Cổ đông CTI ngậm ngùi nhìn “miếng bánh” bị chia nhỏ

(BĐT) - Tiền thân của Công ty CP Đầu tư Phát triển Cường Thuận Idico (mã chứng khoán CTI) là một đơn vị thi công xây lắp công trình dân dụng và công nghiệp có vốn điều lệ 4 tỷ đồng. Tuy nhiên chỉ sau 17 năm hoạt động, Cường Thuận hiện quản lý khối tài sản khổng lồ khoảng 3.858 tỷ đồng. 
18 triệu cổ phiếu CTI sẽ được bán cho nhà đầu tư chiến lược với mức giá không thấp hơn 22.000 đồng (giá trị hợp lý của CTI được xác định là 36.000 đồng). Ảnh: Huyền Trang
18 triệu cổ phiếu CTI sẽ được bán cho nhà đầu tư chiến lược với mức giá không thấp hơn 22.000 đồng (giá trị hợp lý của CTI được xác định là 36.000 đồng). Ảnh: Huyền Trang

Theo kế hoạch, Công ty sẽ tiếp tục tăng vốn điều lệ lên 629,99 tỷ đồng trong năm 2017 qua việc phát hành riêng lẻ cho cổ đông chiến lược và ESOP cho cán bộ công nhân viên.

Quản lý, vận hành 3 dự án BOT với tổng mức đầu tư 3.585 tỷ đồng

Thông qua 3 công ty con, Cường Thuận đang vận hành 3 dự án gồm BOT tỉnh lộ 16 (85 tỷ đồng); BOT đoạn tránh Quốc lộ 1A qua Biên Hòa (1.500 tỷ đồng) và BOT Quốc lộ 91-91B (2.000 tỷ đồng). Các dự án đều nằm trên các tuyến đường huyết mạch, được hưởng lợi từ lưu lượng xe lớn và tăng trưởng qua hàng năm.

Bên cạnh đó, Công ty hiện đang sở hữu 4 mỏ đá xây dựng với trữ lượng còn lại theo công bố là 28 triệu m3 với thời gian khai thác đến năm 2030. Tuy nhiên sản lượng khai thác bình quân của các mỏ là tương đối thấp, chỉ 500.000 m3/năm và chủ yếu là phục vụ cho hoạt động thi công xây lắp của Cường Thuận.

Sự phát triển của các khu công nghiệp (Long Thành, Long Đức, Tín Nghĩa…) đã giúp cho lưu lượng xe qua trạm BOT được ổn định và gia tăng. Nhờ đó, kết quả kinh doanh của Cường Thuận được cải thiện mạnh. Theo đó, doanh thu năm 2016 đạt 1.062 tỷ đồng, tăng 28,05% so với 2015 và gấp 2,71 lần so với doanh thu năm 2014. Lợi nhuận sau thuế năm 2016 đạt 122 tỷ đồng, ghi nhận mức cao nhất từ khi hoạt động.

Tại thời điểm 31/12/2016, tổng tài sản của Cường Thuận đạt 3.858 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2015. Tiền và tương đương tiền tăng thêm 143 tỷ đồng và việc kết chuyển Dự án BOT Quốc lộ 91 - 91B vào tài sản cố định trong quý 4/2016 là những nguyên nhân chính khiến tổng tài sản của Công ty tăng mạnh.

Với sự ổn định về dòng tiền, ĐHĐCĐ thường niên năm 2017 đã quyết định tăng vốn điều lệ thêm 200 tỷ đồng để tiếp tục đầu tư các dự án bất động sản và BOT khác. Như vậy, chỉ trong vòng 9 tháng Cường Thuận đã tăng vốn gần gấp 2 lần đều qua phương thức phát hành riêng lẻ. 

Lợi ích cổ đông hiện hữu sẽ bị sụt giảm

Ngày 28/3/2017, HĐQT Công ty đã thông qua Nghị quyết số 03/2017/NQ-HĐQT về việc phát hành cổ phần riêng lẻ cho 14 nhà đầu tư tăng vốn từ  429.999.970.000 đồng lên 609.999.970.000 đồng, trong đó có 4 tổ chức là các quỹ đầu tư gồm VOF, PYN ELITE Fund (Non-UCITS), Dragon Capital và Kingsmead Vietnam and Indochina Growth Master Fund; còn lại là 10 nhà đầu tư cá nhân. Số tiền dự kiến thu hồi từ đợt phát hành là 396 tỷ đồng sẽ được đầu tư vào các dự án BT đường vành đai quanh hồ Trị An (24 tỷ); Nhà ở xã hội tại Tam Hòa (97,5 tỷ); 3 mỏ đá Tân Cang 8, Xuân Hòa và Đồi Chùa 3 (100 tỷ); 174,5 tỷ còn lại sẽ được sử dụng để cơ cấu nợ ngắn hạn và khai thác các dự án còn lại.
Theo nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên, Cường Thuận sẽ phát hành 2 triệu cổ phiếu ESOP cho cán bộ công nhân viên với mức giá phát hành 15.000 đồng/CP, hạn chế giao dịch trong vòng 3 năm và phát hành 18 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược với các tiêu chí xác định khá lỏng lẻo và mức giá không thấp hơn 22.000 đồng hạn chế giao dịch trong vòng 1 năm.

Với hình thức phát hành tăng vốn như thế này, lợi ích cổ đông hiện hữu của Cường Thuận sẽ bị sụt giảm đáng kể. Miếng bánh lợi nhuận sẽ bị chia nhỏ hơn. Nếu hai đợt phát hành thành công thì lợi ích của cổ đông hiện hữu sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp. Chỉ số EPS cơ bản năm 2016 bị pha loãng từ 2.842 đồng/CP xuống chỉ còn 2.313 đồng/CP. Tương tự, EPS dự kiến năm 2017 cũng giảm từ 3.390 đồng xuống chỉ còn 2.693 đồng/CP.

Mức giá chào bán cho đối tác chiến lược và ESOP thấp hơn nhiều so với thị giá của cổ phiếu CTI hay giá trị tài sản mà Công ty đang sở hữu. Dựa trên báo cáo định giá doanh nghiệp do Công ty Chứng khoán Rồng Việt phát hành thời điểm cuối năm 2016, giá trị hợp lý của CTI được xác định là 36.000 đồng.

Câu hỏi đặt ra ở đây là vì lý do gì Cường Thuận không thực hiện phát hành quyền mua cổ phần hoặc chi trả cổ tức bằng cổ phần cho chính các cổ đông hiện hữu để tăng vốn, mà phải thông qua việc phát hành riêng lẻ cho những cổ đông bên ngoài?

Tin cùng chuyên mục