳng định, quan điểm của Bộ GTVT khi xây dựng và trình Chính phủ Đề án là chỉ xử lý vướng mắc tài chính cho các dự án BOT bị ảnh hưởng bởi các nhân tố khách quan nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng cho nhà đầu tư. Đề án là khung chính sách chung và việc dự án BOT vướng mắc ở cấp nào sẽ do cấp đó xử lý. Tức là Bộ GTVT sẽ đề xuất tháo gỡ các dự án BOT do Bộ quản lý, địa phương đề xuất tháo gỡ cho dự án do địa phương quản lý.

Ngày 22/5/2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã có văn bản gửi Bộ GTVT nhằm góp ý hoàn thiện Đề án xử lý khó khăn, vướng mắc dự án BOT giao thông. Theo đó, Bộ KH&ĐT đề nghị Đề án cần đánh giá toàn diện các dự án BOT giao thông và có định hướng giải pháp xử lý cụ thể đối với cả dự án do Bộ GTVT quản lý và địa phương quản lý; đồng thời đánh giá toàn diện nguyên nhân khách quan, chủ quan, làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan, quyền, nghĩa vụ và lợi ích các bên.

Đối với đề xuất của Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội xem xét quyết định việc sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2023 như là một cơ chế, chính sách đặc thù để triển khai thực hiện, Bộ KH&ĐT cho biết, hiện nguồn vốn tăng thu ngân sách trung ương năm 2023 đã được dự kiến phân bổ hết, đang trong quá trình báo cáo cấp có thẩm quyền nên kiến nghị này của Bộ GTVT là không phù hợp ở thời điểm hiện nay.

Bộ KH&ĐT lưu ý, do các kiến nghị xử lý 8 dự án giao thông của Bộ GTVT hiện khác với quy định pháp luật hiện hành về PPP, đầu tư công, ngân sách nhà nước nên phải trình Quốc hội ban hành một Nghị quyết riêng (gắn với danh mục từng dự án cụ thể) để thí điểm một số chính sách mới thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội nhưng chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với quy định của luật hiện hành.

Tin cùng chuyên mục