Cổ phiếu nhỏ lại tím ngắt, VIC tăng kịch trần

0:00 / 0:00
0:00
Nhóm blue-chips mạnh lên không rõ rệt trong phiên chiều nay, nhưng VIC cực mạnh và tăng tới giá trần. Cảm hứng từ VIC kéo theo hàng chục cổ phiếu bất động sản nhỏ cũng tăng trần. Đà tăng lan tỏa ra nhóm vốn hóa nhỏ và HoSE kết phiên với 40 mã tăng hết biên độ...
Cổ phiếu nhỏ trong nhóm bất động sản, chứng khoán tăng rực rỡ.
Cổ phiếu nhỏ trong nhóm bất động sản, chứng khoán tăng rực rỡ.

Nhóm blue-chips mạnh lên không rõ rệt trong phiên chiều nay, nhưng VIC cực mạnh và tăng tới giá trần. Cảm hứng từ VIC kéo theo hàng chục cổ phiếu bất động sản nhỏ cũng tăng trần. Đà tăng lan tỏa ra nhóm vốn hóa nhỏ và HoSE kết phiên với 40 mã tăng hết biên độ.

Nhóm cổ phiếu tăng giá mạnh không tác động được đến các chỉ số. Ngay như Smallcap-Index cũng chỉ tăng 0,64% hôm nay. Rổ Vn30 cũng có 17 mã tăng cao hơn phiên sáng, VIC kịch trần, nhưng chỉ số đại diện vẫn giảm 0,86%.

Với nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ, sự co kéo lẫn nhau không giúp ích gì nhiều cho chỉ số. Bản thân giao dịch ở nhóm này phần lớn vẫn là đầu cơ riêng lẻ. Hai nhóm cổ phiếu nổi bật hôm nay là bất động sản và chứng khoán.

Cổ phiếu bất động sản được dẫn dắt bởi VIC tăng kịch trần. Cuối phiên sáng VIC đã rất mạnh, tăng 4,57% so với tham chiếu. Cả phiên chiều VIC tiếp tục nhận được lực cầu mạnh mẽ và đến khoảng 2h15 thì bắt đầu khớp vào dư bán giá trần. Vài phút sau VIC chính thức được chặn mua giá trần và kéo dài tới ATC. VIC chiều nay thanh khoản không cao, chỉ khoảng 340 tỷ đồng khớp lệnh, nhưng một phần do không còn người bán. Đợt ATC VIC chỉ giao dịch 74 ngàn cổ.

Ảnh hưởng từ VIC thúc đẩy nhóm cổ phiếu bất động sản khá tốt, nhưng cũng không phải tất cả. Đa số các mã tăng mạnh là nhóm vốn hóa nhỏ. Khoảng hai chục mã bất động sản nhỏ như PVL, KHG, DXG, CRE, LGL, SCR, DRH... tăng đến giá trần. Trong khi đó những mã như NVL lại vẫn giảm 0,45%. VHM chiều nay cũng tăng cao thêm 1,29% so với cuối phiên sáng, chốt trên tham chiếu 1,8%.

Nhóm chứng khoán chiều nay cũng chứng kiến SSI, HCM, VND đảo chiều khá ấn tượng, kéo theo cả loạt cổ phiếu nhỏ hơn tăng. SSI tăng thêm khoảng 2,71% trong chiều nay so với giá cuối phiên sáng, đóng cửa trên tham chiếu 3,36%. VND cũng tăng 2,44%, HCM tăng 1,03%. Cùng ngành có CSI, IVS và VIX đóng cửa ở giá kịch trần, 8 mã khác tăng trên 2%...

Độ rộng chung trên HoSE lúc đóng cửa ghi nhận 187 mã tăng/293 mã giảm, so với thời điểm cuối phiên sáng cũng là có cải thiện đang kể (122 mã tăng/362 mã giảm). Số mã giảm trên 2% lúc đóng cũng tụt xuống 76 mã từ 114 mã buổi sáng. Đặc biệt, số kịch trần tăng gấp đôi lên 40 mã. Có những cổ phiếu bất động sản nhỏ khớp hàng chục triệu đơn vị như DXG, HAG, SCR...

Mặc dù các cổ phiếu nhỏ có vẻ tốt hơn, nhưng nhóm blue-chips thì không. VIC và VHM có cải thiện tốt, đã kéo mạnh VN-Index giúp chỉ số này đến cuối phiên chỉ còn giảm 8,19 điểm tương đương 0,55% so với tham chiếu. Tuy vậy nhóm giảm sâu hơn cũng có vốn hóa không hề thấp: VCB tụt thêm 1,29% trong chiều nay và đóng cửa giảm tổng cộng 3,71%. Nếu như VIC “giành” được cho VN-Index khoảng 7 điểm thì VCB lại lấy đi gần 4 điểm. Nhóm TCB, BID, STB, VPB giảm từ 2-3%. Ngoài ra chưa kể MSN, PLX, VJC giảm trên 3%... Độ rộng của rổ VN30 vẫn chỉ là 4 mã tăng/26 mã giảm, chỉ số chốt phiên giảm 0,86%.

Dòng tiền vào thị trường chiều nay khá yếu. VN30 chỉ giao dịch được gần 4.675 tỷ đồng và toàn sàn HoSE khoảng 10.785 tỷ đồng. Tính chung hai sàn niêm yết phiên chiều khớp lệnh chỉ bằng 55% buổi sáng. Do vậy dù buổi sáng thanh khoản tăng, cả ngày hôm nay vẫn là một phiên giảm giao dịch. Kể cả tính giao dịch thỏa thuận, tổng giá trị 2 sàn cũng vẫn giảm 8%.

Điểm tích cực là ở nhóm 10 mã thanh khoản tốt nhất, số giảm giá chủ yếu vẫn là ngân hàng như TCB, STB, VPB và thêm HPG. Số tăng giá ngoài VIC, VHM có SSI, VIX. Bên HNX hai mã thanh khoản cao nhất là SHS và CEO, cũng tăng giá đồng thời thuộc hai nhóm cổ phiếu nổi nhất phiên này.

Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 352 tỷ đồng trên HoSE, tương đương bán ra khoảng 221 tỷ đồng riêng chiều nay. HNX bất ngờ có CEO bị rút ròng trên 197 tỷ đồng. Giao dịch của khối ngoại phân hóa ở HoSE, khi mua ròng tích cực với CTG, STB, VRE thì lại bán ròng nhiều tại HCM, VPB, HDG, MSB, VCB...

Tin cùng chuyên mục