Công trình phơi sương, nhà đầu tư bạc mặt

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - TP.HCM là địa phương đi đầu trong việc kêu gọi nguồn lực tư nhân tham gia phát triển hạ tầng. Tuy nhiên, nhiều dự án trọng điểm của Thành phố như Dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM, dự án giao thông, dự án công nghệ cao… vẫn đang mắc kẹt; một số công trình đã thi công hơn 80%, thậm chí hơn 90% nhưng vẫn phải phơi sương gió từ năm này qua năm khác trong khi nhà đầu tư bạc mặt vì lãi vay.
Cống Tân Thuận hoàn thành 93% nằm phơi sương hơn 4 năm. Ảnh: Nguyễn Văn
Cống Tân Thuận hoàn thành 93% nằm phơi sương hơn 4 năm. Ảnh: Nguyễn Văn

TP.HCM là một đô thị thường xuyên bị tác động của triều cường, mưa lớn vào mùa mưa, khiến ngập lụt thường xảy ra trên diện rộng. Tình trạng này gây nhiều thiệt hại cho người dân cũng như ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố. Để giải quyết vấn đề ngập do triều, TP.HCM cùng Trung Nam Group ký hợp đồng triển khai Dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu - giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng từ năm 2016 theo hình thức hợp đồng BT. Mục tiêu của Dự án là kiểm soát ngập do triều cường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 570 km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc trung tâm TP.HCM, bờ hữu sông Sài Gòn.

Theo Trung Nam Group, cống Bến Nghé đã hoàn thành 97% khối lượng, Cống Tân Thuận đã hoàn thành 93%, loạt cống còn lại đều đã hoàn thành hơn 90% khối lượng…

Theo báo cáo của Nhà đầu tư, lũy kế giá trị giải ngân đã đạt 8.276,052 tỷ đồng/9.976 tỷ đồng. Trung Nam Group cho biết, do vướng mắc pháp lý, chưa thể điều chỉnh Dự án, điều chỉnh hợp đồng, mọi hoạt động thi công phải tạm dừng 4 năm nay. Mỗi ngày, chi phí lãi vay (chỉ tính lãi đơn) đã lên tới 1,8 tỷ đồng, gây áp lực rất lớn đối với nhà đầu tư.

Điều đáng nói, TP.HCM đang giữa mùa mưa và cao điểm triều cường. Ngay cạnh các cống Tân Thuận, Phú Xuân đồ sộ, hiện đại nằm dài nhiều năm phơi sương gió thì người dân khu vực Quận 4, Quận 7 lại bị ảnh hưởng nặng nề do ngập lụt mỗi ngày.

Cũng do vướng mắc pháp lý (thay đổi chủ trương, chính sách pháp luật đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng điều chỉnh), Dự án BT Đầu tư xây dựng đoạn tuyến kết nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa - Quốc lộ 1, TP. Thủ Đức đã đình trệ hơn 4 năm qua, 2 bên đường lau lách, cỏ dại mọc um tùm. Ông Nguyễn Thế Vinh, Tổng giám đốc Công ty CP Văn Phú Bắc Ái (doanh nghiệp dự án) chia sẻ, Nhà đầu tư đã rót vào dự án này hơn 2.200 tỷ đồng, lãi suất phát sinh đến nay là hơn 600 tỷ đồng. Lũy kế sản lượng thi công toàn Dự án đến nay đạt 43,79% khối lượng và được Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM xác nhận giá trị là 372,195 tỷ đồng. Công tác giải phóng mặt bằng đã hoàn thành 95% khối lượng công việc.

Ông Vinh cho rằng, cơ quan có thẩm quyền cần xử lý dứt điểm các vướng mắc bằng cơ chế đặc thù, bằng sự quyết liệt, đồng bộ nhất vì lãi vay phát sinh thời gian qua là rất lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe doanh nghiệp.

Tình trạng dự án không đầu tư đồng bộ, không điều chỉnh kịp thời không chỉ gây lãng phí nguồn lực, mà còn ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh. Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) TP.HCM về tiến độ triển khai các dự án nông nghiệp công nghệ cao, có tới 4 dự án dở dang, chưa thể hoàn thiện. Trong đó, điển hình là Dự án Khu nông nghiệp công nghệ cao ngành thủy sản tại huyện Cần Giờ được thông qua chủ trương đầu tư vào tháng 8/2015, với tổng mức đầu tư 500 tỷ đồng. Dự án giao Ban Quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao làm chủ đầu tư.

Dự án được khởi công tháng 12/2017, tổng kinh phí giải ngân đến ngày 30/9/2020 là 109,235 tỷ đồng, tương đương 21% tổng mức đầu tư. Do vướng mắc về chồng lấn ranh, Dự án đã ngừng thi công từ tháng 4/2018 để thực hiện thủ tục điều chỉnh quy hoạch. Ngày 23/8/2024, Chủ đầu tư có công văn đề xuất kế hoạch thực hiện Dự án giai đoạn 2026 - 2030, điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 500 tỷ đồng thành 790 tỷ đồng.

Từ năm 2020, UBND huyện Cần Giờ đã có công văn lấy ý kiến của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Quy hoạch - Kiến trúc; Sở Tài nguyên và Môi trường đối với việc điều chỉnh cục bộ đồ án quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 khu nuôi trồng thủy sản công nghệ cao. Tuy nhiên, các sở này đều… im lặng. Do đó, Huyện đã xin trả hồ sơ dự án vì không có cơ sở để điều chỉnh. Các hạng mục của Dự án tiếp tục nằm phơi sương gió, xuống cấp trầm trọng.

Theo Sở KH&ĐT TP.HCM, các dự án nông nghiệp công nghệ cao tại TP.HCM đang nhận được sự quan tâm và đề xuất đầu tư của hàng loạt nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Hoa Kỳ và Singapore. Tuy nhiên, do cả 4 dự án nông nghiệp công nghệ cao của Thành phố đều dở dang, nên chưa đủ hạ tầng, quỹ đất cho nhà đầu tư lựa chọn.

Là thành viên Tổ công tác triển khai Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch cho rằng, nếu không tận dụng đúng và đủ các ưu thế đặc thù để xử lý các tồn đọng, tình trạng lãng phí nguồn lực đầu tư sẽ không thể giải quyết triệt để. “TP.HCM đã được giao nhiều quyền tự quyết để cùng gỡ vướng một cách kịp thời. Cần xem lại hiệu quả, tiến độ của công tác phối hợp giữa các sở, ngành tham mưu trong công tác xử lý tồn đọng của từng dự án”, chuyên gia này khuyến nghị.

Tin cùng chuyên mục