Công bố quy hoạch 30 cảng hàng không đến năm 2030

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ngày 14/7, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) công bố quy hoạch tổng thể hệ thống cảng hàng không toàn quốc với 30 cảng đến năm 2030 và hình thành 33 cảng đến năm 2050.
Thời kỳ 2021 - 2030, cả nước hình thành 30 cảng hàng không bao gồm 14 cảng quốc tế và 16 cảng quốc nội
Thời kỳ 2021 - 2030, cả nước hình thành 30 cảng hàng không bao gồm 14 cảng quốc tế và 16 cảng quốc nội

Theo quy hoạch được Chính phủ phê duyệt, hệ thống cảng hàng không theo mô hình trục nan với hai đầu mối vận tải chính tại Hà Nội và TP.HCM.

Thời kỳ 2021 - 2030, cả nước hình thành 30 cảng hàng không bao gồm 14 cảng quốc tế là Vân Đồn, Cát Bi, Nội Bài, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, Liên Khương, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ và Phú Quốc; 16 cảng quốc nội là Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Nà Sản, Đồng Hới, Quảng Trị, Phù Cát, Tuy Hòa, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết, Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo, Thành Sơn và Biên Hòa.

Tầm nhìn đến năm 2050, cả nước có 33 cảng hàng không, bao gồm 14 cảng quốc tế đã có, trong đó sân bay quốc tế Hải Phòng thay thế Cát Bi; 19 cảng quốc nội, có thêm sân bay Cao Bằng, Cát Bi, Nam Hà Nội.

Vùng Thủ đô dự kiến bổ sung cảng nội địa thứ hai để hỗ trợ sân bay Nội Bài khi đạt quy mô khoảng 100 triệu hành khách mỗi năm, đáp ứng mục tiêu hình thành hai trung tâm vận tải hàng không đầu mối trung chuyển quốc tế tầm cỡ khu vực tại vùng Hà Nội và TP.HCM.

Theo Bộ GTVT, số lượng cảng hàng không được quy hoạch như trên đảm bảo đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 có trên 95% dân số có thể tiếp cận sân bay trong phạm vi 100 km, cao hơn mức trung bình của thế giới hiện nay là 75%, tương đương các nước trong khu vực.

Quy hoạch được Chính phủ phê duyệt có tính mở cao, cho phép đề xuất danh mục cảng hàng không tiềm năng để nghiên cứu, đánh giá và báo cáo Thủ tướng xem xét bổ sung quy hoạch khi đủ điều kiện.

Danh sách đề xuất theo quy hoạch hiện nay có 12 sân bay gồm: Hà Giang (tại xã Tân Quang, huyện Bắc Quang); Yên Bái (phường Nam Cường, TP. Yên Bái); Tuyên Quang (xã Năng Khả, huyện Na Hang); sân bay quân sự Gia Lâm (quận Long Biên, Hà Nội); Bắc Ninh (xã Xuân Lai, huyện Gia Bình); Hà Tĩnh (xã Cẩm Nam, huyện Cẩm Xuyên); Kon Tum (thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông); Quảng Ngãi (xã An Hải, huyện Lý Sơn); Bình Thuận (xã Ngũ Phụng, huyện Phú Quý); Khánh Hòa (xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh); Đắk Nông (xã Quảng Khê, huyện Đắk Glong) và Tây Ninh (xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu).

Theo Cục trưởng Cục Hàng không Đinh Việt Thắng, nhiều địa phương mong muốn có sân bay để thúc đẩy kinh tế - xã hội, tuy nhiên vấn đề đầu tư và hoạt động hiệu quả là quan trọng nhất. Ngoài chi phí đầu tư, sân bay còn phải duy trì hoạt động. Sân bay được địa phương đánh giá hiệu quả, có nguồn lực đầu tư sẽ được đưa vào quy hoạch.

"Quy hoạch vừa đóng và vừa mở. Cảng nào không phát huy vai trò sẽ đưa ra khỏi quy hoạch, địa phương nào thu xếp được nguồn lực, khả thi, hiệu quả thì có thể bổ sung", ông Thắng nói.

Tin cùng chuyên mục