Tổng cục Hải quan (Ảnh: hanoi.gov.vn) |
Theo đó, biên chế của Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan từ năm 2016 trở đi ổn định theo chỉ tiêu biên chế được cấp thẩm quyền giao đến tháng 3 năm 2015. Trên cơ sở đó, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan sắp xếp, bố trí sử dụng hợp lý số biên chế được giao theo Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Trong trường hợp đặc biệt, khi Chính phủ giao thêm chức năng, nhiệm vụ mới hoặc Nhà nước có quy định chia tách địa giới hành chính phải thành lập bổ sung các Cục, Chi cục Thuế, Hải quan, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Ngoài số biên chế được giao, đối với công việc không quy định phải do công chức thực hiện, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan được thực hiện ký hợp đồng thuê khoán công việc và hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật.
Nguồn kinh phí bảo đảm hoạt động
Kinh phí bảo đảm hoạt động của Tổng cục Thuế theo mức ổn định là 1,8% trên dự toán thu ngân sách nhà nước hàng năm do Quốc hội, Chính phủ giao Tổng cục Thuế thực hiện và được tổng hợp trong dự toán thu - chi ngân sách nhà nước hàng năm của Bộ Tài chính trình Chính phủ, Quốc hội quyết định.
Kinh phí bảo đảm hoạt động của Tổng cục Hải Quan theo mức ổn định là 2,1% trên dự toán thu ngân sách nhà nước hàng năm do Quốc hội, Chính phủ giao Tổng cục Hải quan thực hiện và được tổng hợp trong dự toán thu - chi ngân sách nhà nước hàng năm của Bộ Tài chính trình Chính phủ, Quốc hội quyết định.
Ngoài mức kinh phí được giao trên, hàng năm, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan còn được sử dụng các nguồn kinh phí khác như: Kinh phí ngân sách nhà nước giao thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ; kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức theo chương trình của Nhà nước; phí và lệ phí được phép để tại theo quy định...
Chi hoạt động thường xuyên tối đa 65% tổng dự toán chi
Nguồn kinh phí trên được phân bổ và giao dự toán cho Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan bảo đảm: Chi đầu tư xây dựng tối thiểu 10%, chi mua sắm hiện đại hóa trang thiết bị tối thiểu 25% và chi hoạt động thường xuyên tối đa 65% trên tổng dự toán chi được giao.
Các nội dung chi thực hiện theo chế độ, tiêu chuẩn, mức chi đã được cơ quan có thẩm quyền ban hành. Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt, ban hành các khoản chi đặc thù trên cơ sở vận dụng các tiêu chuẩn, mức chi quy định hiện hành, phù hợp tình hình cụ thể và khả năng nguồn kinh phí.
Mức chi tiền lương, tiền công đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động bình quân của Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan áp dụng không vượt quá 1,8 lần và chi bổ sung thu nhập từ nguồn kinh phí tiết kiệm chi thường xuyên không vượt quá 0,2 lần so với mức lương đối với cán bộ, công chức, viên chức do Nhà nước quy định; tiền lương tăng thêm và bổ sung thu nhập không bao gồm phụ cấp công vụ, phụ cấp làm đêm, làm thêm giờ.
Sử dụng kinh phí tiết kiệm
Hàng năm, số kinh phí tiết kiệm từ chi hoạt động thường xuyên Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan được sử dụng để bố trí cho các công trình đầu tư xây dựng và mua sắm trang thiết bị hiện đại hóa trong trường hợp cần thiết cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở vật chất và hiện đại hóa ngành trong khi nguồn kinh phí theo quy định chưa đáp ứng được.
Đồng thời, bổ sung thêm thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động bình quân toàn Tổng cục tối đa 0,2 lần mức lương đối với cán bộ, công chức viên chức do Nhà nước quy định (lương ngạch, bậc, chức vụ và các khoản phụ cấp; trừ phụ cấp công vụ, phụ cấp làm đêm, làm thêm giờ).
Số kinh phí tiết kiệm còn được sử dụng để chi khen thưởng cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan có thành tích đóng góp hỗ trợ cho hoạt động quản lý thuế, hải quan; chi phúc lợi tập thể. Mức chi khen thưởng, phúc lợi trong Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan tối đa không quá 3 tháng tiền lương, tiền công và thu nhập thực tế thực hiện trong năm.
Số kinh phí còn lại sau khi đã sử dụng cho các nội dung chi nêu trên, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan được chuyển sang năm sau tiếp tục sử dụng.