Hàng loạt doanh nghiệp thép báo lãi sau 6 tháng đầu năm 2016. Ảnh: Ngọc Anh |
Ồ ạt báo lãi
Ngày 7/3/2016, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định về việc áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam. Mức thuế là 23,3% đối với phôi thép và 14,2% đối với thép dài, áp dụng tối đa trong vòng 200 ngày.
Trong giai đoạn đầu áp thuế tự vệ tạm thời, cùng lúc với việc giá nguyên liệu đầu vào là quặng sắt và than cốc tăng vào tháng 3 và tháng 4, thì giá phôi thép và thép xây dựng trong nước đã tăng mạnh. Điều này đã tạo nên một bức tranh vô cùng khả quan về kết quả kinh doanh đối với các công ty thép. Công ty CP Tập đoàn Thép Tiến Lên (TLH) thông báo, 6 tháng đầu năm 2016, DN này đạt 1.902 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2015 và lợi nhuận sau thuế đột biến tăng 22 lần lên 261 tỷ đồng. Công ty CP Thép Dana Ý (DNY) báo lãi 13,5 tỷ đồng sau thuế trong quý II, gần gấp 5 lần cùng kỳ năm ngoái. Công ty CP Thép Nam Kim (NKG) cũng đột biến tăng doanh thu tới 60% và lợi nhuận sau thuế gấp 5 lần trong nửa đầu năm 2016. Mới nhất, tại buổi gặp mặt nhà đầu tư diễn ra vào ngày 26/7, Công ty CP Hòa Phát cho biết, trong quý II/2016, DN này lãi đột biến lên tới hơn 2.000 tỷ đồng, nâng lợi nhuận sau thuế 2 quý đầu năm lên hơn 3.000 tỷ đồng. Đây là mức lãi cao nhất trong lịch sử của Hòa Phát.
Nhưng không dừng lại ở đó, với quyết định chính thức áp thuế tự vệ của Bộ Công Thương đối với các sản phẩm thép nhập khẩu có hiệu lực từ 2/8/2016, nhiều doanh nghiệp thép trong năm nay có thể yên tâm báo lãi với cổ đông.
Theo ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Hòa Phát, trên thực tế, việc áp thuế tự vệ mới chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty sản xuất phôi từ thép phế liệu, mà không phải là các công ty sản xuất thép từ quặng như Hòa Phát. Nhưng trong xu hướng tích cực của ngành thép trong nước cả về sản lượng tiêu thụ và giá bán, Công ty đã được hưởng lợi theo. Ông Long đánh giá, việc này sẽ tạo nên hàng rào chắn rất tốt cho ngành thép Việt Nam. “Tôi được biết, lượng phôi thép xây dựng của Trung Quốc vào Việt Nam đã có dấu hiệu giảm, nhưng để đánh giá hiệu quả phải trong thời gian dài hơi hơn”, ông Long cho biết.
Cũng theo Chủ tịch HĐQT của Hòa Phát, bất kỳ chính sách nào cũng sẽ tạo thuận lợi cho nhóm doanh nghiệp này và bất lợi cho nhóm doanh nghiệp khác.
Còn dư địa tăng giá?
Đánh giá hiệu ứng của thuế tự vệ chính thức lên kết quả kinh doanh của các DN thép trong năm 2016, Báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương (VCBS) cho rằng, giá nhập khẩu đối với thép Trung Quốc được đẩy lên cao hơn gần 30% so với giá năm trước làm giảm mạnh sức cạnh tranh của sản phẩm này trên thị trường Việt Nam, tạo điều kiện để DN nội địa cải thiện sản lượng tiêu thụ và giá bán. Bên cạnh đó, chi phí hỗ trợ bán hàng giảm mạnh do nguồn cầu từ đầu cơ tăng đột biến. Ở chiều ngược lại, với những DN thép xây dựng nhỏ với công nghệ chưa cao, phải nhập phôi thép về làm nguyên liệu sẽ bị ảnh hưởng đáng kể khi phôi thép bị đánh thuế lên đến 33,3%.
Trên thực tế, một số doanh nghiệp sản xuất thép trong nước như Pomina, Vinausteel, Công ty TNHH Nasteel-Vina, Công ty TNHH Thép Vinakyoei, Công ty CP Thép Việt Đức, Công ty CP BCH đã từng đề nghị không áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng phôi thép ngay khi Bộ Công Thương ra quyết định điều tra do lo ngại việc phôi thép trong nước tăng giá theo.
Nhận định về kết quả kinh doanh và diễn biến giá cổ phiếu ngành thép trong 6 tháng cuối năm, chuyên viên phân tích của VCBS cho rằng, sẽ có sự phân hóa rất mạnh giữa các DN trong ngành. Những DN đầu tư bài bản có thể tăng công suất chiếm lĩnh thị phần và tăng lợi nhuận. Ngược lại, những DN có công nghệ lạc hậu thì không hưởng lợi nhiều từ việc ưu đãi chính sách thuế. Tuy nhiên, bức tranh chung của ngành thép là nguồn cung khá lớn, thị trường thép hiện đã bão hòa nên diễn biến giá thép khá bấp bênh. Hiện tại nhiều DN sản xuất thép quy mô lớn đã hoạt động hết công suất nhưng vẫn rất thận trọng khi không có ý định đầu tư, mở rộng thêm.